03/03/2022 18:53 GMT+7

Du thuyền thế giới 'cháy hàng', Đà Nẵng thu hút doanh nghiệp lập nhà máy chế tạo

TẤN LỰC
TẤN LỰC

TTO - Theo một nhà phân phối du thuyền lớn tại Việt Nam, sau COVID-19 ngành công nghiệp chế tạo du thuyền thế giới đang rơi vào cảnh 'cháy hàng' đến hết năm 2027 và đây là cơ hội lớn cho Việt Nam.

Du thuyền thế giới cháy hàng, Đà Nẵng thu hút doanh nghiệp lập nhà máy chế tạo - Ảnh 1.

Du thuyền Aviva của tỉ phú Anh Joe Lewis ghé thăm Đà Nẵng vào năm 2019 - Ảnh: TẤN LỰC

Ngày 3-3, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo góp ý đề án phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền.

Theo ban soạn thảo đề án, du thuyền đã phát triển tại một số địa phương như Quảng Ninh và TP.HCM. Cùng với quá trình phát triển kinh tế là sự gia tăng nhanh chóng tầng lớp thu nhập cao, giới siêu giàu giúp cho ngành dịch vụ du thuyền có động lực phát triển mạnh. TP Đà Nẵng là địa phương có ưu thế về vị trí địa lý, cảnh quan và không gian sông biển để phát triển ngành công nghiệp mới mẻ này.

Đề án định hướng phát triển loại hình du thuyền cá nhân phân khúc phổ thông và trung bình, có giá trị cao từ 10 - 20 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2022 - 2030 dự kiến sẽ có 19 dự án ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực này với kinh phí khoảng 6.850 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa. 

Một số dự án quan trọng được đề xuất ưu tiên triển khai như nhà máy đóng mới du thuyền, cảng du thuyền quốc tế Tiên Sa, bến du thuyền quốc tế sông Hàn và các bến khác tại Đa Phước, chân cầu Thuận Phước, các khu neo đậu du thuyền cá nhân…

Theo ban soạn thảo đề án, TP Đà Nẵng định hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ liên quan du thuyền bao gồm công nghiệp đóng, sửa chữa du thuyền, công nghiệp hỗ trợ như sản xuất, lắp ráp linh kiện, nội thất. 

Đồng thời, các dịch vụ du thuyền cũng được phát triển đồng bộ gồm dịch vụ thương mại, vận tải, bảo dưỡng sửa chữa, an ninh an toàn, dịch vụ cảng bến và dịch vụ liên kết du lịch, lưu trú, giải trí, mua sắm.

Các ý kiến tại hội thảo đề nghị đẩy nhanh đầu tư cảng Liên Chiểu để chuyển đổi công năng cảng Tiên Sa thành cảng du thuyền quốc tế, tập trung phát triển dịch vụ và công nghiệp gắn với du thuyền quốc tế và du thuyền cỡ lớn.

Ông Trần Phước Sơn - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho hay công nghiệp du thuyền và dịch vụ du thuyền đang là hướng phát triển Đà Nẵng nhắm tới. Đây là ngành công nghiệp có khả năng tạo ra giá trị gia tăng lớn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP. Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP được Bộ Chính trị đề ra.

Ông Nguyễn Đức Thuận - tổng giám đốc Vietyacht, nhà phân phối nhiều thương hiệu du thuyền tại Việt Nam - nói rằng đây là thời điểm chín muồi cho sự phát triển công nghiệp du thuyền. 

Theo ông Thuận, sau COVID-19 ngành công nghiệp sản xuất du thuyền thế giới đang 'cháy hàng', các nhà máy quá tải đơn hàng đến tận 2027. Hiện nay các hãng du thuyền lớn chưa có nhà máy tại châu Á và đang tìm cơ sở phát triển tại khu vực này. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam và Đà Nẵng.

"Ngay sau khi có bến du thuyền, cần có kế hoạch tổ chức triển lãm du thuyền, tổ chức các cuộc đua du thuyền hằng năm để thu hút phát triển. Đồng thời, mời các hãng đầu tư vào Đà Nẵng xây dựng nhà máy sản xuất du thuyền. 

Ngoài ra, việc đưa du thuyền nước ngoài vào Việt Nam hiện nay thủ tục quá rườm rà, qua nhiều đầu mối. Tôi đề nghị Đà Nẵng có cơ chế đặc biệt, đơn giản hóa thủ tục, để thu hút các siêu du thuyền về Đà Nẵng", ông Thuận kiến nghị.

Lãnh đạo Đà Nẵng đi Mỹ học xây dựng trung tâm du thuyền Lãnh đạo Đà Nẵng đi Mỹ học xây dựng trung tâm du thuyền

TTO - Đoàn lãnh đạo TP Đà Nẵng và các sở ngành sẽ đến tham quan và làm việc tại trung tâm du thuyền Fort Lauderdale tại TP Miami, Florida, Hoa Kỳ, để học hỏi việc xây dựng, vận hành.

TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên