Tiếp sau nhiều kiểu lừa tiền qua mạng giờ lại thấy các quảng cáo trên mạng với nội dung: hỗ trợ lấy lại tiền cho các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng, hỗ trợ lấy lại tiền bị treo trên các sàn điện tử, vay online...
Đòi lại được không?
Thử tra từ khóa "lấy lại tiền bị lừa đảo qua mạng" không khó tìm đến ngay cụm từ "Mạng lưới khiếu nại gian lận - lừa đảo trực tuyến" và "Làm sao lấy lại tiền bị lừa đảo" cùng đường link của một trang mạng giới thiệu là công ty luật, chuyên gia pháp lý chống lừa đảo.
Cơ quan chức năng mới vừa cảnh báo phương thức thủ đoạn lừa đảo của các "công ty tư vấn luật hỗ trợ lấy lại tiền cho nạn nhân bị lừa đảo" kiểu này.
Vụ việc xảy ra gần đây tại thành phố Huế, bà M. đăng ký cho con thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế qua mạng và bị kẻ xấu lừa hơn 90 triệu đồng.
Lên mạng, bà thấy quảng cáo "Công ty luật hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa, bị treo" bà liền nhờ giúp lấy lại số tiền bị lừa. Bà nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản của người lạ nên tiếp tục bị lừa thêm gần 25 triệu đồng.
Một số người khác cũng lâm vào tình cảnh hai lần mất tiền vì tin rằng sẽ có thể nhờ ai đó trên mạng giúp mình lấy lại số tiền đã bị lừa mất.
Có thể thấy lừa đảo công nghệ cao ngày càng xảo quyệt, tinh vi. Cơ quan chức năng từng có cảnh báo, gần đây xuất hiện các tài khoản mạng xã hội Facebook giới thiệu là Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, hoặc Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao công an các tỉnh, thành phố để hỗ trợ người bị lừa đảo qua mạng.
Đến nay, vẫn còn những địa chỉ trên mạng mạo manh những đơn vị này. Bẫy lừa đảo giăng ra càng dày hơn trên mạng. Dưới danh nghĩa quảng cáo được tài trợ những kết quả tìm kiếm xuất hiện đầu tiên nên đập ngay vào mắt người xem khiến càng dễ dính bẫy hơn nữa.
Trang mạng có tên có mấy ký tự "113" và "bca" có dòng chữ lớn nổi bật "Trụ sở cảnh sát trung tâm" và dùng hình ảnh của lực lượng công an khiến người dùng mạng có thể hiểu nhầm.
Trang này còn tự giới thiệu là: "Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, là cơ quan đầu ngành về công tác bảo đảm an ninh và an toàn mạng, và các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao".
Đừng cả tin
Trên trang tạo nhiều đường link yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin với lời hứa chắc nịch: "Giúp các nạn nhân lấy lại tiền bị lừa đảo qua các trang mạng".
Khi nhấn vào "báo cáo manh mối" người dùng mạng được dẫn đến tài khoản mạng xã hội Facebook mang tên "Cục An. Ninh Mạng" có 16.000 người theo dõi và một trang tương tự có 10.000 người theo dõi và đều không có tick xanh.
Các tài khoản mạng cũng thường xuyên đăng tải thông tin cảnh báo lừa đảo. Điều này dễ gây ngộ nhận với người dùng mạng đây là "trang chính chủ".
Không phải ai cũng đủ kiến thức, kinh nghiệm để nhận biết trang mạng, tài khoản mạng nào thật, giả. Nhưng việc tìm sai "địa chỉ" có thể khiến mắc thêm sai lầm đau đớn nữa, là bị các trang giả mạo lừa tiền lần nữa.
Thiếu bình tĩnh, nạn nhân bị lừa tiền lên mạng mong tìm thấy nơi giúp đỡ lấy lại tiền bị mất. Vì thế càng dễ sập bẫy với lời quảng cáo giăng ra.
Các trang mạng, tài khoản mạng xã hội mạo danh quảng cáo giúp lấy lại tiền bị lừa đảo vẫn đang công khai hoạt động. Địa chỉ mạng nào bị cảnh báo đến người dùng có dấu hiệu nguy hiểm thì liền tạo ra thêm nhiều địa chỉ khác.
Vì sao đã có cảnh báo nhưng vẫn có những người bị lừa đảo qua mạng? Ngoài việc theo dõi những cảnh báo thường xuyên, kịp thời của các cơ quan chức năng, người dùng mạng xã hội cần cập nhật kịp thời thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo từ phía người dùng mạng để tránh.
Thiết nghĩ là việc vô cùng quan trọng, hữu ích khi tình trạng lừa đảo ngày càng phổ biến.
Việc nhẹ, lương cao: những lời quảng cáo bọc đường
Công việc nhẹ nhàng, ca giờ linh hoạt với thời gian học tập của sinh viên, thu nhập khủng có thể lên đến 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/ngày... Những quảng cáo kiểu này đang đăng đầy trên mạng, chiêu trò đã cũ nhưng không ít sinh viên vẫn sập bẫy.
Những quảng cáo vẫn chạy trên các trang mạng xã hội từ Facebook, TikTok đến các hội nhóm chat (Telegram, Zalo...).
Công việc đơn giản như chốt đơn mua bán hàng trên mạng, xử lý đơn hàng, lương cao, chỉ sau 2 - 3 tiếng làm sẽ nhận được 300.000 - 500.000 đồng/ngày, chỉ cần đi làm ít ngày có thể đủ tiền tiêu cả tháng. Những quảng cáo kiểu này luôn hấp dẫn với các bạn sinh viên cần có thêm thu nhập.
Nhiều nơi tuyển dụng yêu cầu sinh viên nạp những khoản tiền nhỏ (từ 15.000 - 20.000 đồng) vào "ví điện tử" trên trang web "tuyển dụng" bởi tin lời khi số tiền này tăng thêm sẽ có hoa hồng cao hơn.
Họ cũng trả những khoản "hoa hồng" nhỏ để làm mồi nhử. Ai tiếp tục nạp vào khoản tiền có giá trị lớn hơn sẽ rơi vào bẫy lừa đảo của họ. Bằng cách này, các nhóm tuyển dụng gom tiền từ rất nhiều sinh viên, những khoản tiền chừng vài trăm ngàn sẽ thành số lớn vào túi kẻ gian khi nhiều người mất cảnh giác.
Khi mất tiền rồi, bình tâm lại mới thấy rõ chiêu ma trên mạng ảo. Làm sao có việc gì dễ dàng và lương cao khi bên tuyển dụng không biết bạn là ai! Sao lại dễ dàng nộp tiền vào tài khoản nào đó trên mạng khi mình không biết họ là ai?
Cần tìm kiếm nguồn tin tuyển dụng uy tín từ các trang chính thống, không cung cấp thông tin cá nhân đến các đối tượng lạ, không nên truy cập vào các đường dẫn đáng ngờ. Đừng ham thu nhập hấp dẫn để biến mình thành nạn nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận