Kẹt xe là nỗi ám ảnh của người dân và doanh nghiệp, làm tăng chi phí logistics, cũng như cơ hội phát triển - Ảnh: VĂN BÌNH
Hạ tầng Đông Nam Bộ vẫn thiếu kết nối, chưa được đầu tư tương xứng. Lẽ ra những nơi làm ra nhiều của cải vật chất, đóng góp phần lớn cho ngân sách cần được đầu tư đúng mức để càng phát huy hiệu quả.
Rào cản phát triển các vùng đất mới
Đến nay vùng đất được cho là sẽ góp phần phát triển kinh tế, đóng góp nhiều nhất cho ngân sách vẫn chưa có lời giải thấu đáo cho bài toán giải quyết quá tải phương tiện, phá thế đơn độc để vượt ra khỏi ranh giới hành chính, hòa nhập vào không gian chung vì thiếu kết nối hạ tầng tầng giao thông.
Đó còn là nguyên nhân không điều phối được các quan hệ giữa những đô thị trong vùng về vốn, đất đai, tài nguyên, hàng hóa, thị trường lao động, thu hút nguồn lực từ bên ngoài.
Gây quá tải trên các tuyến đường kết nối hiện hữu như quốc lộ 1A, quốc lộ 13, quốc lộ 22, quốc lộ 50... Không thể phân bố đều dân cư trong vùng, ngày càng tập trung dân số tại những đô thị lớn như TP.HCM.
Thiếu kết nối hạ tầng giao thông còn là rào cản phát triển các vùng đất mới, thu hút dân cư và đầu tư.
Như dự án thành phố mới Nhơn Trạch có vai trò cực kỳ quan trọng với lợi thế lớn là trung gian giữa Đồng Nai, Vũng Tàu, TP.HCM nhưng không thể kết nối đường bộ vì chưa xây cầu Cát Lái. Thành ra, hàng hóa vận chuyển đến và đi vòng qua quốc lộ 51 đã xa hơn làm đội chi phí logistics.
Nhơn Trạch được dự báo thu hút lượng lớn dân cư, ban đầu có nhiều nhà đầu tư từng kéo về xí phần "chiếc bánh thơm". Tổng cộng, 74 dự án lớn với gần 5.000ha đất đã được giao cho các nhà đầu tư để triển khai xây dựng.
Trải qua gần 20 năm, chỉ có 12 dự án được thực hiện dở dang, số còn lại thì bỏ hoang hoàn toàn hoặc nhà đầu tư đã rời đi. Nhơn Trạch đến giờ vẫn chỉ là một đô thị vệ tinh thuộc tỉnh Đồng Nai, hàng loạt tuyến đường lớn với biệt thự làm xong rồi bỏ đó.
Gần 20 năm chờ đợi, cầu Cát Lái nối quận 2 (TP.HCM) với Nhơn Trạch (Đồng Nai), vẫn chỉ là mô hình phác thảo
Ngoài ra, những dự án giao thông triển khai thiếu đồng bộ chưa phát huy tác dụng. Như dự án đường vành đai 3 đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011, có tổng chiều dài 98,5km với yêu cầu triển khai xây dựng trước năm 2020, chỉ trừ một đoạn 16km được Bình Dương xây dựng xong năm 2011, các đoạn còn lại đã ngưng vì thiếu vốn.
Hay dự án đang chờ vốn như cầu vượt sông Thị Vải có tính chất quan trọng vì kết nối giữa đường liên cảng Cái Mép với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Qua đó, giúp liên kết toàn bộ nhóm cảng biển số 5 với các khu vực Miền Đông và Tây Nam Bộ, phát triển kinh tế vùng trọng điểm, tạo trục vận tải cho các địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Những dự án này vốn phải làm trong bối cảnh bình thường, càng không thể kéo dài trong phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.
Nếu so với các vùng khác, sẽ thấy chưa sự đầu tư tương xứng. Vùng Đông Bắc có hệ thống đường sắt, đường bộ được đầu tư trong nhiều năm liền đã cơ bản theo quy hoạch, phần lớn cầu đường được mở rộng thênh thang, kết nối với hàng loạt cao tốc.
Phải đầu tư thật tương xứng để phát triển
Vùng Đông Nam Bộ lại thiếu kết nối hạ tầng giao thông nên đã dẫn đến quá tải đường bộ gây ách tắc, kẹt xe nên mất rất nhiều thời gian trong lưu thông và vận chuyển hàng hóa khá tốn kém. Lẽ ra những nơi làm ra nhiều của cải vật chất, đóng góp phần lớn cho ngân sách cần được đầu tư đúng mức để càng phát huy hiệu quả.
Đầu tư đón đầu đương nhiên là cần, nhưng quan trọng hơn là hiệu quả. Nước ta không có nhiều tiền để đầu tư dàn trải, phung phí. Song, nếu đầu tư sai hoặc không đúng theo thứ tự ưu tiên sẽ mất đi cơ hội phát triển, tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội. Chậm đầu tư hạ tầng, kết nối giao thông cho vùng Đông Nam Bộ nếu tính ra thiệt hại, chưa kể đội vốn, tổn thất sẽ không nhỏ.
Quốc gia mất đi cơ hội phát triển, không khai thác và phát huy hết tiềm năng thế mạnh, gia tăng ngân sách. Sản phẩm, hàng hóa chậm luân chuyển. Hàng chục triệu người dân các tỉnh đi lại khó khăn, vất vả. Vì vậy, một đồng cho tăng trưởng đang phải trả giá bằng nhiều đồng vốn đầu tư hạ tầng.
Cảng Cái Mép - Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Dịch bệnh khiến các kênh đầu tư khác giảm sút, đầu tư công với số vốn có sẵn khoảng 700.000 tỉ đồng chủ yếu chờ giải ngân cho các dự án giao thông được xem là một trong những giải pháp giúp kích thích phát triển các ngành và vùng trọng điểm, phục hồi kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công rất quan trọng để đưa nguồn lực giải quyết những nhu cầu đặt ra, cả về kinh tế lẫn an sinh xã hội.
Đầu tư công nếu kéo dài, chậm giải ngân, không đạt hiệu quả sẽ có thể biến một dự án từ thiết thực trở thành gánh nặng và lãng phí. Cần kịp thời tháo gỡ các trở ngại, giải ngân đúng mục đích. Nên chăng, rà soát giải ngân đầu tư công, xét thấy dự án nào chưa đáp ứng kế hoạch thì kịp điều chỉnh, bổ sung vốn qua cho các dự án đang chờ vốn kết nối giao thông cho vùng Đông Nam Bộ.
Cần sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm tháo gỡ nút thắt, thúc đẩy cả khu vực phía Nam phát triển mạnh mẽ, tương xứng tiềm năng và vị thế của cả vùng Đông Nam Bộ.
Bên cạnh mở rộng các tuyến đường hiện hữu vốn đã quá tải theo quy hoạch, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, gấp rút gỡ vướng để hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành còn phải triển khai các dự án kết nối giao thông. Có thể kể ra nhiều dự án mang tính cấp bách đầu tư khép kín như vành đai 2, 3, 4 với cầu vượt sông Thị Vải, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Các dự các kết nối đồng bộ với sân bay Long Thành, tuyến đường sắt kết nối TP.HCM - Bình Dương - Biên Hòa.
Nhà nước không có tiền để đầu tư hết mọi thứ nhưng vẫn có thể khai thông bế tắc, định hướng phát triển. Nhà nước có thể chủ động bằng nguồn vốn ngân sách đầu tư trước cơ sở hạ tầng giao thông những khu vực trọng yếu kết nối với các dịch vụ đời sống kinh tế để làm "mồi nhử" sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư tìm đến, lúc đó không chỉ thu hút thêm nhiều nguồn lực từ bên ngoài mà còn có đà phát triển rồi sau đó tự khu vực này tạo ra giá trị, sinh lời và lan tỏa ra các vùng lân cận.
Cầu Bình Khánh (gói thầu J1) dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã ngưng thi công - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông cho cả vùng đòi hỏi chính sách "đột phá", nhiều giải pháp để tập hợp đủ nguồn lực. Ngoài vốn ngân sách và xã hội hóa đầu tư thì có chính sách mời gọi thêm các nguồn lực từ nước ngoài, ngân hàng và các quỹ tín dụng WB, ADB, ODA, IMF.
Hay như nếu tận dụng cho được nguồn lực ngay trong nước cũng thu hút lượng tiền lớn như phát hành trái phiếu công trình, huy động sức dân và doanh nghiệp tham gia các dự án đầu tư cho hạ tầng giao thông nếu có chính sách hợp lý và tạo được lòng tin, mang đến lợi ích thiết thực.
Điển hình trong số 60 bộ hồ sơ dự sơ tuyển đấu thầu quốc tế dự án cao tốc Bắc - Nam thì đã có đến 15 bộ hồ sơ của nhà đầu tư trong nước tham gia như các Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Đèo Cả, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty Cổ phần Tasco, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phương Thành, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Thắng... Còn rất nhiều nhà đầu tư có khả năng tài chính chưa tham gia như Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Hạ tầng, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam và hàng loạt Tập đoàn nổi tiếng Vingroup, Sun Group, Xuân Thành.... Nếu các nhà đầu tư này tham gia, chắc không thiếu vốn đầu tư cho giao thông Đông Nam Bộ.
Cần có "nhạc trưởng" nên là một trong các phó thủ tướng theo thẩm quyền để đủ khả năng chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các chủ thể trong vùng, phân công nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng, không chống lấn, làm đầu mối phối hợp thực hiện, kịp giải quyết trở ngại, xác định những việc nào cần làm trước để tác động theo phản ứng dây chuyền để hoàn tất theo đúng lộ trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận