Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải vượt tốc độ hàng chục ngàn lần mỗi tháng, lặp đi lặp lại với cả những xe vi phạm bị tước phù hiệu.
Vi phạm hàng trăm lần vẫn chưa bị phạt
Xe khách biển số 50F-004.83 va chạm với xe 16 chỗ trên quốc lộ 20 tỉnh Đồng Nai (ngày 30-9) từng vượt quá tốc độ 321 lần trong tháng 5-2023, bị thu hồi phù hiệu. Nhà xe xin cấp lại phù hiệu, tháng 6 lại vi phạm 114 lần và lại bị tước phù hiệu. Tháng 7 xe này lại vi phạm tốc độ 61 lần.
Hệ thống tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh của Cục Cảnh sát giao thông ghi nhận xe này chỉ có một lỗi vi phạm "chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h" do Công an tỉnh Lâm Đồng phát hiện vào lúc 18h01 ngày 23-7-2023, ở trạng thái "chưa xử phạt".
Xe khách mang biển số 51B-254xx của nhà xe khác cũng đã vi phạm tốc độ 1.551 lần nhưng hệ thống phạt nguội của cảnh sát giao thông không ghi nhận lần nào. Xe này bị ghi nhận vi phạm tốc độ 9 lần (lần vi phạm gần nhất là ngày 24-9-2023, cũ nhất là ngày 9-3-2021), tất cả đều ở trạng thái "chưa xử phạt".
Biết rằng việc phát hiện, xử lý vi phạm của cảnh sát giao thông hiện nay không chỉ dựa vào camera phạt nguội và hệ thống camera cũng không thể bao phủ nhưng những con số trên cho thấy có một khoảng trống đủ lớn để tài xế có lý do "không sợ".
Chia sẻ dữ liệu GPS để xử lý kịp thời
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia giao thông cho rằng dữ liệu giám sát hành trình GPS trên xe kinh doanh vận tải bao gồm thông tin về hành trình xe chạy như: thời gian, tọa độ, tốc độ... Ngoài ra cũng lưu trữ đầy đủ thông tin về lái xe, thông tin về số lần và thời gian dừng, đỗ xe... Hệ thống dữ liệu hành trình này hoàn toàn có thể phục vụ xử lý vi phạm giao thông, quản lý chung và thu thập thông tin cho nhiều lĩnh vực.
Theo luật sư Lê Thị Thủy (Đoàn luật sư TP.HCM), điểm b khoản 3 điều 12 nghị định 10/2020/NĐ-CP được hướng dẫn tại khoản 2 điều 10 thông tư 12/2020/TT-BGTVT đã quy định: thiết bị giám sát hành trình là nguồn thông tin, chứng cứ để sử dụng phục vụ cho việc quản lý nhà nước về giao thông vận tải, được cung cấp cho cơ quan công an để tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm theo quy định.
"Cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Cục Đường bộ với cảnh sát giao thông trong việc chuyển giao hoặc cấp quyền truy cập của các dữ liệu truyền về Cục Đường bộ từ các thiết bị giám sát hành trình để đảm bảo việc quản lý, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định một cách nhanh chóng và hiệu quả", luật sư Thủy nói.
Nói về vấn đề này, PGS.TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - cho rằng dữ liệu giám sát hành trình GPS nếu sử dụng hiệu quả có thể nâng cao hiệu quả quản lý vận tải hành khách. Ngoài ra còn có tác dụng trong ngăn chặn tài xế vi phạm giao thông. Trên thế giới, các nước đã ứng dụng rất thành công, hoạt động kinh doanh vận tải lớp lang, hạn chế hành vi vi phạm giao thông, đảm bảo an toàn giao thông.
Ở TP.HCM, cơ quan chức năng muốn ứng dụng hiệu quả GPS cần ba yếu tố gồm: Một là đảm bảo dữ liệu chất lượng không bị mất hoặc gián đoạn, sai số vị trí. Hai là cần đầu tư phần mềm tự động phân tích dữ liệu, phát hiện vi phạm, nguy cơ vi phạm.
Ba là phải có hướng dẫn cụ thể về xử phạt nguội căn cứ dữ liệu GPS. Bên cạnh đó, việc thực thi phạt hành chính như vậy cần có sự phối hợp ngành dọc và ngành ngang, sở giao thông vận tải và cảnh sát giao thông địa phương…
Hệ thống chưa được nâng cấp
Từ gần 10 năm nay, dữ liệu GPS cả triệu xe ô tô kinh doanh vận tải được truyền về máy chủ của Cục Đường bộ Việt Nam để phân tích, lọc xe vi phạm để các địa phương xử lý.
Hệ thống xử lý này chưa nâng cấp các tính năng mới phù hợp với tình hình thực tế. Mặt khác, hiện nay Cục Đường bộ Việt Nam cũng chưa chia sẻ, truyền dữ liệu về cho các địa phương.
Các sở giao thông vận tải địa phương hiện chỉ được cấp một tài khoản dùng chung để truy cập, kiểm tra và cập nhật thông tin trên hệ thống. Việc này gây hạn chế rất lớn bởi các bộ phận có từng chức năng của sở giao thông vận tải địa phương lại không có tài khoản để truy cập, xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận