27/11/2020 07:17 GMT+7

Dùng bằng giả sẽ bị xử ra sao?

HOÀNG ĐIỆP ghi
HOÀNG ĐIỆP ghi

TTO - Liên quan đến các sai phạm tại Trường ĐH Đông Đô, ngoài việc cơ quan tố tụng truy tố, xét xử các cá nhân về tội "giả mạo trong công tác", cần phải xử lý cả những người được cấp bằng giả.

Dùng bằng giả sẽ bị xử ra sao? - Ảnh 1.

Cơ sở 1 Trường ĐH Đông Đô tại 60B Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Theo kết luận điều tra của Cơ quan an ninh điều tra, Trường ĐH Đông Đô đã cấp hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả (hệ văn bằng 2), trong đó có 55 người sử dụng để được đào tạo và cấp bằng tiến sĩ. Xử lý những người này như thế nào? Tuổi Trẻ trích đăng ý kiến của một số luật sư.

* Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG (Đoàn luật sư TP.HCM): Có thể bị xử lý hình sự

Dùng bằng giả sẽ bị xử ra sao? - Ảnh 2.

Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG

Trong trường hợp chứng minh được những người mua bằng biết các văn bằng, chứng chỉ đó là giả nhưng vẫn sử dụng (ví dụ họ được cấp bằng khi không thông qua đào tạo tuyển sinh, không đến lớp học, không qua thi tuyển hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng), những người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" theo điều 341 Bộ luật hình sự 2015.

Theo đó, xét về mặt chủ quan của tội phạm, người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý về việc sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Họ nhận thức được hành vi không qua xét tuyển, không qua đào tạo nhưng vẫn được cấp bằng là trái pháp luật nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó, sử dụng tài liệu, giấy tờ giả đó vào mục đích lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân để đạt được mục đích của bản thân.

Điều luật này quy định 3 khung hình phạt:

- Khung cơ bản có hình phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

- Khung tăng nặng thứ nhất có mức phạt từ 2 năm đến 5 năm áp dụng đối với phạm tội có tổ chức, phạm tội 2 lần trở lên, làm từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác, sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; hoặc thu lợi bất chính từ 10 triệu đến dưới 50 triệu đồng.

- Khung tăng nặng thứ hai có mức phạt tù từ 3 năm đến 7 năm áp dụng đối với trường hợp làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên, sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, hoặc thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên. Bên cạnh hình phạt chính, hình phạt bổ sung có thể áp dụng cho tội phạm này là phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng.

Để truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này cần lưu ý phải chứng minh được họ dùng tiền, tài sản hoặc quan hệ nào đó để mua bằng tức biết chắc chắn là bằng giả, không hề qua đào tạo như quy định và sử dụng bằng giả đó (hồ sơ giả) để nộp hồ sơ thi tuyển, thi nâng ngạch bậc hoặc để học lên cao hơn thì đó là hành vi "sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức" đã quy định ở điều 341 nêu trên.

* Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC (Đoàn luật sư TP.HCM): Phải thu hồi bằng

ls nguyen van duc 1(read-only)

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC


Theo quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ ban hành kèm theo thông tư 08/2017 ngày 4-4-2017 của Bộ GD-ĐT, đối với người dự tuyển tiến sĩ, văn bằng, chứng chỉ về trình độ ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc trước khi xét tuyển. 

Do vậy đối với những trường hợp sử dụng văn bằng của Trường ĐH Đông Đô bị cơ quan có thẩm quyền kết luận là giả thì những trường hợp đã trúng tuyển và được cấp bằng tiến sĩ, thuộc trường hợp phải thu hồi, hủy bỏ.

Đối với các trường hợp biết rõ là bằng giả hay nói cách khác là mua bằng thì ngoài việc bị thu hồi bằng tiến sĩ, họ còn có thể bị xem xét xử lý hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả với mức phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

ls nguyen huu the trachaaa 1(read-only)

* Luật sư NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH (Đoàn luật sư TP.HCM): Có thể buộc thôi việc

Cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả để được tuyển dụng, bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ thì căn cứ điều 12, điều 13, điều 19 nghị định số 112/2020 có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức, viên chức.

Bộ GD-ĐT sẽ xử lý nghiêm nếu có sai phạm

Liên quan vụ Trường ĐH Đông Đô cấp bằng cử nhân tiếng Anh giả (hệ văn bằng 2), ngoài việc truy tố một số cựu lãnh đạo và cán bộ của trường, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an xác định một số cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) đã vi phạm quyết định của bộ trưởng về đào tạo cấp bằng đại học thứ hai.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện của Bộ GD-ĐT cho biết bộ chưa nhận được văn bản kết luận chính thức của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an. Ngoài việc phối hợp với Bộ Công an để làm rõ thông tin và bản chất của vụ việc, Bộ

GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở đào tạo sau đại học rà soát lại thông tin về đầu vào và đầu ra của các học viên sau đại học để có căn cứ xử lý.

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để xác minh thông tin và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền những trường hợp đã sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô; đồng thời cũng sẽ xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan nếu có sai sót, vi phạm.

NGỌC DIỆP

Bộ GD-ĐT xử nghiêm đơn vị, cá nhân nếu có liên quan sai phạm tại ĐH Đông Đô Bộ GD-ĐT xử nghiêm đơn vị, cá nhân nếu có liên quan sai phạm tại ĐH Đông Đô

TTO - Bộ GD-ĐT cho biết sẽ xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân nếu có sai sót, vi phạm liên quan đến vụ Trường ĐH Đông Đô cấp bằng cử nhân tiếng Anh giả.

HOÀNG ĐIỆP ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên