27/07/2020 10:23 GMT+7

Điểm sáng từ Mỹ Phước - Tân Vạn

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TTO - Trong các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ gồm TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu… có thể nói đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn (nối giữa TP.HCM - Bình Dương) là một điểm sáng.

Điểm sáng từ Mỹ Phước - Tân Vạn - Ảnh 1.

Nút giao giữa đường Mỹ Phước - Tân Vạn và đường ĐT741 (tuyến đường nối lên Bình Phước và Tây Nguyên) đã chính thức được khai thông sau nhiều năm vướng giải phóng mặt bằng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuyến đường này không chỉ tạo thêm trục giao thông quan trọng cho các khu công nghiệp của Bình Dương kết nối với TP.HCM (tại nút giao thông Tân Vạn trên xa lộ Hà Nội - TP.HCM), mà còn kết nối với các đường vành đai để về cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) trong tương lai.

Sự "khởi đầu thành công" này bắt nguồn từ chỗ tỉnh Bình Dương không ỷ lại vào nguồn vốn trung ương và bài học rút ra là vẫn cần vai trò lớn hơn của một "nhạc trưởng" trong vùng Đông Nam Bộ nhằm tạo sự liên thông, phát huy hiệu quả tốt hơn nữa các dự án kết nối.

"Dải lụa" Mỹ Phước - Tân Vạn

Những ngày đầu tháng 7-2020, người dân Bình Dương vui mừng khi những hạng mục cuối cùng của tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn đang dần hoàn thành. Nút giao giữa đường Mỹ Phước - Tân Vạn và đường ĐT741 (tuyến đường nối lên Bình Phước và Tây Nguyên) tại phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một đã chính thức được khai thông sau nhiều năm vướng giải phóng mặt bằng.

Từ đây, "dải lụa" Mỹ Phước - Tân Vạn được thông toàn tuyến, trở thành một trong những tuyến đường vận chuyển hàng hóa quan trọng bậc nhất không chỉ tại Bình Dương mà còn kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ý tưởng xây dựng đường Mỹ Phước - Tân Vạn được hình thành từ hơn 10 năm trước, khi đó lưu thông giữa Bình Dương với TP.HCM hầu như phụ thuộc vào tuyến đường duy nhất là quốc lộ 13 (còn gọi là đại lộ Bình Dương) bắt đầu quá tải. Việc sớm quy hoạch và xây dựng tuyến đường này tạo thêm một trục giao thông quan trọng cho các khu công nghiệp của Bình Dương, không chỉ kết nối với TP.HCM mà còn nối với các đường vành đai để về cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) trong tương lai. 

Theo tính toán của các chuyên gia, với việc có thêm tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, thời gian vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu từ các nhà máy tới các cảng sẽ giảm được ít nhất 30%. Qua đó, tuyến đường giúp tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

"Nhiều năm trước khi xây dựng tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn cũng có ý kiến cho rằng chưa cần thiết. Nhưng tới nay vai trò của tuyến đường đã thấy rõ. Trong thời gian qua, dù mới chỉ thông xe một số đoạn nhưng lượng xe lưu thông trên tuyến đường này đã rất cao, có lúc xảy ra kẹt xe" - ông Nguyễn Văn Hùng, chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex IDC, chủ đầu tư đường Mỹ Phước - Tân Vạn, cho biết.

Điều đáng chú ý là tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn được tỉnh Bình Dương chủ động xây dựng mà không "xin dự án" của trung ương, cũng như không phó mặc cho ngân sách mà còn thực hiện chủ trương xã hội hóa thông qua huy động từ doanh nghiệp. Với cách làm Nhà nước lo mặt bằng, doanh nghiệp lo vốn xây dựng, Bình Dương đã và đang xây dựng nhiều tuyến đường khác như ĐT747, ĐT746, ĐT743... với tổng kinh phí hàng ngàn tỉ đồng, vừa có ý nghĩa kết nối trong tỉnh vừa tạo ra hành lang kết nối thông thoáng với các tỉnh lân cận.

Điểm sáng từ Mỹ Phước - Tân Vạn - Ảnh 2.

Sơ đồ đường Mỹ Phước - Tân Vạn

Nối dài hiệu quả dự án

Có một thực tế là mặc dù nhiều tuyến đường được xây dựng mới nhưng có thể vẫn không theo kịp tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số... dẫn đến nhu cầu lưu thông cao. Bài toán đặt ra là làm sao để các dự án giao thông không chỉ có ý nghĩa đơn lẻ mà còn có hiệu ứng đồng bộ với các dự án khác, qua đó tạo đòn bẩy, "nối dài" hiệu quả các dự án.

Ý nghĩa kết nối vùng

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn có một phần trùng với dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, ngoài ra còn kết nối với các trục giao thông như đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, 1K... Điểm đầu là Khu công nghiệp Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) và điểm cuối là nút giao Tân Vạn (xa lộ Hà Nội, TP.HCM) với độ dài tới 62km, được chia ra làm hai giai đoạn: đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn dài hơn 42km và đoạn Mỹ Phước - Bàu Bàng dài gần 11km. Tổng chi phí xây dựng là 4.300 tỉ đồng (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng).

Ông Trần Bá Luận - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương - cho biết để tiếp tục phát huy vai trò của đường Mỹ Phước - Tân Vạn trong việc kết nối vùng, cơ quan chức năng đang tích cực chuẩn bị cho dự án cải thiện hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương.

Theo đó, sẽ hình thành tuyến xe buýt nhanh nối giữa trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương và TP.HCM, chạy dọc trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn.

Tuyến xe buýt nhanh có điểm cuối tại bến xe Miền Đông mới (Q.9, TP.HCM) sẽ không chỉ tạo thêm tiện ích cho người dân Bình Dương mà còn là giải pháp tăng cường hiệu quả các dự án giao thông của TP.HCM, đặc biệt là dự án metro Bến Thành - Suối Tiên.

Trong tương lai, cơ quan chức năng cũng nghiên cứu để nối dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên về hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Trong đó, đối với tỉnh Bình Dương thì dự kiến metro được xây dựng dọc đường Mỹ Phước - Tân Vạn.

Để đón đầu dự án sân bay Long Thành tại Đồng Nai, tuy còn thời gian dài nữa sân bay mới đi vào hoạt động nhưng ngay từ bây giờ các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh đã tính toán triển khai các dự án để kết nối địa phương mình với sân bay.

Tiêu biểu như vừa qua, hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã thống nhất xây dựng cầu Bạch Đằng 2 bắc ngang sông Đồng Nai để kết nối giữa hai tỉnh. Với chi phí xây dựng cầu khoảng 500 tỉ đồng, hai tỉnh thống nhất mỗi bên sẽ chịu một nửa. Riêng hạng mục đường dẫn và chi phí giải phóng mặt bằng của tỉnh nào thì tỉnh đó tự thu xếp. Khi cầu Bạch Đằng 2 hoàn thành sẽ có thêm một cửa ngõ mới để kết nối từ Bình Dương và sân bay Long Thành. Hay các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh hiện nay cũng đang thực hiện nhiều dự án để liên thông với các dự án giao thông của Bình Dương, từ đó tạo "bàn đạp" kết nối với sân bay Long Thành và các cảng nước sâu tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cần giải pháp đột phá

Theo các chuyên gia, với nguồn vốn còn hạn chế, cần có vai trò của "nhạc trưởng" để các địa phương cùng hợp lực, ưu tiên xây dựng một số dự án lớn, có ý nghĩa đòn bẩy, tạo lực thúc đẩy kinh tế cho cả vùng. Tiêu biểu như tỉnh Bình Dương đề xuất xây dựng tuyến đường sắt chuyên vận chuyển hàng hóa bằng container cho khu vực Đông Nam Bộ. Theo đó, sẽ hình thành các trung tâm logistics tập trung, rồi từ đó hàng hóa, nguyên liệu sẽ được vận chuyển từ các cảng, sân bay tới nhà máy, xí nghiệp. Thế nhưng với chi phí xây dựng lớn, qua nhiều tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) thì điều cần nhất là phải có sự chỉ đạo từ Chính phủ để có sự phối hợp giữa các tỉnh, tạo cơ chế, thu hút các nhà đầu tư tham gia, biến dự án thành hiện thực.

Độc giả có các ý kiến tham gia Diễn đàn Kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ trên Tuổi Trẻ Online xin bài về hộp thư phituan@tuoitre.com.vn. Các ý kiến đóng góp xin gửi kèm hình ảnh (nếu có).

Mài sáng Mài sáng 'viên ngọc thô' Đông Nam Bộ để hút du khách

TTO - Du lịch vùng Đông Nam Bộ được ví von giống như một viên ngọc thô chưa tìm được thợ mài giũa do thiếu tính liên kết hợp tác giữa các tỉnh, thành trong vùng.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên