Anh bạn than nửa đùa nửa thật, kinh tế khó khăn, công ty không việc làm, cắt giảm lương mà tuần nào cũng nhận thiệp mời sinh nhật, kỷ niệm, tân gia, đầy tháng, thôi nôi. Nói chung cứ có cơ hội ăn nhậu là mọi người sẽ mời… Anh không biết lấy tiền đâu mà đi. Có khi một tuần dính từ 3 - 5 cái thiệp.
Chưa kể tiền bạc, cuối tuần được một ngày dành cho vợ con gia đình cũng phải tranh thủ từ sáng đến chiều tham gia tiệc tùng. Không đi thì bị mang tiếng xem thường người mời, cũng phải gởi phong bao. Lương công nhân ngày chưa đến 500.000 đồng, gởi thiệp bèo lắm thì cũng hết ngày công.
Ăn nhậu theo sở thích cũng mời tiệc
Trong cuộc đời chỉ có những đám thật sự bắt buộc phải đến chung vui là đám cưới và đến chia buồn là đám ma mà thôi.
Đã bao giờ mọi người nhìn nhận lại ý nghĩa thực sự của một buổi tiệc và đối tượng mời dự khi gia đình có tiệc mừng? Hay chúng ta chỉ lấy lý do để tổ chức ăn nhậu theo sở thích của mình mà quên đi việc đang làm phiền đến cuộc sống của người khác?
Chứ có đâu mà hở ra một chút là mở tiệc và mời bất kể ai mình quen, không cân nhắc chuyện có thân hay không.
Không phủ nhận tiệc tùng cũng mang đến việc gắn kết các mối quan hệ tình thân và làm ăn. Tuy nhiên, những tiệc như sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng, kỷ niệm ngày cưới hằng năm… chỉ nên giới hạn mời những người thật sự thân thiết và trong gia đình.
Hạn chế việc mời lung tung, những người chỉ chào nhau câu xã giao, hay những người có công việc gì đó vô tình làm chung một dịp nào đó, thậm chí bạn Facebook hay tương tác cũng mời. Có những người nhiều năm không gặp ngoài đời cũng có thể mời.
Ai cũng có cuộc sống với quỹ thời gian và chi phí lo cho gia đình giới hạn. Không nói đến những người dư thời gian thừa tiền của, đa số mọi người vẫn đang chật vật từng bữa ăn mỗi ngày. Cho nên bớt mời lại cũng là cách giúp người khác.
Mở tiệc thường xuyên vì lý do thích tiệc tùng nhậu nhẹt
Có một số người rất thích tiệc tùng nhậu nhẹt, là cơ hội để mình thỏa lòng uống tới bến, nhảy múa linh đình cho đã.
Mở tiệc để cho thấy sống tình cảm, trân trọng mọi dịp kỷ niệm của người thân. Tiền học phí còn nợ chưa đóng cho con mà ở đó tổ chức tiệc tùng cho lớn vào nhân sinh nhật vợ con này nọ?
Có làm tiệc thì kỷ niệm 5-10-20 năm ngày cưới, làm cũng không ai nói. Đằng này năm nào cũng làm kỷ niệm, ai mà đi?
Một lý do tế nhị nhưng có thật đó là mở tiếng vì lý do kinh tế. Mỗi khi mở tiệc đãi qua loa, nhưng người ta đi phong bì thì cũng dư một chút làm vốn ăn xài. Giới trẻ ngày này không ít bạn đã thừa nhận việc này một cách rất bình thường mà không hề xấu hổ.
Lý do không đủ, khỏi phải đi khi được mời tiệc
Tôi chia sẻ quan điểm với anh bạn đang than thở rằng nếu thấy không cần thiết thì cũng không cần đi. Kinh tế không đủ sống thì cũng không cần gởi thiệp, lần sau khỏi mời.
Mình chỉ tập trung vào những buổi tiệc thật sự quan trọng và trả lễ lại khi gia đình mình có hỷ sự trước đó bằng sự trân trọng thật tâm, như tiệc cưới mình ai đi, mình đi lại.
Hơn ai hết, mình cân nhắc mức độ tình cảm trong lời mời này là quan trọng nhất với người đã mời mình. Còn những đám tiệc mời mà mình tự nhận thấy mức độ thân thiết chưa đủ, lý do mở tiệc cũng ngẫu hứng thì thôi, và nếu kinh tế không có thì cũng khỏi gởi thiệp luôn cho rõ ràng quan điểm.
Ý nghĩa của buổi tiệc là dịp gắn kết mọi người và chia vui với những hỷ sự ý nghĩa của gia đình. Chúng ta luôn phải tuân theo nguyên tắc ấy. Một khi việc tổ chức tiệc tùng bị lợi dụng và để thỏa mãn đam mê nhậu nhẹt và làm kinh tế thì chẳng có lý do gì để mà đến tham dự.
Kinh tế khó khăn, đồng tiền kiếm ra không dễ và thời gian cần ưu tiên cho gia đình con cái và những việc ý nghĩa hơn của mỗi người. Tránh việc mở tiệc và mời một cách tràn lan cũng là văn minh và cảm thông cho người khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận