07/12/2014 09:17 GMT+7

​Tìm kiếm hình ảnh nhân văn

LÊ NAM thực hiện
LÊ NAM thực hiện

TT - Cuộc thi Tận hưởng bản sắc Việt do báoTuổi Trẻ, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) phối hợp tổ chức sau bốn tháng đã nhận được hơn 3.000 ảnh dự thi của bạn đọc.

Bịt mắt bắt dê. Đây là trò chơi cổ truyền không thể thiếu trong lễ hội xuân Gầu Tào 2013 của người dân tộc Mông ở xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Phạm Ngọc Triển
Bịt mắt bắt dê. Đây là trò chơi cổ truyền không thể thiếu trong lễ hội xuân Gầu Tào 2013 của người dân tộc Mông ở xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Phạm Ngọc Triển

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đồng Đức Thành, thành viên ban giám khảo cuộc thi, cho biết:

- Trong một thời gian ngắn cuộc thi nhận được khá nhiều hình ảnh đẹp, xuất sắc, theo tôi có mấy lý do: báo Tuổi Trẻ có một lượng bạn đọc rất đông vì vậy sức lan tỏa, chuyển tải thông tin và quảng bá cuộc thi rất hiệu quả.

Giải thưởng cuộc thi có giá trị lớn về cả vật chất (giá trị tiền thưởng cao) và tinh thần (các tác phẩm dự thi đoạt giải sẽ được Saigontourist sử dụng trong các tài liệu, ấn phẩm, chương trình quảng bá, xúc tiến tiềm năng du lịch VN đến du khách trong và ngoài nước ở các sự kiện quốc gia và quốc tế về du lịch).

Hai yếu tố này được kết hợp cùng cách tổ chức cuộc thi hợp lý nên đã thu hút sự quan tâm đáng kể của người yêu thích bộ môn nhiếp ảnh, người chụp ảnh nghiệp dư và chuyên nghiệp.

Tôi tin là trong thời gian tới sẽ còn nhiều tác phẩm dự thi có chất lượng cao gửi đến ban tổ chức giải.

* Ông có thể nói thêm yếu tố hợp lý trong công tác tổ chức của cuộc thi này?

- Thông thường ở nhiều cuộc thi khác người tham gia chờ đến sát thời hạn chót mới gửi bài dự thi vì sợ gửi trước không ai để ý bài dự thi của mình, sợ lộ đề tài, ý tưởng. Điều này tạo áp lực lớn cho ban tổ chức cũng như ban giám khảo khi phải xem xét, đánh giá một khối lượng bài dự thi rất lớn.

Cuộc thi Tận hưởng bản sắc Việt chọn cách công bố giải hằng tháng đã tạo đòn bẩy hợp lý cho người tham gia, giúp họ tạo định hướng, tạo đà để người yêu thích nhiếp ảnh sáng tác, suy ngẫm ý tưởng và gửi ảnh dự thi.

Một yếu tố khác rất ý nghĩa là việc yêu cầu mỗi bộ ảnh phải có thông tin đi cùng, điều này làm tăng thêm sức sống, giải quyết nhu cầu thẩm mỹ thị giác của người xem. Cũng chính nhờ phần thông tin đã làm giàu có thêm giá trị của bức ảnh làm bức ảnh “sống” lâu hơn.

* Ông có nhận xét gì về các tác phẩm đoạt giải trong bốn tháng qua?

- Đó là những ảnh xuất sắc nhất của tháng, ban tổ chức và ban giám khảo đã cân nhắc lựa chọn các chủ đề như văn hóa trong ẩm thực, cái đẹp trong đờn ca tài tử, phong cảnh Nha Trang... để làm sao có tính đa dạng của đề tài tạo hướng cho người dự thi tháng sau tiếp tục tham gia sáng tác cho đúng, đầy đủ và thể hiện tròn trịa nhất với chủ đề của cuộc thi là Tận hưởng bản sắc Việt.

Bản sắc đó phải mang tính văn hóa, nhân văn... có thể xuất hiện trong rất nhiều lĩnh vực chứ không chỉ đơn thuần là phong cảnh.

* Bản thân ông thích ảnh trong lĩnh vực nào?

- Tôi rất tâm đắc và đặc biệt thích các tấm ảnh thể hiện được bản sắc Việt trong văn hóa ẩm thực độc đáo và đa dạng của VN.

* Xu thế các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đang quan tâm và thể hiện là gì, thưa ông?

- Đó là cách tiếp cận sao để thể hiện tính nhân văn sâu sắc nhất.

Giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp tôn trọng và đánh giá cao sức mạnh của nhiếp ảnh là khoảnh khắc. Những ảnh dàn dựng, khô cứng, sượng sùng... không phải là khuynh hướng mà giới nhiếp ảnh đang quan tâm.

Khoảnh khắc ở đây không nhất thiết là khoảnh khắc mang tính báo chí, thời sự..., mà đó là khoảnh khắc có được ngay cả trong ảnh tĩnh lặng của phong cảnh, người chụp cũng có thể bắt được trong cả các ảnh dàn dựng lại nhưng sống động, tự nhiên.

Ví dụ ảnh đoạt giải vừa rồi với chủ đề Đờn ca tài tử là ảnh đen trắng, chụp chân dung cận một lão nông Nam bộ đang đàn cây đàn kìm. Khoảnh khắc tạo ra ở đây thể hiện ở ngón đàn, bàn tay bấm phím, đó là hình ảnh nền lung linh đã tạo nên âm thanh trong ảnh... ngôn ngữ nhiếp ảnh trong tấm ảnh này đã được thể hiện.

Tôi mong sẽ nhận được nhiều bức ảnh thể hiện được tính nhân văn, các khoảnh khắc cuộc sống mang đậm bản sắc Việt trong thời gian tới.

Kết quả cuộc thi viết Tận hưởng bản sắc Việt

Sau bốn tháng, cuộc thi viết Tận hưởng bản sắc Việt nhằm tôn vinh vẻ đẹp đất nước, lịch sử văn hóa, ẩm thực, con người Việt Nam, do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist) tổ chức, đã nhận được 545 bài viết hợp lệ. Ban tổ chức xin công bố các giải thưởng như sau:

Giải nhất:

- Hồn chợ Việt (tác giả Trần Thùy Linh).

Giải nhì:

- Bản sắc nguồn tài nguyên bất tận (tác giả: Johann Farnhammer). 

- Ấm áp hồn Việt (tác giả: Trần Văn Dũng).

Giải ba:

- Ở nhà Việt, ăn cơm Việt, lấy vợ Việt (tác giả: Nguyễn Hữu Thái). 

- Hãy đi du lịch ẩm thực quê mình (tác giả: Trần Vũ Nguyên).

- Đi tìm ca khúc cho du lịch Việt (tác giả: Võ Văn Dũng).

Giải khuyến khích:

- Trên đỉnh núi Rồng (tác giả: Giàng A Phớn).

- Văn học quyến rũ dòng khách âm thầm(tác giả: Trần Minh Hợp).  

- Cần một chương trình trình diễn nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ du khách (tác giả: Huỳnh Thu Dung).

- Công trình “Tận hưởng bản sắc Việt” (của nhóm “TỰ HÀO C500” Học viện An ninh nhân dân, Hà Nội).

Lễ công bố và trao giải thưởng sẽ được tổ chức ngày 11-12 tại khách sạn Rex, TP.HCM. 

LÊ NAM thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên