20/03/2016 09:02 GMT+7

Đưa tay giúp người hoạn nạn

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Ở xã Lộc Yên, huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) có một cơ sở từ thiện mới được thành lập cuối năm 2015, đó là cơ sở Thiên Ân, do các bà xơ phụ trách.

Khi vào cơ sở Thiên Ân, cụ bà Lê Thị Cảnh được các xơ chăm sóc, chấm dứt cuộc đời hành khất của mình - Ảnh: V.Toàn
Khi vào cơ sở Thiên Ân, cụ bà Lê Thị Cảnh được các xơ chăm sóc, chấm dứt cuộc đời hành khất của mình - Ảnh: V.Toàn

Trong số 10 phận người kém may mắn mới nhận về cơ sở từ đó đến nay, tôi thấy có hai cụ ông ngoài 90 tuổi, sáu cụ bà ngoài 80 tuổi và hai trẻ 4 tuổi. Trước khi được nhận về, mỗi phận người là một cảnh đời lăn lóc.

Trong căn phòng sạch tinh tươm, sáu cụ bà đang nằm trò chuyện trên giường. Giường nào cũng có đệm trải drap, chăn bông. Gương mặt các cụ thể hiện niềm an vui.

Cụ bà hành khất Lê Thị Cảnh, quê ở Thanh Hóa, kể: “Đi ăn xin nhục lắm. Gặp người đồng cảm thì cho vài ngàn đồng nhưng không ít lần bị hạch sách: “Chồng con ở đâu mà bà phải đi ăn xin”. Họ không biết tôi cơ cực từ nhỏ. Lấy được tấm chồng thì chồng lâm bệnh rồi qua đời. Tôi có đứa con trai nhưng bị ngớ ngẩn từ nhỏ. Tôi cõng con trên lưng lần hồi đi ăn xin làng này qua làng khác, phiêu bạt vào Diễn Châu (Nghệ An). Sáng đi khắp bến chợ, tối về ngủ trên ghế ga tàu. Rồi tôi phải nhìn con chết yểu bên cạnh mình. Giờ thì tôi mù cả hai mắt đã bảy năm nay, may có một người tốt bụng đưa vào cơ sở này”.

Cụ bà Phan Thị Thanh (huyện Hương Khê) cũng sống cảnh đời hành khất như cụ Cảnh. Mờ sáng, không kể mưa hay nắng, chân bấm mặt đường hơn 7km lên thị trấn ăn xin. Cụ Lê Thị Lan thì bị chồng ruồng bỏ, sống với đứa con trai mắc bệnh thần kinh.

Một hôm con trai lên cơn điên đốt cháy túp nhà lá cọ. Cụ đành nhờ bà con láng giềng quây tấm bạt trú ngụ bên bụi tre. Còn cụ ông Trần Văn Nhân thì có vợ con nhưng tất cả đều đã qua đời. Cụ sống đơn thân và nằm đói gần chết khi còn hai lon gạo nhưng không đủ sức gượng dậy được để nấu cho mình bát cháo. Riêng hai trẻ nhỏ cũng mang nỗi đời cay nghiệt.

Cháu Phan Thị Tú Nhiên có hai anh em thì cả hai bị tật nguyền. Cháu Võ Tá Đan có ba anh em thì hai anh cũng bị tật nguyền.

Từ những phận người sống lay lắt không ra cảnh con người bên ngoài cuộc đời, họ được đưa về đây, được bàn tay dịu dàng của các bà xơ chăm sóc cái ăn, giấc ngủ, cái mặc và điều đó đã giúp họ bớt đi lo lắng về tương lai bất hạnh và bất định của mình.

Cơ sở từ thiện này đi vào hoạt động sau khi có sự chuẩn thuận của chính quyền địa phương và ban tôn giáo tỉnh. Vị linh mục phụ trách cho rằng ông lập nên cơ sở này vì thấy còn quá nhiều người khốn cùng trong xã hội cần một bàn tay giúp đỡ của người khác.

Còn bà xơ có tên Trương Thị Lý thổ lộ: “Do cơ sở vừa thành lập nên chúng tôi mới đưa được chừng đó người vào đây nuôi dưỡng. Sẽ có thêm nhiều người như họ được giúp khi cơ sở đi vào nề nếp ổn định. Ước nguyện tột cùng của chúng tôi là dùng tình bác ái để hồi sinh những mảnh đời bất hạnh”.

Ngoài việc nuôi dưỡng, chăm sóc những người mình tiếp nhận, các xơ còn phải tăng gia trồng rau, làm thêm dịch vụ đóng chai nước khoáng để có kinh phí trang trải cho cơ sở từ thiện của mình. Để đưa được bàn tay ấm áp cho người khác nắm lấy, họ cũng phải trả giá bằng những vất vả của mình, và đó, theo tôi, chính là giá trị của lòng từ thiện.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên