28/02/2015 09:20 GMT+7

​Đừng bỏ rơi người trồng hoa

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Cái tết đẫm nước mắt của những người trồng hoa khiến bao bạn đọc đau lòng. Họ đòi hỏi chính quyền phải có giải pháp căn cơ...

Bà Trương Thị Kim Anh thu dọn hoa tồn đọng - Ảnh: V.TR

Sức “nóng” trên những trang báo mấy ngày qua liên tục tăng bởi số lượng bạn đọc chia sẻ bài viết, hình ảnh trên mạng xã hội và bình luận về cái tết đẫm nước mắt của những người trồng hoa.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ hoa tết thất bát, nhưng trước hết đó là hậu quả của phương thức sản xuất mù mờ và có phần liều mạng của nông dân.

Còn nhớ trước Tết Nguyên đán gần hai tháng, Tuổi Trẻ đã có bài viết “Trồng rồi lo” nói về việc nông dân ở các làng hoa lớn nhất miền Tây biết năm trước hoa ế là do trồng quá nhiều.

Nhưng vụ hoa Tết Ất Mùi 2015 họ lại trồng nhiều hơn chứ không giảm. Nhiều nông dân thừa nhận suốt thời gian trồng hoa họ phải sống trong tình trạng đầu óc căng thẳng vì không thể không nghĩ đến viễn cảnh thua lỗ trước mắt.

Trong khi đó, không phủ nhận chính quyền các địa phương đều có làm quy hoạch những vùng sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên thực tế cho thấy phần lớn chỉ là quy hoạch trên giấy, còn nông dân muốn làm gì thì làm.

Và bi kịch hơn nữa là tình trạng nhắm mắt làm quy hoạch đã và đang rất phổ biến. Các tỉnh “vẽ” ra bản quy hoạch sản xuất nông nghiệp của mình mà không hề biết các tỉnh lân cận quy hoạch ra sao. Hậu quả là diện tích sản xuất vào cùng một thời điểm tăng đột biến, sản lượng thừa mứa, giá cả tuột dốc không phanh.

Trước đây 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chỉ có ba vùng trồng hoa kiểng lớn cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh từ miền Trung trở vào là Sa Đéc, Cái Mơn và Mỹ Tho. Nay nông dân ở tất cả các tỉnh này đều trồng hoa tết.

Vì không có ai thông tin, định hướng nên phần lớn hoa khi thu hoạch đều được đưa về TP.HCM và các đô thị lớn tiêu thụ nên chuyện dội chợ nếu có cũng không phải là chuyện lạ.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo bên ruộng hoa cúc còn tồn đọng 800 giỏ - Ảnh: V.TR.

Một lý do khác khiến người trồng hoa ngày càng khổ là sự thiếu chuyên nghiệp trong sản xuất - tiêu thụ. Trong khi nông dân trồng lúa, trái cây, cá, tôm... khi thu hoạch có thương lái, doanh nghiệp đến tận nơi mua thì người trồng hoa phải lo luôn chuyện tiêu thụ.

Tuy nhiên có một thực tế là dù họ muốn bán tại vườn cũng không được do hiện rất ít doanh nghiệp kinh doanh hoa kiểng, trong khi sản lượng mùa tết lên đến hàng chục triệu sản phẩm. Thương lái mua bán hoa cũng không nhiều, nên bắt buộc nông dân trồng hoa phải kiêm luôn việc lo tìm chỗ bán, định giá bán.

Vì không chuyên nghiệp nên mới có tình trạng giá hoa mỗi nơi mỗi khác, những ngày đầu hét cao chót vót nhưng đến những ngày cuối rẻ như cho rồi... đổ bỏ.

Để có những cái tết mà mỗi ngôi nhà, mỗi con đường đều rực rỡ sắc hoa và mọi người trồng hoa đều được tận hưởng hương vị tết thật sự thì nông dân cần thay đổi quan điểm trồng hoa. Nên hạn chế trồng những loại hoa truyền thống mà thay bằng những giống mới đẹp, lạ, giá hợp lý.

Còn hoa tết truyền thống như cúc, vạn thọ phải ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhiều hơn để có chất lượng cao hơn. Trong lúc doanh nghiệp kinh doanh hoa kiểng còn quá ít thì chính quyền địa phương phải chủ động tổ chức khảo sát thị trường để biết nhu cầu, sở thích của người tiêu dùng ở từng nơi rồi cung cấp thông tin, định hướng cho nông dân.

Các ngành nông nghiệp, kinh tế, khoa học - công nghệ cũng phải nói cho dân biết tìm giống hoa mới ở đâu và chuyển giao kỹ thuật cho họ.

Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất vẫn là chính quyền phải hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp kinh doanh hoa kiểng, thậm chí mời gọi đầu tư lĩnh vực này với những chế độ ưu đãi hấp dẫn.

Khi đó doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng đặt hàng, đầu tư giống, vật tư, kỹ thuật cho nông dân trồng theo nhu cầu của họ. Nông dân chỉ lo trồng chứ không còn phải vất vả bán từng giỏ hoa nữa.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên