Ảnh minh họa. Nguồn: muvag.info
Khi bị thoái hóa đốt sống cổ, người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt và lao động.
Cấu trúc cột sống của người gồm: 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực, 5 đốt sống thắt lưng và các đốt sống cùng cụt. Mỗi đốt sống gồm thân đốt sống cứng, chắc, đĩa đệm, dây chằng và bao khớp đàn hồi cho phép cột sống đảm bảo được chức năng giữ cơ thể ở tư thế thẳng, phối hợp vận động và bảo vệ tủy sống.
Tư thế hoạt động sai là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra thoái hóa đốt sống cổ. Làm việc kéo dài, ít vận động cũng là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Những công việc luôn đòi hỏi cúi nhiều, ngửa nhiều, mang vác nặng trên đầu hay ngồi trước màn hình vi tính quá lâu cũng sẽ làm sai lệch cấu trúc bình thường của cổ, dẫn tới biến đổi mô xương, dây chằng, cơ và dễ dẫn đến thoái hóa các mô cột sống hoặc hình thành các gai xương đốt sống.
Đặc biệt là làm việc với máy tính nhiều, ít vận động là một trong những nguyên nhân gây ra thoái hóa đốt sống cổ, vôi hóa cột sống, gai cột sống; nhất là khi làm việc, vị trí đặt tay trên bàn làm việc hay đối với máy tính quá cao hoặc quá thấp. Hay vùng cổ và vùng gáy không được thường xuyên cử động, hoặc chỉ giữ nguyên một tư thế. Hay vị trí ngồi quá thấp so với bàn làm việc. Hoặc trong khi ngủ chỉ nằm 1 - 2 tư thế, không có thói quen chuyển mình. Lựa chọn gối kê không phù hợp;... cũng là những nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống cổ.
Hầu hết các bệnh nhân khi bị thoái hóa đốt sống cổ sẽ gây ra các biểu hiện như: Nhức mỏi, khó vận động vùng cổ; cảm giác đau buốt, khó chịu, thậm chí khó chịu ngay cả khi nghỉ ngơi, mọi cử động đều gây nên đau đớn vì tại đốt sống cổ tập trung rất nhiều dây thần kinh quan trọng;... Khi các đốt sống cổ bị thoái hóa dẫn tới làm suy giảm quá trình tuần hoàn máu lên não. Khi tuần hoàn não không thể cung cấp đủ máu sẽ gây ra triệu chứng đau đầu, hoa mắt chóng mặt, suy giảm trí nhớ, mất ngủ,... Khi thời tiết trở lạnh kết hợp với tư thế nằm không tốt vào ban đêm, người bệnh có thể cảm thấy cổ bị cứng mỗi khi thức dậy. Người bị cứng cổ sẽ khó khăn trong hoạt động, không thể quay đầu sang trái hoặc phải mà phải xoay cả người. Bên cạnh đó, người mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ còn kèm thêm các triệu chứng như buồn nôn, hoa mắt, tập trung kém,... Bệnh thoái hóa đốt sống cổ không chỉ gây đau mỏi phần cổ mà còn đau lan sang các bộ phận lân cận như lưng, cánh tay, vai gáy. Nặng hơn khi thoái hóa đốt sống cổ bị xẹp xuống, nó gây chèn ép dây thần kinh và mạch máu nền có thể khiến bệnh nhân bị tai biến và tàn phế bất cứ lúc nào.
Để phòng ngừa bệnh, chúng ta cần thực hiện những biện pháp sau:
Luyện tập cơ cổ: Đây là phương pháp có hiệu quả nhất để dự phòng bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Thao tác cụ thể: Đặt 2 tay ở phía sau não, đầu dồn sức về phía sau, hai tay lại dùng lực "chống lại" đẩy về phía trước, duy trì tư thế từ 3 - 5 phút/lần, làm 30 - 50 lần/đợt, mỗi ngày 2 đợt.
Cân bằng dinh dưỡng: Bữa ăn của người bị thoái hóa đốt sống cổ nên có canxi, protein, vitamin B, vitamin C và vitamin E làm thành phần chính; đặc biệt là cá, xương đuôi lợn, đậu vàng, đậu đen, đồng thời ăn nhiều mướp đắng, cây sắn dây.
Lựa chọn gối dễ định hình: Nên chọn loại gối dễ định hình, đồng thời khi ngủ đặt gối ở sau ót chỗ đốt xương cổ. Ngoài ra, phải đảm bảo có giấc ngủ đầy đủ.
Cẩn thận với các tư thế vận động: Sửa đổi tư thế làm việc sai lệch khi ngồi làm việc lâu trước bàn vi tính. Không nên có động tác vặn bẻ cổ đột ngột khi thấy mỏi, bởi tất cả những động tác này sẽ làm tăng thoái hóa đốt sống cổ. Không nên đội vật nặng trên đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận