Đó là những góc có trang trí bánh chưng xanh, câu đối đỏ, hình rồng (linh vật năm Giáp Thìn), hoa cúc ươm vàng, hoa đào đỏ thắm.
Đó còn là sự nhộn nhịp của các em học sinh với những tiết mục văn nghệ chào xuân, với hoạt động viết thư pháp, vẽ thiệp... Không khí đó theo chân những em học sinh đến trường.
Học thông qua chơi
Ghi nhận của Tuổi Trẻ ở nhiều trường học, hoạt động chào mừng xuân 2024 được các trường ở TP.HCM thực hiện trong khoảng 2 - 3 tuần trước Tết và rầm rộ nhất là một tuần trước khi học sinh chính thức được nghỉ Tết.
Tại Trường mầm non Thành Phố (quận 3) những bài học về Tết cổ truyền được nhà trường sắp xếp theo hai dạng hoạt động: dạy theo chương trình và dạy thông qua các hoạt động vui chơi, lễ hội.
Theo đó, những bài học về Tết cổ truyền theo chương trình được giáo viên dạy trên lớp cho học sinh. Các em sẽ cùng cô giáo học những chủ đề liên quan đến Tết thông qua các hoạt động giáo dục như hát, vui chơi, ghép chữ, tô màu...
Trong tuần học cuối cùng trước Tết Nguyên đán, Trường mầm non Thành Phố cũng tổ chức một lễ hội xuân đậm màu sắc dân gian cho học sinh, phụ huynh. Lúc này, trẻ mầm non được cô giáo hướng dẫn tham gia nhiều lễ hội ngay tại sân trường để trẻ nhận biết về ngày Tết.
"Giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý của trường đã trang trí Tết và các sân chơi cho trẻ trong vòng một tuần. Dịp này các bé được chơi nhiều trò chơi, trải nghiệm như làm bánh tráng phơi sương, mứt dừa, khắc dưa hấu, gói bánh chưng, kẹo hạnh phúc, nặn tò he, làm cào cào lá dừa...
Bên cạnh giờ học ở lớp, những hoạt động này tạo sân chơi, giới thiệu đậm nét hơn để trẻ ghi nhớ về ngày Tết của dân tộc", cô Mai Yến Hằng, hiệu trưởng Trường mầm non Thành Phố, nhấn mạnh.
Tại nhiều trường tiểu học, THCS, THPT ở TP.HCM, các hoạt động lễ hội ngày Tết như gói bánh chưng, làm thiệp, trang trí mai đào, làm linh vật rồng, viết câu đối... được thực hiện luân phiên trong nhiều giờ chơi, giờ học.
"Chương trình tiểu học hiện không có những tiết dạy riêng về ngày Tết cổ truyền. Ngày Tết thường sẽ được giới thiệu qua những bài văn, bài thơ, bài đọc tiếng Việt... ở nhiều lớp học. Tuy vậy, nhà trường thường dành khoảng một tháng để tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh, có cả những cuộc thi xung quanh các hoạt động ngày Tết để học sinh hiểu hơn về Tết cổ truyền. Nhiều năm trường thực hiện hoạt động này.
Tôi thấy việc tổ chức các hoạt động Tết giúp các em thêm hiểu về ngày Tết, thêm yêu ngày Tết, thêm gắn bó với gia đình, cộng đồng, trường lớp", cô Trần Thị Thu Hương, hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1, nhận xét.
Học về Tết cổ truyền
Trong chương trình phổ thông chính khóa, những bài học về Tết cổ truyền không có nên một số trường đưa nội dung này vào dạy trong phần kỹ năng sống cho học sinh.
Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM), trong một tháng trước Tết Nguyên đán, học sinh được học kiến thức về Tết cổ truyền, về ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt.
"Ngày Tết có rất nhiều ý nghĩa với mỗi gia đình Việt. Vì thế, trường yêu cầu giáo viên dạy kỹ năng sống lên chương trình để học sinh được học về Tết. Tất cả học sinh khối 10, khối 11 và khối 12 đều được học kiến thức văn hóa về Tết cổ truyền.
Giáo viên sẽ dạy Tết Nguyên đán là ngày lễ truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt. Ý nghĩa của ngày Tết là sum vầy, đoàn tụ, mở ra một năm mới với nhiều hy vọng. Đây là thời gian mà ai cũng gác lại mọi công việc để sum vầy với gia đình, họ hàng.
Đó là những nội dung quan trọng mà học sinh THPT phải biết về ngày Tết nên nhà trường rất chú trọng", thầy Đỗ Đình Đảo, hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.
Còn cô Nguyễn Đoan Trang, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, cho biết: "Thông qua nhiều hoạt động như gói bánh chưng, hội xuân... trường sẽ tổng hợp những kiến thức về Tết cổ truyền gửi đến học sinh.
Trường cũng tổ chức cho học sinh được trình bày cảm nhận của các em về Tết qua thiệp, qua những tác phẩm... Sau ngày Tết cũng sẽ có những hoạt động đố vui trong lớp để học sinh càng hiểu thêm về ngày Tết Việt".
Chơi Tết, học từ Tết!
Tết là mùa sum họp gia đình, kết nối tình thân, lan tỏa tình người nên chơi Tết cũng là học. Đó là bài học về ý thức trách nhiệm trong việc vun vén, dựng xây tổ ấm.
Bắt tay vào công đoạn dọn dẹp nhà cửa đón Tết cũng là cơ hội để trẻ thực hành kỹ năng sống thiết thực nhất, hun đúc thói quen sẻ chia áp lực cuộc sống với bậc sinh thành. Đó là bài học về ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết cổ truyền cần được gìn giữ, vun bồi trong lớp trẻ hôm nay.
Tạo điều kiện cho trẻ hòa mình vào không khí xuân rộn ràng để khắc ghi những ký ức đẹp của tuổi thơ: vừa cùng con bày biện mâm cỗ, chuẩn bị mứt bánh vừa lao xao tâm sự tỉ tê về văn hóa mừng tuổi, xông đất, chúc Tết... là một kênh kết nối tình thân hữu hiệu và bền chặt nhất.
Và Tết còn là dịp để mỗi bạn nhỏ sống thực hành bài học sẻ chia, hiếu thuận, yêu thương đối với người thân và cả người khác. Các bạn nhỏ sẽ được theo chân cha mẹ về quê, ào vào vòng tay ấm của ông bà, dùng lời thỏ thẻ yêu thương để khơi lên dòng chảy tình thân nối liền khoảng cách thế hệ.
Không ít bạn nhỏ hôm nay thơm thảo tấm lòng, gói ghém một phần tiền mừng tuổi của mình gửi tấm áo mới cho bạn học, bát cơm nóng cho người cơ nhỡ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận