Các nghệ sĩ trẻ Đoàn hát bội Ngọc Khanh biểu diễn lớp Tứ Thiên Vương tại Đường sách TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH
Tôi rất mừng khi có những chương trình như thế này, nhất là khi thấy ngày càng nhiều bạn trẻ chung tay, chung sức đưa hát bội trở lại, để hát bội vẫn tồn tại.
NSƯT Ngọc Khanh
"Hát bội đó con. Con coi cái này là sẽ biết thêm lịch sử. Vui hơn học trên lớp ha?" - người mẹ trẻ đứng cạnh tôi chuyện trò cùng cô con gái, trong lúc xem các nghệ sĩ của Đoàn hát bội Ngọc Khanh trình diễn lớp Tứ Thiên Vương trên sân khấu tại Đường sách Nguyễn Văn Bình.
Xung quanh, khá đông bạn trẻ và các phụ huynh đưa con ra đường sách cuối tuần đều tò mò ghé xem. Có những gương mặt ngạc nhiên khi nghe giải thích về một lớp diễn trong Lễ xây chầu - một hình thức đón chào những khởi đầu mới với tiếng trống chầu dõng dạc của người dân ở Gia Định - Đồng Nai xưa.
Tiết mục này được các bạn trẻ nhóm "Vang vọng trống chầu" chọn mở màn cho tuần lễ trải nghiệm văn hóa "Dung dăng dung dẻ - Play with culture" với nhiều hoạt động hấp dẫn để cùng nhau "chơi mà học".
Quả nhiên, cách tiếp cận thú vị này níu chân được nhiều bạn trẻ. Các bạn bắt đầu hứng thú đi xem tour triển lãm chia sẻ những kiến thức ngắn gọn về hát bội, đờn ca tài tử, hát bóng rỗi, hát sắc bùa, tham gia các workshop tô màu, tự làm họa tiết diễn xướng Nam Bộ, trải nghiệm các gian hàng trò chơi sáng tạo thẻ bài postcard, Tarot Kiều ...
Bạn nào muốn tìm hiểu sâu hơn, có thể dùng điện thoại quét QR Code để đọc thêm thông tin trên mạng, chọn tham gia những buổi talkshow sẽ được tổ chức rải rác suốt tuần đến 30-1 về nhiều chủ đề khác như gốm, họa kiểng Nam Bộ, các tour di sản văn hóa...
Và một điều thú vị nữa là tất cả những ý tưởng, trò chơi sáng tạo lấy cảm hứng từ chất liệu truyền thống này đều do chính các bạn trẻ thực hiện.
Đây có thể xem như một "thành quả" trong hành trình nuôi dưỡng và chia sẻ tình yêu văn hóa, lịch sử của cộng đồng các bạn trẻ yêu sáng tạo đang ngày một đông hơn tại TP.HCM, trong đó có anh Phan Khắc Huy - người sáng lập dự án "Vang vọng trống chầu".
Huy và cả nhóm muốn cùng nhau gióng lên những hồi trống để thôi thúc người trẻ tìm tòi về quá khứ, tìm lại những giá trị, những vẻ đẹp di sản của cha ông,"vì giá trị văn hóa chỉ được coi là di sản khi được biết đến và tiếp nối".
"Nhiều nghệ thuật truyền thống như con thuyền đang chìm xuống đáy nước. Để kéo cho con thuyền đó chìm chậm lại, chúng ta phải cho nó sống dậy trong hình hài mới, nhận thức mới, phù hợp với đời sống hiện đại" - trong buổi talkshow về "Chất liệu văn hóa - Học mà chơi", nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ đầy tâm tư.
Nhưng làm thế nào để đưa được giá trị truyền thống vào đời sống hiện đại? Đó là một bài toán khó.
Và tuần lễ "Dung dăng dung dẻ" với nhiều ý tưởng sáng tạo "học mà chơi" lấy cảm hứng từ các chất liệu văn hóa truyền thống này là một trong những cách mà các bạn trẻ đang thể nghiệm để tìm lấy câu trả lời, với hi vọng "mưa dầm thấm lâu, cứ giới thiệu cho càng nhiều người biết, biết rồi mới yêu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận