01/11/2018 10:53 GMT+7

Dự thảo về kỷ luật sinh viên bán dâm: Trách nhiệm không riêng ngành giáo dục

THÁI THỊ TUYẾT DUNG (Truởng Bộ môn Luật Hành chính, ĐH Luật TPHCM)
THÁI THỊ TUYẾT DUNG (Truởng Bộ môn Luật Hành chính, ĐH Luật TPHCM)

TTO - Mấy hôm nay, mạng xã hội, kể cả Quốc hội tràn ngập thông tin về việc kỷ luật sinh viên bán dâm trong dự thảo thông tư 10/2016 của Bộ GD-ĐT. Sự việc này là một chuỗi trách nhiệm chứ không phải chỉ có mỗi bộ trưởng đương nhiệm.

Dự thảo về kỷ luật sinh viên bán dâm: Trách nhiệm không riêng ngành giáo dục - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trước hết, quy định này đã có từ năm 2007 (QĐ số 42), và sau đó theo Thông tư 10 (năm 2016, hiện đang hiệu lực) để thay thế quyết định trên. 

"Cắt - dán" mà không rà soát

Thông tư 10 gồm 2 phần: phần đầu là các quy định, phần sau là phụ lục một số nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật sinh viên để làm mẫu cho các cơ sở giáo dục (CSGD). Điều 6 thông tư quy định các hành vi sinh viên không được làm, tham gia tụ tập đông người, biểu tình, khiếu kiện trái pháp luật; tham gia tệ nạn xã hội, gây rối an ninh, trật tự an toàn trong CSGD đại học hoặc ngoài xã hội…  

Sau đó, có lẽ nhận ra việc quy định tại Điều 6 là không đúng nên chính Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã ký QĐ số 1325 để đính chính lại Thông tư 10. Điều đáng quan tâm ở đây là QĐ 1325 đã sửa đổi toàn bộ Điều 6 nêu trên theo hướng: các hành vi sinh viên không được làm được viện dẫn qua các văn bản khác. Rất lấy làm tiếc là khi sửa Điều 6 thì Bộ G-ĐT không sửa luôn phụ lục cho thống nhất nên mới có chuyện xảy ra gần đây.  

Và những người được phân công soạn thảo dự thảo văn bản thay thế Thông tư 10 có lẽ đã "cắt - dán" mà không rà soát. Hoặc thấy quy định trên đã tồn tại  qua 3 đời Bộ trưởng mà chẳng có vấn đề gì (thật ra không thể áp dụng) nên cho rằng đúng và để nguyên những nội dung này vào dự thảo. 

Hậu quả là tạo ra một làn sóng dư luận đổ lỗi hết cho những người đương nhiệm và ngành giáo dục mà chưa tìm hiểu mọi nhẽ.

Trách nhiệm của nhiều người

Dĩ nhiên, tất cả các văn bản nêu trên đều được lấy ý kiến trước khi ban hành. Sau khi ban hành thì cũng đã gửi đến rất nhiều cơ quan như các Bộ, Ban Tuyên giáo trung ương, đăng tải trên website của Chính phủ và bộ…, trong đó có vai trò kiểm tra của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp). Cơ quan này là cổng gác đối với các văn bản trái pháp luật nhưng cũng không thấy.

 Như vậy, chúng ta đã tạo ra một cơ chế trong việc ban hành và kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng cơ chế này không hiệu quả. Và tôi dám chắc rằng: rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan khác cũng có "hoàn cảnh" như Thông tư 10 này nhưng chưa bị phát hiện mà thôi. Tôi cũng không hiểu vì sao nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều quan chức, nhà báo lại ào ào "sát khí" vào ngành giáo dục như thể mới phát hiện chuyện tày đình mà quên đi trách nhiệm của nhiều người có liên quan.

Qua câu chuyện này mới thấy việc ban hành thông tư của các bộ hiện nay có vấn đề, nhiều thông tư ban hành không tuân thủ đúng (hoặc đối phó) quy trình ban hành, chất lượng thông tư phụ thuộc hoàn toàn vào cục, vụ được giao soạn thảo và Vụ Pháp chế của bộ xem xét về tính hợp pháp. Nếu Vụ Pháp chế mà yếu thì sẽ có nhiều bi hài kịch ra đời.

Bộ GD-ĐT không kham nổi

Về nội dung dự thảo, tôi nghĩ cần rà soát lại kỹ. Đặt trong mối quan hệ với các văn bản pháp luật khác, tôn trọng các quyền cơ bản của con người để không phải rơi vào tình trạng trên. Cụ thể:

- Kỷ luật sinh viên bán dâm hay vi phạm quy định về an toàn giao thông: muốn kỷ luật thì nhà trường phải biết sinh viên thực hiện hành vi đó thông qua việc bị xử phạt vi phạm hành chính. Mà pháp luật quy định trong trường hợp này không được công khai danh tính đến nhà trường, vậy nhà trường sẽ kỷ luật như thế nào?. Chưa kể dữ liệu chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính ở nước ta chưa có, nên các cơ quan có thẩm quyền không ai rảnh mà ngồi gửi thông tin người vi phạm giao thông đến trường học của sinh viên.

- Kỷ luật sinh viên tham gia biểu tình trái pháp luật: quy định cũng không xử lý được, vì hiện nay quyền biểu tình được quy định trong Hiến pháp. Còn thế nào là biểu tình trái pháp luật vẫn chưa có, vậy cơ sở pháp lý nào để xác định mà xử lý kỷ luật.

-  Kỷ luật sinh viên khiếu kiện trái quy định của pháp luật: đây là một trong những quy định áp đặt, bởi vì khi thực hiện khiếu kiện tức là gửi đơn đến tòa án, mà nếu cơ quan có thẩm quyền cho rằng trái quy định thì từ chối thụ lý, trả đơn chứ sao kỷ luật sinh viên được.

- Kỷ luật sinh viên có hành vi đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực trên mạng Intenet: quy định này cũng khó mà xử lý vì định tính. Để đánh giá những nội dung này có dung tục hay bạo lực hay không còn tùy thuộc vào quan điểm, góc nhìn của người tiếp nhận, và nhà trường không có đủ thời gian và khả năng làm những việc này.

- Kỷ luật sinh viên tập trung đông người trái pháp luật: tập trung đông người ở nơi công cộng được quy định tại Nghị định 38 và thông tư 09 mà Bộ Công an ban hành, là những trường hợp tập trung từ 5 người trở lên tại các khu vực, địa điểm phục vụ chung cho mọi người như vỉa hè, lòng đường, quảng trường, cơ sở kinh tế, văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng hoặc tại những nơi công cộng khác nhằm mục đích đưa ra yêu cầu hoặc kiến nghị về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, gia đình, tổ chức… Việc tập trung đông người phải đăng ký UBND cấp huyện hoặc tỉnh, và trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản đăng ký, Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền cho phép hay không.

Quy định này mà áp dụng sẽ làm khó cho sinh viên, trong bối cảnh các trường ĐH tự chủ thường đưa ra mức học phí cao, hay đặt ra các quy định gây khó khăn cho sinh viên. Nên thời gian gần đây nhiều sinh viên tập trung phản ứng những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của sinh viên khi nhà trường không thực hiện đúng như phản ứng về học phí, phản ứng về các tranh chấp của nhà trường ảnh hưởng đến việc ra trường của sinh viên, phản ứng về cách tính điểm, phản đối nội quy đồng phục, hay màu tóc… 

Nếu đối chiếu theo quy định này thì sinh viên vi phạm và sẽ bị kỷ luật, điều này dẫn đến việc sinh viên lo sợ bị kỷ luật mà mất khả năng phản kháng những điều thuộc về quyền của mình trong phạm vi nhà trường. Do vậy đã đến lúc chúng ta cần rà soát lại các quy định có liên quan để bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất chứ không chỉ có mỗi ngành giáo dục.

Vì vậy, tôi nghĩ Bộ GD-ĐT sẽ không đủ sức mà liệt kê những hành vi vi phạm cụ thể như dự thảo. Tốt nhất nên để cho các trường tự quy định nội quy trong khuôn viên trường mình và mức xử lý kỷ luật, miễn sao không được trái pháp luật, không được xâm phạm các quyền cơ bản của công dân đã được pháp luật quy định. THÁI THỊ TUYẾT DUNG (Trưởng Bộ môn Luật Hành chính, ĐH Luật TP.HCM)

Để làm được điều này, cần có những chuyên gia pháp lý hỗ trợ các trường nhằm tránh đưa ra các quy định không đúng. Và nhà trường phải là nơi chấp nhận sự khác biệt, hun đúc và giáo dục HS-SV đừng để nhà trường thành nơi kiểm soát mọi hành vi, là nơi lo sợ của HS-SV.


THÁI THỊ TUYẾT DUNG (Truởng Bộ môn Luật Hành chính, ĐH Luật TPHCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên