“Phao” thi vẫn trắng sân trườngLộ tẩy quay cópSốc với clip tiêu cực thi ở Bắc Giang
Kết quả những năm qua là thế nào? Năm đầu mới áp dụng “hai không” (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) thời ông Nguyễn Thiện Nhân làm bộ trưởng Bộ GD-ĐT, các địa phương chưa kịp ứng phó nên nhiều nơi đạt kết quả thấp một cách bất ngờ, không ít tỉnh đạt tỉ lệ tốt nghiệp vòng đầu dưới 50%, có trường có số thí sinh đậu đếm được trên đầu ngón tay. Năm sau, tình hình đã thay đổi hẳn với tỉ lệ tốt nghiệp tăng vọt vài chục phần trăm, rồi dần dần vài năm nữa tỉ lệ này trở về mức cũ trước kia - tỉnh nào cũng đạt trên 90%, có tỉnh trên 98%. Con số đẹp trên khiến nhiều nhà quản lý xã hội thở phào. Kỳ thi 2012 này chắc cũng có nhiều, rất nhiều con số đẹp.
Nhưng người ta có quyền đặt câu hỏi: có phải sự “tiến bộ” này cho thấy chất lượng dạy học đã có những bước tiến thần kỳ, chất lượng học sinh đã vụt lớn lên với tốc độ Phù Đổng? Không, bất kỳ ai có chút hiểu biết về thực trạng giáo dục Việt Nam đều thừa biết không phải vậy.
Thế thì thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích gì, có phải để nắm tương quan trình độ học sinh giữa các tỉnh thành qua từng năm không? Ngay đến Bộ GD-ĐT - nơi tổ chức, cầm trịch cuộc thi này - cũng không dám kết luận một tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp đến 98% thì có chất lượng cao hơn của một tỉnh khác chỉ tốt nghiệp 75%. Nói cách khác, tỉ lệ tốt nghiệp qua cuộc thi tổ chức rầm rộ, tốn kém, với quy chế có vẻ rất chặt chẽ kèm các khẩu hiệu kêu gọi về đạo đức hoàn toàn không phản ánh chất lượng thật sự, càng không phản ánh tương quan về chất lượng dạy và học giữa các địa phương và giữa các năm với nhau.
Con số trên nếu phản ánh được điều gì thì đó chỉ là phản ánh tính “hiệu quả” của các biện pháp đối phó của những người quản lý kỳ thi. Nếu xui rủi các biện pháp gian lận thi cử bị lật tẩy, trưng ra bằng các đoạn video clip hẳn hoi thì “ai” xui nấy cố cãi, cãi không được thì ráng chịu kỷ luật, khi bị kỷ luật thì tìm cách nào đó dằn mặt người dám tố cáo, những nơi còn lại sẽ được kết luận “kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc”.
Nơi nào cán bộ quản lý biết tự trọng tổ chức thi cử trung thực, phản ánh qua tính khá “ổn định” của tỉ lệ tốt nghiệp qua hàng vài chục năm (dù là trước hay sau năm phát động “hai không”), cũng đành tự động viên mình đã nghiêm chỉnh thực hiện quy chế thi cử, thành tích dù có kém địa phương bạn cũng chẳng sao. Nơi nào tổ chức thi bê bối nhưng không bị bắt quả tang thì khấp khởi mừng “thế là trót lọt”, năm sau cứ thế phát huy, không biết chừng còn có bằng khen nữa.
Cái sảy “bệnh thành tích” từ lâu đã trở thành cái ung nhọt - thói gian dối tập thể. Người lừa kẻ khác mà không bị phát giác thì vui mừng đã đành, lạ là người bị lừa dối biết mình bị lừa mà vẫn thích. Cứ để vậy rồi người người sẽ nghiệm ra rằng không lừa, không dối trá thì không sống nổi. Một “hố đen xã hội” xuất hiện. Nếu hố đen trong vũ trụ nuốt trọn mọi thiên thể lớn nhỏ gần nó, nuốt cả ánh sáng luôn thì “hố đen trong xã hội” nuốt chửng mọi đạo đức tốt đẹp của con người, nuốt cả lương tâm luôn. Hãy đừng để “hố đen” xuất hiện trong xã hội chúng ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận