24/11/2013 08:35 GMT+7

Đừng để sân khấu học đường tối đèn vì hết tiền

HOÀNG OANH ghi - CLIFF MOUSTACHE 
HOÀNG OANH ghi - CLIFF MOUSTACHE 

TT - Tôi từng đến VN nhiều lần trong vài năm qua để thực hiện những dự án phi lợi nhuận về sân khấu truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật hát bội. Tôi nhận thấy bây giờ không còn nhiều bạn trẻ VN quan tâm đến hát bội nữa. Đó có thể là do từ nhỏ họ đã không được tìm hiểu sâu, vì không hiểu nên không thấy hay, vì không thấy hay nên không yêu...

SxBrnVw7.jpgPhóng to
Các diễn viên Sân khấu kịch Hồng Vân diễn kịch để tuyên truyền về an toàn giao thông tại Trường THPT Marie Curie, TP.HCM sáng 11-11. Đây là chương trình nằm trong dự án “Kết nối cộng đồng” do Công ty cổ phần sân khấu và điện ảnh Vân Tuấn, Sở VH-TT&DL TP.HCM, Sở GD-ĐT TP thực hiện - Ảnh: H.HG.

"Chuyện đưa sân khấu đến với các em nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, giải quyết được rất nhiều vấn đề về bài toán sân khấu cho tương lai: tạo nên một thế hệ khán giả tiềm năng, phát hiện nhân tài để đào tạo thành lớp diễn viên kế cận... Nhưng quan trọng nhất là việc này sẽ giúp các em nhỏ có đủ kiến thức để phân biệt cái gì hay, cái gì dở, cái gì là nghệ thuật, cái gì là phản cảm"

CLIFF MOUSTACHE

Theo tôi được biết, ở VN từ mười năm trước đã có dự án về sân khấu học đường được Quỹ Ford tài trợ nhằm đưa những bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương đến với học sinh. Ý tưởng này vô cùng hay nhưng hình như sau khi dự án kết thúc với thế hệ học sinh thời đó thì không thấy làm tiếp. Gần đây, tôi nghe nói có một vài dự án sân khấu học đường khác đã ngưng hoạt động vì hết tài trợ hoặc không đủ kinh phí (dự án Tiếng nói trẻ thơ do Quỹ SIDA Thụy Điển tài trợ, dự án Đưa kịch lịch sử vào trường học của sân khấu Idecaf - PV). Như vậy, không phải thiếu người diễn hay người xem mà chỉ đơn giản là thiếu tiền. Điều này thật sự rất đáng tiếc. Tôi nghĩ Chính phủ VN nên chủ động có những nguồn quỹ riêng cố định và dồi dào cho việc này hơn là chỉ dựa hoàn toàn vào các quỹ hỗ trợ nước ngoài.

Theo tôi, sân khấu học đường không nên chỉ dừng lại ở mức độ các dự án có thời hạn mà nên trở thành một môn học bắt buộc ở trường. Nhiều nước khác đã làm điều này từ lâu, tôi nghĩ VN hoàn toàn có thể áp dụng. Ở đó học sinh sẽ được học về lịch sử hình thành sân khấu, các loại hình sân khấu, kết cấu kịch bản, quy trình hình thành một tác phẩm, thực hành biểu diễn...

uSLkja3j.jpg
Cliff Moustache - Ảnh: NORDIC BLACK

Trong các tiết học có thể mời những nghệ sĩ nổi tiếng đến giao lưu, những nghệ nhân kinh nghiệm đến truyền nghề. Những buổi diễn báo cáo nên được tổ chức trang trọng như kiểu đêm hội có mời thầy cô, phụ huynh, bạn bè đến xem để cổ vũ và động viên những niềm đam mê đang hình thành. Nội dung của những buổi học sân khấu có thể là những câu chuyện gần gũi xảy ra hằng ngày trong cuộc sống, phù hợp với lứa tuổi, nhưng cũng có thể là những câu chuyện xa xôi, kỳ bí và mang nhiều tính tưởng tượng. Tôi biết vừa qua tại một trường phổ thông ở TP.HCM có tổ chức chương trình sân khấu học đường với vở kịch ngắn về các vấn đề an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phát triển đô thị... rất tốt. Các bạn có thể làm thêm những câu chuyện về tình bạn, tình yêu đầu đời, cá tính khác biệt, ước mơ tương lai... Sân khấu là một phương tiện cho phép chúng ta bay bổng. Tuy nhiên, sự bay bổng này vẫn phải nằm trong giới hạn của lứa tuổi, không nên diễn kịch học đường bằng ngôn ngữ, hành động và biểu cảm của người lớn...

Ở Na Uy, các chương trình sân khấu dành cho học sinh rất phổ biến và rất “quyền lực”, được chính phủ khuyến khích. Ngày càng có nhiều tác giả, biên kịch, đạo diễn, diễn viên chỉ chuyên viết, dựng và diễn cho trẻ em. Nhà hát Nordic Black của tôi cũng tham gia việc này. Chúng tôi luôn có những suất diễn đặc biệt dành cho các em học sinh của các trường ở Oslo.

* Belinda Shorland (người Anh, diễn viên sân khấu kịch Dragonfly, giáo viên Trường quốc tế British International School - TP.HCM):

Học sinh rất thích thú đến nhà hát

Khi tôi trở thành giáo viên và giảng dạy ở một ngôi trường trung học ở Liverpool, một trong những giáo trình quan trọng của trường là đưa học sinh đến các nhà hát (tiền vé có thể do trường chi trả hoặc được chính phủ tài trợ). Những học sinh của tôi đã rất thích thú. Tôi còn nhớ mình đã ngồi trong phòng trưng bày và ngắm nhìn những đứa trẻ đó háo hức xếp hàng để được vào nhà hát. Ở TP.HCM trong dự án sân khấu của Dragonfly, chúng tôi cũng đã cố gắng tiếp cận nhiều hơn với học sinh. Cụ thể là những buổi diễn đặc biệt dành cho học sinh, sinh viên của vở Tầm quan trọng của sự nghiêm túc, hay các buổi hội thảo tại Hội đồng Anh dành cho các trường học trong dự án kịch Hoàng tử bé. Chúng tôi muốn mở rộng thêm cách làm này, giúp những học sinh VN có cơ hội được xem sân khấu nước ngoài bằng cách diễn những vở kịch phương Tây bằng tiếng Việt, hoặc diễn kịch VN bằng tiếng Anh, hoặc có thể là diễn kịch phương Tây bằng thứ tiếng Anh dễ hiểu.

* Joe Springer Miller (người Mỹ, đồng sáng lập nhóm kịch Saigon Players):

Nghệ thuật sân khấu là bài luyện tập quan trọng

Tôi đến từ thị trấn Stowe, bang Vermont (Mỹ). Bạn thử nghĩ xem ở một thị trấn tí hon của vùng núi tuyết phủ xa xôi đó lại có rất nhiều cộng đồng nghệ thuật. Và sẽ rất lạ nếu ai ở đó chỉ đến nhà hát một lần mỗi tháng. Chúng tôi có rất nhiều nhóm văn nghệ dành cho trẻ em. Ở trường học, nghệ thuật sân khấu là một bài luyện tập quan trọng giúp học sinh có thể tự tin trình bày ý kiến trước đám đông, tương tác và sáng tạo cùng nhau. Thầy cô và cha mẹ nên khuyến khích các em tưởng tượng, múa hát, chạy nhảy, giao tiếp... Những điều này làm nên sự trưởng thành cơ bản trong mỗi cá nhân, là cách chúng ta học để sáng tạo cái mới chứ không phải để làm theo cái cũ.

HOÀNG OANH ghi - CLIFF MOUSTACHE 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên