Chợ ngựa Bắc Hà, Lào Cai là một nét văn hóa đặc sắc của vùng Tây Bắc - Ảnh: Hoài Linh |
Mới đây Ban chỉ đạo Tây Bắc vừa phối hợp với Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức họp báo thông tin về tình hình chuẩn bị cho Năm du lịch quốc gia 2017 và giới thiệu tiềm năng các tỉnh Tây Bắc.
Bà Hoàng Thị Hạnh - phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc - đề nghị nên quảng bá rộng rãi hình ảnh thiên nhiên và con người Tây Bắc, với hi vọng tạo ra nhiều cơ hội để du lịch Tây Bắc ngày càng phát triển.
Tạo thêm sản phẩm mới
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2015 có trên 8,9 triệu lượt du khách đến du lịch các vùng Tây Bắc (tăng 3%), trong đó có 1,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 6,5%. Nếu tính cả khách đi lại giữa các địa phương trong vùng, con số tăng lên khoảng 13 triệu lượt, thời gian lưu trú trung bình 1 ngày rưỡi, chi tiêu hạn chế.
Theo các doanh nghiệp lữ hành, sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc còn ít, đơn điệu, rời rạc và phương tiện đi lại chủ yếu là đường bộ, đường hàng không chỉ có đường bay Hà Nội - Điện Biên Phủ với tần suất ít, máy bay nhỏ.
Theo ông Trần Thế Dũng - phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, muốn phát triển du lịch và thu hút du khách đến nhiều với Tây Bắc, chính quyền địa phương và nhà đầu tư cần quan tâm phát triển thêm sản phẩm.
Ông nhận thấy nhiều năm qua ngành du lịch địa phương chưa quan tâm tới việc cho du khách thưởng ngoạn và di chuyển trên các con sông Gâm, sông Năng ở Đông Bắc và sông Đà - Tây Bắc dài hàng trăm cây số được hình thành sau khi các công trình thủy điện Sơn La và Tuyên Quang đóng đập giữ nước.
Ưu điểm của những thủy lộ này không chỉ thuận lợi khi muốn kết nối với cung đường bộ, làm sản phẩm du lịch Tây Bắc, Đông Bắc thêm phong phú mà còn giúp du khách lấy lại sức, giảm mệt mỏi sau những ngày “hành xác” di chuyển trên đường bộ vốn hầu hết là đường đèo hiểm trở. Đây cũng là những dòng sông đẹp tuyệt trần.
Đi trên các con sông này vô cùng hấp dẫn khi trên suốt đường đi là rừng nguyên sinh hai bên bờ và thỉnh thoảng là những cụm núi đá vôi muôn hình vạn trạng đan xen với rặng núi đất ẩn hiện trong đám mây bồng bềnh đã tạo nên bức tranh thủy mặc khổng lồ.
Ông Trần Văn Tuấn, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng tiềm năng phát triển du lịch vùng Tây Bắc mở rộng là rất lớn nhưng cần sự phối hợp đồng bộ của các tỉnh, thành phố tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch chất lượng nhưng bắt buộc phải giữ được văn hóa bản địa, cảnh quan thiên nhiên đặc trưng trong vùng.
Vietnam Airlines vào cuộc
Bà Trần Thị Việt Hương, giám đốc ban tiếp thị Công ty du lịch Vietravel, cho rằng nét đẹp phong cảnh, thiên nhiên, văn hóa, con người vùng Tây Bắc cần phải được giới thiệu ra bên ngoài thông qua phim ảnh.
Bà Hương đề nghị cần làm những bộ phim chuyên đề về thiên nhiên, ẩm thực, con người vùng Tây Bắc để giới thiệu cho các đối tác ở hội chợ, triển lãm quốc tế, đồng thời đây sẽ là sản phẩm để các đại sứ quán VN ở nước ngoài dùng giới thiệu văn hóa của Tây Bắc ở các thị trường quốc tế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về khả năng phát động quảng bá xúc tiến du lịch Tây Bắc, ông Trịnh Ngọc Thành, phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), cam kết sẽ sử dụng các nguồn lực hiện có để tăng cường đưa khách du lịch quốc tế tới VN nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng.
Theo ông Thành, qua nhiều năm thực hiện các chương trình phát động du lịch Tây Bắc, VNA và các đối tác du lịch đều nhận ra vùng đất này rất tiềm năng để thu hút du khách với thế mạnh thiên nhiên phong phú và văn hóa bản địa đặc sắc chính là những điểm mấu chốt để thiết kế sản phẩm liên vùng.
Những đối tác du lịch lớn của VNA ở châu Âu khẳng định bản thân Tây Bắc chưa có khả năng trở thành một điểm đến độc lập khiến du khách châu Âu lưu lại dài ngày, vì vậy khi thiết kế các chương trình tour tại Tây Bắc cần cân nhắc yếu tố liên kết vùng miền nhằm đa dạng hóa sản phẩm.
Tập trung đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch, quảng bá điểm đến, quảng cáo sản phẩm mà công việc này đòi hỏi một khoản kinh phí không nhỏ. Ông Thành đề nghị các cơ quan hữu quan đẩy nhanh việc thành lập quỹ quảng bá du lịch quốc gia phục vụ cho các mục tiêu chung.
Hằng năm, VNA dành một khoản ngân sách khá lớn cho các chương trình quảng cáo sản phẩm hàng không gắn kết chặt chẽ với quảng bá điểm đến VN tại thị trường châu Âu nhằm mục đích thu hút khách du lịch quốc tế vào VN.
“VNA cam kết sát cánh cùng ngành du lịch và các địa phương tăng cường đưa khách du lịch quốc tế đến VN nói chung và tới Tây Bắc nói riêng.
Từ giữa năm ngoái, hãng đã đưa đội máy bay mới A350-900 và B787-9 vào hoạt động trên đường bay châu Âu và nội địa, triển khai từng bước dịch vụ 4 sao trên các đường bay khai thác bằng máy bay mới. Phát triển mạng đường bay nội địa, đường bay Đông Dương đa dạng, nối chuyến thuận tiện với các đường bay trung bình và đường bay dài” - ông Thành khẳng định.
Với việc Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không VN, Bộ Quốc phòng và các địa phương vùng Tây Bắc đã xây dựng kế hoạch đầu tư gần 10.000 tỉ đồng nâng cấp và xây mới sân bay Nà Sản, Lai Châu và Lào Cai, ông Thành cho hay VNA sẵn sàng xem xét tăng tần suất và mở các đường bay mới tới các sân bay này, tạo đòn bẩy tích cực cho công tác thu hút khách du lịch đến Tây Bắc.
Nên có chính sách visa thông thoáng Ông Trịnh Ngọc Thành cho rằng Chính phủ nên có chính sách visa cởi mở, thông thoáng cho các thị trường trọng điểm vì đây là công cụ rất hữu hiệu để cạnh tranh điểm đến. Việc Chính phủ miễn visa cho công dân năm nước Tây Âu sau chín tháng áp dụng, số lượng khách mang quốc tịch từ những nước này đến VN đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, sau ngày 30-6, thời điểm miễn visa hết hiệu lực, trên hệ thống đặt chỗ của VNA các chuyến bay của hãng từ ba đường bay Tây Âu về VN, lượng khách đặt chỗ không cao như giai đoạn được miễn visa trước đó. Vì vậy theo ông, nên mở rộng danh sách các nước châu Âu được áp dụng chính sách miễn visa, sớm thông báo gia hạn miễn visa cho năm nước Tây Âu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận