15/01/2018 10:27 GMT+7

Đừng để điệp khúc thu - xả BOT kéo dài

HOÀNG TRÍ DŨNG
HOÀNG TRÍ DŨNG

TTO - Bộ GTVT cần tiếp cận và giải quyết vấn đề căn cơ hơn, khắc phục triệt để xung đột BOT, thay vì giải quyết lắt nhắt với điệp khúc thu - xả như vừa qua.

Đừng để điệp khúc thu - xả BOT kéo dài - Ảnh 1.

Khởi sự từ 4 tháng trước ở BOT Cai Lậy do một nhóm tài xế phản ứng việc đặt trạm thu phí bất hợp lý, nay phản ứng này đã trở thành phổ biến và gây căng thẳng khắp nơi trên các cung đường quốc lộ 1 huyết mạch từ Sóc Trăng, Cần Thơ, Ninh An, Cầu Rác, Quảng Bình, Tam Kỳ, Bình Định đến Đồng Nai, Bình Thuận...

Căng thẳng leo thang đến nỗi nhiều nơi đã xảy ra xung đột, hành khách lẫn hàng hóa bị trễ chuyến. Thiệt hại cho xã hội là không hề nhỏ!

Theo dõi sự phản kháng và đối đáp của lái xe và các trạm BOT, sự xoa dịu từ chính quyền, lẫn chủ đầu tư như giảm giá vé, miễn phí cho dân quanh trạm ở BOT Sóc Trăng, hay BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, BOT quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang... cho thấy đều không phải là giải pháp căn cơ và cả Bộ GTVT, nhà đầu tư lẫn chính quyền các địa phương đều đang lúng túng. 

Hễ có phản ứng của người dân, doanh nghiệp vận tải khi lưu thông qua trạm là lập tức nhà đầu tư "sốt sắng" cam kết sẽ giảm phí, xả trạm, hết phản ứng lại tiếp tục thu phí. Chưa hề có một giải pháp nào cho đến nay đủ khả năng thuyết phục tài xế và dư luận mà chỉ mang tính đối phó để nhanh hạ nhiệt căng thẳng và để cho "yên chuyện".

Cần nhìn nhận thực tế: việc thực hiện tràn lan các dự án BOT giao thông đường bộ trong khi chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ đã tạo kẽ hở cho việc tùy tiện trong việc hình thành dự án từ khâu duyệt chủ trương đầu tư đến quyết toán, xác định vị trí đặt trạm thu tiền, mức thu, đối tượng thu... gây phản ứng tập thể của người dân, chính quyền địa phương và doanh nghiệp kinh doanh vận tải. 

Đáng lo ngại hơn, việc người tham gia giao thông và chính quyền, người dân địa phương bày tỏ không đồng tình, bất hợp tác khi qua trạm thu phí đã và đang có nguy cơ gây bất ổn xã hội, tác động tiêu cực đến ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Những trục trặc trong quá trình vận hành BOT thời gian qua cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh quốc gia trong thu hút nguồn lực bên ngoài, môi trường đầu tư, uy tín của cơ quan hành pháp. 

Trong khi đó, Bộ GTVT với tư cách là cơ quan quản lý, phê duyệt và cho phép chủ đầu tư thực hiện dự án BOT từ khâu chuẩn bị đầu tư (công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án) vẫn không thừa nhận là bên có trách nhiệm chính về hệ quả hiện nay xuất phát từ những quyết định thiếu căn cứ khoa học mà chỉ dựa trên những báo cáo không đầy đủ, thiếu khách quan. 

Cũng chưa có câu trả lời nào thỏa đáng trước những thắc mắc của người dân: Vì sao trạm thu phí đường tránh lại đặt trên tuyến quốc lộ độc đạo? Vì sao đã trả phí đường bộ trong giá xăng mà còn phải trả tiền BOT cải tạo quốc lộ?

Sự phản kháng tại các trạm thu phí không còn là phản ứng nhất thời, riêng lẻ của một vài tài xế, mà kéo theo phản ứng dây chuyền thành các cuộc xung đột lợi ích trên diện rộng. 

Hơn lúc nào hết, Bộ GTVT cần nhìn nhận các xung đột vừa qua không chỉ là sự cò kè mức giá thu phí mà chính là những xung đột từ lợi ích kinh tế, có nguy cơ nảy sinh các vấn đề xã hội lớn hơn. 

Cần tiếp cận hệ thống và giải quyết vấn đề căn cơ hơn là đối phó tình thế; nhìn nhận thấu đáo để có một giải pháp tổng thể, khắc phục triệt để câu chuyện BOT, thay vì cứ giải quyết lắt nhắt với điệp khúc thu - xả như vừa qua.

Tài xế van xin "bao nhiêu tiền cũng trả" để qua trạm T2 BOT Tài xế van xin 'bao nhiêu tiền cũng trả' để qua trạm T2 BOT BOT Sông Phan liên tục đóng, xả trạm, căng thẳng chưa ngớt BOT Sông Phan liên tục đóng, xả trạm, căng thẳng chưa ngớt Bộ thừa nhận BOT quốc lộ 91 bất cập nhưng vẫn chưa di dời Bộ thừa nhận BOT quốc lộ 91 bất cập nhưng vẫn chưa di dời
HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên