Ảnh minh họa. Nguồn: brilio.net
Tết là một dịp để mọi người được ăn ngon hơn những ngày thường, với niềm tin dị đoan rằng nếu những ngày đầu năm được no say, dư dã thì những ngày sau cũng sẽ được sung sướng như vậy. Tuy nhiên, khi trong nhà luôn có đầy đủ các loại thức ăn "bổ dưỡng" như thịt kho, lạp xưởng, bánh mứt…, đến thăm nhà ai cũng được mời ăn uống thì một số người, nhất là trẻ em lại bị biếng ăn, sụt cân và thậm chí bị bệnh sau những ngày Tết.
Ăn suốt ngày vẫn không đủ năng lượng
- Với tinh thần không thể nào thiếu một nồi thịt kho trứng, thịt chiên, vài bịch lạp xườn, mấy đòn bánh tét nhân thịt mỡ, bánh chưng v.v… để dự phòng luôn có đồ ăn trong nhà mà đỡ phải nấu nướng, thì thành phần chất béo trong các món ăn là rất cao, thuộc loại "khó tiêu" nên trẻ em thường chỉ ăn được một ít.
- Khi các món ăn cũ được hâm đi hâm lại, rau trái tươi sống thì không có thường xuyên, có gia đình lại lười cả việc nấu cơm nóng… làm cho chúng ta dễ bị ngán ngấy và không thể ăn được nhiều vào bữa ăn chính.
- Trẻ em thường thích ăn vặt, nếu trong nhà có sẵn đủ món "khoái khẩu" như bánh, kẹo, mứt,… thì trẻ cũng dễ ăn lặt vặt suốt ngày. Đi thăm hỏi bà con họ hàng đến nhà nào cũng đều được mời ăn bánh mứt, đi nhiều ngoài trời nắng nóng nên uống liên tục các loại nước ngọt .v.v…vì thế khi đến bữa ăn chính sẽ bị no ngang không thể ăn đủ lượng thực phẩm chính.
- Vì đi chơi liên tục từ nhà này sang nhà khác, giờ giấc bị xáo trộn, đôi khi các bữa ăn chính có thể bị bỏ qua vì nghĩ rằng đã ăn lắt nhắt cả ngày.
Vì vậy, sụt cân là điều tất yếu. Bên cạnh đó, việc thừa mứa thực phẩm, sử dụng thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm công nghiệp… làm tăng nguy cơ gặp phải nguy cơ kém vệ sinh do phẩm màu độc hại, nhiễm vi khuẩn, bụi bặm do phơi ngoài trời… hoặc thức ăn cũ bị ôi thiu, lên mốc (nhất là lạp xưởng, bánh chưng, trái cây… để lâu ngày) thì sẽ dễ bị bệnh, rối loạn tiêu hóa… Mặt khác, khi ăn kém, sụt cân thì sức đề kháng trong cơ thể giảm, làm cho cơ thể dễ bị bệnh hơn.
Cố gắng duy trì bữa ăn ngày Tết
- Mỗi ngày nên có ít nhất một bữa cơm nóng, các món mặn nên thay đổi và có rau trái thường xuyên. Tránh ăn lặt vặt suốt ngày.
- Không nên mua và dự trữ quá nhiều thực phẩm trong nhà vì thật ra chợ chỉ nghỉ bán khoảng 2-3 ngày.
- Khi mua bánh mứt hay thực phẩm nói chung, hãy chú ý còn trong hạn sử dụng, không có màu sắc sặc sỡ để tránh phẩm màu độc hại.
- Hâm kỹ thức ăn cũ trước khi sử dụng lại, không ăn các thực phẩm đã bị ôi thiu, mốc hỏng.
- Tăng cường rau củ, trái cây trong bữa ăn để cung cấp thêm chất tươi, sinh tố giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Người mắc bệnh cao huyết áp cần hạn chế các lọai thực phẩm khô công nghiệp như đồ hộp, lạp xưởng, xúc xích, mì gói, hộp vịt muối … do có hàm lượng muối khá cao.
- Tai nạn bị hóc, sặc do vỏ hạt dưa, hạt hướng dương, hạt điều, các thức ăn khô cứng… cũng thường gặp ở người già và trẻ em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận