29/04/2018 15:19 GMT+7

Đưa thực phẩm sạch đến bàn ăn

NGUYỄN TRÍ
NGUYỄN TRÍ

TTO - Với ý thức ngày càng nâng cao, những sản phẩm có các thông số cụ thể về thời hạn sử dụng, tiêu chuẩn chất lượng... sẽ dễ được người tiêu dùng TP.HCM lựa chọn.

Đưa thực phẩm sạch đến bàn ăn - Ảnh 1.

Nhiều đặc sản của tỉnh Đồng Tháp được giới thiệu tại hội nghị kết nối - Ảnh: NG.TRÍ

Sáng 28-4 tại TP.HCM, Sở Công thương TP.HCM và Đồng Tháp đã tổ chức hội nghị kết nối cung cầu với hơn 50 doanh nghiệp, đầu mối cung ứng và tiêu thụ sản phẩm của 2 địa phương tham gia.

Dù nhu cầu về thực phẩm rất lớn và TP.HCM chủ trương tăng cường liên kết với nhiều tỉnh, thành lân cận tìm nguồn cung nhưng theo bà Nguyễn Huỳnh Trang - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, thực phẩm an toàn sẽ có nhiều cơ hội phát triển tại thị trường TP.HCM thời gian tới.

Nhu cầu lớn nhưng không dễ dãi

Phát biểu tại buổi kết nối, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết doanh thu dịch vụ TP.HCM đạt mức 1 triệu tỉ đồng/năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa 600.000 tỉ đồng/năm. Trong đó mỗi năm TP.HCM tiêu thụ khoảng 700.000 tấn gạo, 216.000 tấn thịt heo, 130.000 tấn thịt gia cầm và 2 triệu tấn rau củ quả các loại.

Tuy nhiên, nguồn cung tại chỗ chỉ cung ứng 10-15%, còn lại phải nhập từ các tỉnh. Do đó, yêu cầu liên kết để cung cấp lượng hàng cho TP.HCM là rất cần thiết. TP.HCM đang chú trọng kết nối với 21 địa phương khu vực phía Nam để cung ứng sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm.

Đại diện chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) cũng khẳng định nhu cầu về trái cây của thị trường TP.HCM rất lớn, nhiều cửa hàng tại chợ mua sỉ hàng chục tấn mỗi ngày nhưng có thời điểm các sạp tại chợ bị hụt hàng, phải "chạy" các nơi liên hệ tìm nguồn cung.

Dù nhu cầu rất lớn nhưng bà Trang khẳng định TP đang đưa ra nhiều biện pháp siết chặt về vấn đề an toàn thực phẩm, yêu cầu đặt ra cho các đơn vị cung ứng sẽ ngày càng cao hơn.

Theo đó, nhà cung ứng cần lưu ý chất lượng thực phẩm phải đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc cao hơn là GlobalGAP.

"Với ý thức ngày càng nâng cao, những sản phẩm có các thông số cụ thể về thời hạn sử dụng, tiêu chuẩn chất lượng... sẽ dễ được người tiêu dùng TP.HCM lựa chọn" - bà Trang nói.

Nhà cung ứng than hàng khó vào siêu thị

Cũng tại buổi kết nối, ông Nguyễn Thanh Hùng - Công ty nông sản Hùng Tấn (Đồng Tháp) - cho biết dù các sản phẩm sấy của đơn vị có chứng nhận Halal (chứng nhận chất lượng khu vực Hồi giáo và Đông Nam Á) với lượng hàng bán ra trung bình 30-50 tấn/tháng, nhưng đơn vị đã rút khỏi hệ thống siêu thị sau 2 năm làm việc bởi quá gian nan.

Theo ông Hùng, hàng hóa nhập vào siêu thị phải qua cả chục công đoạn khiến thời gian chờ nhập được hàng có thể 5-7 giờ, gây khó cho đơn vị cung ứng. "Nên nghiên cứu rút ngắn thời gian này" - ông Hùng đề nghị.

Ngoài ra, theo ông Hùng, các siêu thị đều có kho tổng, nên xem xét để nhà cung ứng đưa hàng về kho này và siêu thị đưa đi các chi nhánh, bởi hiện nhiều siêu thị thường lấy lượng hàng ít và rải rác khiến chi phí vận chuyển tăng cao.

Trong khi đó, theo nhiều nhà cung ứng, việc chịu chiết khấu cho nhiều siêu thị hiện phổ biến ở mức thấp nhất 23-25% là quá cao, gây khó khăn cho các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ.

Ngoài ra, dù hợp đồng ghi rõ là đơn vị phân phối phải thanh toán cho đơn vị cung ứng tối đa sau 30 ngày từ lúc nhập hàng, tuy nhiên thời gian thanh toán khá trễ, khiến nhiều đơn vị sản xuất nhỏ lẻ gặp khó do không có kinh phí tái đầu tư.

Đại diện cơ sở sản xuất cốm Thanh Thanh Thúy (Đồng Tháp) lại cho rằng phần lớn các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ đều "mù mờ" về tiêu chuẩn và yêu cầu của siêu thị, kênh phân phối tại TP.HCM nên rất khó trong việc định hướng sản xuất.

Theo ông Đoàn Diệp Bình - đại diện hệ thống siêu thị Lotte Mart, ngoài tiêu chuẩn chất lượng, các đơn vị cung ứng cần phải có lượng hàng mang tính ổn định, lâu dài. Ngoài ra, năng lực vận chuyển hàng hóa tốt sẽ là lợi thế cho các đơn vị cung ứng để đưa hàng vào siêu thị.

Trước khi chọn nhà cung cấp, đơn vị sẽ làm việc trực tiếp để thẩm định về chất lượng và năng lực nhà cung cấp.

TP.HCM đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, thành phố đang xây dựng kế hoạch để tiến tới có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại tất cả các hệ thống phân phối trên địa bàn, kể cả các chợ lẻ.

Đây cũng là tiêu chí quan trọng đặt ra cho các nhà cung ứng nếu muốn đưa sản phẩm về TP.HCM trong tương lai.

Đến nay, TP.HCM đã áp dụng truy xuất cho thịt heo, gà, trứng và thí điểm cho rau tại chợ đầu mối và kênh phân phối hiện đại.

Đồng Tháp có nhiều thế mạnh về nông sản

Bà Võ Phương Thủy - phó giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp - cho biết qua 3 năm triển khai đề án tái cơ cấu, nông nghiệp Đồng Tháp đã phát triển nhanh, quy mô lớn dần và chất lượng cải thiện.

Theo đó, mỗi năm tỉnh sản xuất được 3,3 triệu tấn gạo, quýt hồng 92.000 tấn, nhãn 40.000 tấn...

Ngoài ra, có nhiều sản phẩm đặc sản như trái cây sấy, trà sen, rượu sen, khô các loại...

NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên