08/09/2015 09:17 GMT+7

Đức chi 6 tỉ euro cho người di cư, sức ép với Mỹ, Úc

THU ANH
THU ANH

TT - Áo thông báo dự kiến sẽ ngưng các biện pháp khẩn cấp cho phép hàng ngàn người di cư mắc kẹt ở Hungary vào nước này để đi tiếp đến Đức.

Cảnh sát ở Macedonia đang cố gắng ngăn chặn những người di cư chui dưới hàng rào để tìm cách lên tàu tại một nhà ga ở Gevgelija - Ảnh: Reuters
Cảnh sát ở Macedonia đang cố gắng ngăn chặn những người di cư chui dưới hàng rào để tìm cách lên tàu tại một nhà ga ở Gevgelija - Ảnh: Reuters

Chừng nào Áo và Đức không nói rõ ràng rằng họ sẽ không tiếp nhận người di cư nữa thì vẫn còn hàng triệu người tiếp tục đổ về châu Âu

Thủ tướng Hungary VIKTOR ORBAN

Theo Reuters, Thủ tướng Áo Werner Faymann nói quyết định này được đưa ra sau các đối thoại căng thẳng với Thủ tướng Đức Angela Merkel và điện đàm với Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

“Chúng tôi luôn nói đây là một tình huống khẩn cấp mà chúng ta phải hành động nhanh chóng và nhân đạo. Chúng tôi đã giúp được hơn 12.000 người trong tình huống cấp bách này - ông Faymann nói - Giờ đây chúng tôi phải tiến hành từng bước một để đưa tình hình trở lại bình thường theo đúng luật pháp”.

Vấn đề ở chỗ khi có đất nước tiếp nhận, dường như số người di cư lại thêm đông. Theo AFP, Berlin đã quyết định chi thêm tới 6 tỉ euro (6,7 tỉ USD) ngân quỹ trong năm tới để chăm lo cho người di cư. Trong đó, chính quyền liên bang chi 3 tỉ euro và chính quyền bang và các địa phương chi phần còn lại.

Tại nhà ga Munich, thủ phủ bang Bavaria, chính quyền đã sử dụng một trung tâm trưng bày xe hơi và một nhà kho hàng hóa đường sắt để dựng khu lều trại tạm cho người di cư.

Chính quyền cũng đưa thêm 1.000 giường vào số 2.300 giường đã được đưa vào khu vực trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế trước đó. Khoảng 4.000 người di cư được chuyển đến các bang khác của Đức. Chính quyền ở Bavaria nói mọi nơi đã trở nên chật chội.

Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Orban tiếp tục chỉ trích Berlin vì đã khuyến khích người di cư đổ xô về châu Âu.

“Chừng nào Áo và Đức không nói rõ ràng rằng họ sẽ không tiếp nhận người di cư nữa thì vẫn còn hàng triệu người tiếp tục đổ về châu Âu” - ông Orban nói.

Hungary, cửa ngõ chính để người di cư vào khu vực Schengen, dự kiến sẽ khóa chặt biên giới phía nam bằng một hàng rào mới và cao hơn vào ngày 15-9 tới.

Hôm 7-9, ông Orban tiếp tục nói rằng EU nên hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ và những nước phi thành viên khác để giúp họ giải quyết vấn đề người di cư. Ông nói việc thảo luận về chia sẻ “hạn ngạch” tiếp nhận người di cư giữa các nước EU là hấp tấp trong khi khối này không thể bảo vệ được biên giới.

“Trong khi châu Âu không thể bảo vệ biên giới của mình thì chẳng nghĩa lý gì khi thảo luận về số phận của những người đang tràn vào” - ông nói.

Thêm vào đó, ông Orban chỉ ra rằng dòng người di cư đang đến Đức không phải là người tị nạn mà chỉ là những người bị cuốn hút bởi cuộc sống thịnh vượng ở Đức.

Trong cuộc họp báo hôm qua, Tổng thống Pháp François Hollande cho biết Paris sẵn sàng tiếp nhận hơn 24.000 người di cư trong một phần kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) trong vòng hai năm tới.

Ông Hollande cũng lặp lại rằng ông và bà Merkel muốn EU ủng hộ một kế hoạch trong đó mỗi nước thành viên bắt buộc phải chia sẻ gánh nặng người di cư.

Theo một kế hoạch do Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đề xuất, sẽ có một hạn ngạch bắt buộc đối với các nước EU trong việc tiếp nhận người di cư để gánh bớt khó khăn cho Hi Lạp, Ý và Hungary. Kế hoạch này có thể được công bố vào ngày mai 9-9. Trong đó Đức sẽ tiếp nhận 31.443 người, Pháp 24.031 người, Tây Ban Nha 14.931 người.

Theo AFP, sẽ có khoảng 120.000 người di cư được di chuyển đến các nước theo kế hoạch này. Tuy nhiên, một số nước như Hungary phản đối các hạn ngạch bắt buộc này.

Trong khi đó, Hi Lạp hôm 7-9 đã kêu gọi EU hỗ trợ tiền cứu trợ nhân đạo để nước này giải quyết tình hình người di cư sau khi làn sóng lớn người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi đổ bộ vào bờ biển nước này. Athens yêu cầu EU kích hoạt cơ chế bảo vệ dân sự, cung cấp nhân sự, thuốc men, thiết bị y khoa, quần áo và các thiết bị khác.

Sức ép với Mỹ và Úc

Theo Reuters, Mỹ đang đứng trước sức ép phải hành động nhiều hơn nữa để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu.

Ông David Miliband - người đứng đầu Ủy ban Giải cứu quốc tế - kêu gọi Washington thể hiện vai trò lãnh đạo mà người Mỹ từng thể hiện đối với những vấn đề như thế này trong quá khứ.

Trong khi đó, hôm qua Thủ tướng Úc Tony Abbott cũng đang đứng trước sức ép nhận thêm nhiều người di cư. Một ngày trước, ông Abbott nói Úc có thể chuyển 13.750 suất tiếp nhận người tị nạn sang cho những người di cư từ Syria nhưng không có ý định tăng “hạn ngạch” tiếp nhận.

Nhưng hôm qua, Đảng Lao động đối lập kêu gọi Chính phủ Úc tăng thêm 10.000 suất tiếp nhận người di cư nữa. New Zealand cũng thông báo thực hiện biện pháp khẩn cấp nhất thời, tiếp nhận 600 người di cư từ Syria, thêm vào 150 suất mỗi năm theo quy định.

THU ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên