13/11/2015 06:49 GMT+7

Đưa không gian nghệ thuật vào nhà tù

TUẤN KHANH (Theo beautifuldecay.com, 4661m2.com)
TUẤN KHANH (Theo beautifuldecay.com, 4661m2.com)

TT - Thụy Sĩ trở thành quốc gia 
đầu tiên xem xét việc biến nhà tù thành một không gian nhân văn hơn, trong các nghiên cứu, nhằm tạo ra những tác động tâm lý tích cực cho những 
người bị giam giữ.

Các nghệ sĩ tin rằng sự tầm thường và lạnh lẽo của tâm trạng bị giam giữ sẽ phần nào được thay bằng sự ấm áp của sáng tạo - Ảnh: 4661m2.com
Các nghệ sĩ tin rằng sự tầm thường và lạnh lẽo của tâm trạng bị giam giữ sẽ phần nào được thay bằng sự ấm áp của sáng tạo - Ảnh: 4661m2.com

Mười sáu nghệ sĩ trẻ vẽ graffiti được mời vào một dự án mang tên 4.661m2: Art in prison (tạm dịch: nghệ thuật trong nhà tù) để vẽ lên một không gian rộng đến hơn 4.500m2 những tác phẩm của họ, tạo thành một tác phẩm chung độc đáo của thể loại tranh graffiti.

Đây là một công việc đầy thách thức với các nghệ sĩ trẻ, vì graffiti trước đây có khuynh hướng là tác phẩm cá nhân hoặc một nhóm cùng làm chung trên một đề tài.

Riêng dự án này, 16 nghệ sĩ trẻ đưa ra các ý tưởng của mình, cùng phối hợp và tự điều chỉnh phong cách riêng để tạo ra một không gian toàn cảnh suốt theo các hành lang, cầu thang, bờ tường, vòng bao tập thể dục của tù nhân...

Đại diện của nhóm 16 nghệ sĩ tin rằng sự tầm thường và lạnh lẽo của tâm trạng bị giam giữ sẽ phần nào được thay bằng sự ấm áp của sáng tạo. Thậm chí không chỉ riêng tù nhân, chính các nhân viên nhà tù cũng cải thiện được tâm trạng của mình trong việc đối xử với con người bị giam giữ vì lý do nào đó.

Những nghệ sĩ trẻ cũng mô tả tâm trạng hết sức căng thẳng của họ suốt 18 tháng dàn dựng. Thoạt đầu, những ánh mắt nghi ngại của tù nhân làm họ không đủ tự tin, rồi đến khi đông đảo tù nhân tò mò tập trung đứng xem, bỏ cả giờ chơi thể thao để theo dõi công việc của họ, có người đã phải nhờ nhân viên đưa ra ngoài để nghỉ vì quá căng thẳng.

Với những người hâm mộ nghệ thuật graffiti, đây là một niềm hãnh diện lớn lao vì trào lưu nghệ thuật của họ được dịp cống hiến cho lợi ích xã hội. Giám đốc nhà tù Lenzburg nói trên, Marcel Ruf, nói nghệ thuật đã giúp công chúng nhìn thấy cuộc sống khác sau song sắt, biểu đạt rằng “nhà tù không hoàn toàn là nơi để chống lại sự sống, mà để nuôi dưỡng cho một cuộc sống khác tốt đẹp hơn”.

Đây không phải lần đầu tiên Thụy Sĩ có những cuộc cách mạng về không gian trại giam như vậy. Vài năm trước đã có nhiều nhà tù được sơn màu hồng, sau khi có những nghiên cứu khoa học tâm lý cho biết màu hồng làm người ta nhẹ nhàng lại trong hành động, suy nghĩ.

Sau dự án Art in prison, có nhiều nơi ở Thụy Sĩ cũng dự định thay đổi không gian các nhà tạm giữ, trại giam. Tiến sĩ John Binotto - nhà nghiên cứu về văn hóa và truyền thông của Thụy Sĩ - nói ông hãnh diện về đất nước mình vì nơi này cho thấy trại giam không phải là nơi để tạo ra những con người khác, bước ra mà không mang sự hận thù và âm mưu trả đũa, vì nhà tù cũng là một phần của đời sống văn minh.

TUẤN KHANH (Theo beautifuldecay.com, 4661m2.com)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên