03/01/2016 09:35 GMT+7

Festival Hoa Đà Lạt đông khách nhưng thiếu hồn

MAI VINH - CHÍNH THÀNH
MAI VINH - CHÍNH THÀNH

TT - Tối 2-1, Festival hoa Đà Lạt khép lại sau 5 ngày tưng bừng ở thành phố sương mù. Theo nhà tổ chức, bình quân mỗi ngày có khoảng 100.000 lượt du khách hòa mình vào không gian lễ hội.

Không gian hoa đường Lê Đại Hành thu hút nhiều du khách tới chụp hình lưu niệm - Ảnh: C.Thành
Không gian hoa đường Lê Đại Hành thu hút nhiều du khách tới chụp hình lưu niệm - Ảnh: C.Thành

[AUDIO id= alt=]//static.tuoitre.vn/tto/r/2016/01/03/dong-khach-nhung-thieu-hon-1451806373.mp3[/AUDIO]

Khách đến, khách đi để lại những lời khen lẫn phàn nàn. Nhưng dù ở góc nhìn nào thì những lời gửi lại đều là mong muốn được đón một kỳ festival hoa tiếp theo với nhiều mới mẻ.

Đông vui và an toàn

Tại buổi bế mạc tối 2-1, ban tổ chức tuyên bố Festival hoa Đà Lạt 2015 đã thành công tốt đẹp, đạt nhiều chỉ tiêu đề ra trước đó. Nhưng ngoài những mặt thành công của lễ hội hoa lớn nhất cả nước vẫn còn đó những lời than phiền, nuối tiếc từ nhiều du khách.

Họ mong muốn, trông chờ cho Đà Lạt có một mùa festival lần tới được trọn vẹn, tốt đẹp hơn, có hồn và chất Đà Lạt hơn.

Nhiều du khách than phiền trong hai ngày cuối là sự mệt mỏi khi phải mất nhiều thời gian di chuyển trong TP.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, một du khách đến từ tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Tôi tới khu vực vườn hoa TP chơi lúc 9g, nhưng phải tới gần 11g mới cho xe về được khách sạn tại đường Lê Hồng Phong gần đó. Đà Lạt quá thiếu những bãi đậu xe nên việc di chuyển vất vả và làm mất hứng”.

Ngoài ra, các địa điểm phục vụ ăn uống, khách sạn đều thi nhau tăng giá ít nhất 100% tới 200% so với ngày thường cũng làm du khách mất vui.

Ông Nguyễn Duy Hưng (44 tuổi, du khách đến từ Đồng Nai) cho biết gia đình ông từ sáng sớm 1-1 đã tranh thủ tới TP Đà Lạt.

Nhưng do không đặt phòng khách sạn từ trước, tới tối cùng ngày gia đình ba người mới tìm được một phòng nghỉ bình dân với giá lên tới 900.000 đồng/ngày/phòng đôi trên đường Hùng Vương, vốn ngày thường có giá 250.000 đồng/phòng đôi.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Vĩnh Phúc - phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt, phó trưởng ban tổ chức Festival hoa 2015 - cho biết thống kê sơ bộ qua 5 ngày diễn ra Festival hoa Đà Lạt cho thấy lượng du khách về TP Đà Lạt vào khoảng 450.000 lượt người.

Ông cho rằng điều này chứng tỏ sức hút từ festival hoa và địa danh Đà Lạt vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Theo ông, trong suốt 5 ngày diễn ra lễ hội, không có sự cố nào liên quan tới tình hình an ninh trật tự, tăng giá bất thường các dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ từ phản ảnh của du khách.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, giá dịch vụ khách sạn, ăn uống trong những ngày diễn ra lễ hội một số nơi tăng ít nhất 100% so với ngày thường.

Nhiều nhà nghỉ, khách sạn thậm chí còn tăng giá 300% ở những ngày cao điểm đối với du khách lẻ đến lễ hội chơi vào ngày 1 và 2-1. Ông Phúc thừa nhận đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, cá biệt.

Theo ban tổ chức Festival hoa 2015, các chương trình thành công tại lễ hội có thể kể tới như không gian hoa tại đường Lê Đại Hành, cầu Ông Đạo, khu vực xung quanh hồ Xuân Hương, chương trình khai mạc Festival hoa đêm 29-12, đêm tôn vinh người trồng hoa...

Hồn hậu rơi rớt mất rồi...

Nhưng vẫn có những điều chưa hài lòng. Nghệ sĩ nhiếp ảnh MPK, người gắn bó với Đà Lạt như máu thịt, vẫn có những khắc khoải riêng.

Theo MPK, Đà Lạt xưa thường gọi là Dalat, viết tắt từ tiếng Latin: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem. Dịch nghĩa: “Đem sung sướng tới một số người và đem tươi trẻ tới một số khác”.

Như vậy bản thân Đà Lạt là một sự vui vẻ, tươi tắn không đi kèm với ồn ào, náo nhiệt. Lễ hội dù to, dù nhỏ cũng không nên đi ra ngoài bản chất của Đà Lạt, “đừng phá vỡ cái êm đềm, tĩnh lặng của xứ sương mù”. Nhưng lễ hội hoa qua các năm đã tràn ra khỏi không gian này.

Du khách Nguyễn Quế Xuân Nghi (TP.HCM) khắc khoải: “Hồn hậu rơi rớt mất rồi…”.

Bạn bày tỏ: “Đây là lần thứ ba tôi đến Đà Lạt nhân dịp lễ hội hoa. Dù rất yêu mến thành phố này nhưng tôi có cảm giác lễ hội mỗi năm một nhạt. Tôi đi khá nhiều lễ hội ở các nước Thái Lan, Singapore...

Tôi cứ ước ao phải chi những nhà tổ chức của Festival hoa Đà Lạt có thêm những ý tưởng sáng tạo hơn, tổ chức chuyên nghiệp hơn và chính quyền có trách nhiệm hơn trong việc điều tiết giá cả dịch vụ thì Đà Lạt sẽ không “thô kệch” như thế này trong mấy ngày qua.

Nếu lễ hội hoa chỉ như thế này, thôi thì tôi sẽ chỉ đến Đà Lạt vào những ngày thường để được thấy Đà Lạt hiền hòa và thân thiện với khách phương xa. Giờ đến rồi, ra đi thấy Đà Lạt mất mát trong lòng mình. Hồn hậu rơi rớt đâu đó sau một kỳ lễ”.

Ở một góc khác, MPK nhìn nhận: “Lễ hội hoa nhưng chuyện mua mua bán bán rầm rộ quá. Tôi muốn đi ngắm những bức tranh của những họa sĩ ba miền tụ về đặt ở quanh hồ Xuân Hương, ở dọc con đường dày đặc biệt thự cổ Trần Hưng Đạo... Tìm hoài không thấy dù xưa kia Đà Lạt đã từng có.

Đến đấy để chìm vô không gian văn hóa, để yêu cái xứ mà nghe tên đã yêu, đã lãng mạn chứ không phải đến đấy để rồi quay về chỉ thấy buồn và rơi mất tình yêu”.

* Đạo diễn Đinh Anh Dũng:

Thay áo cho vừa tâm hồn

Đạo diễn Đinh Anh Dũng

Tôi là một người con của Đà Lạt và có mặt ở Đà Lạt trong thời gian diễn ra festival hoa.

Tôi thừa nhận đã có cố gắng trong tổ chức, đội ngũ giữ gìn an ninh trật tự và hướng dẫn du khách làm hết mình nhưng chưa đủ. Tấm áo festival mặc vào cho Đà Lạt cách đây 12 năm giờ đã chật, cần phải thay cho vừa tâm hồn.

Xét về không gian văn nghệ - ví dụ như chương trình khai mạc - năm nào cũng như năm nào, thậm chí còn đi thụt lùi. Chuyện là đã bao nhiêu năm rồi, tổng đạo diễn chương trình vẫn là một người.

Tôi nghĩ cần thay đổi, mỗi kỳ nên chọn một đạo diễn. Mỗi năm mỗi mới thì khách cũ mới háo hức đến Đà Lạt, chứ năm nào cũng y chang nhau thì khách không còn hứng thú nữa.

Bộ khung chương trình, tôi cho rằng cần bỏ bớt chuyện buôn bán trong festival, giới thiệu sản phẩm nông sản và du lịch cũng nên có không gian tế nhị hơn, thiết kế lịch lãm hơn, cần liên kết với người dân nhiều hơn, kéo họ vào cuộc chứ không thể để họ thờ ơ như hiện nay.

Chính họ thờ ơ thì du khách nào mặn mà. Thay vì các hội đoàn thi cắm hoa, thi cây cảnh đẹp thì nên thi những căn nhà có hàng rào hoa đẹp, cửa sổ hoa đẹp.

Điều này khiến không gian festival rộng rãi hơn, gần gũi người dân địa phương để du khách hòa chung vào thật ấm cúng. Mặt khác, nó kích thích người dân trang hoàng nhà cửa làm cho thành phố đẹp hơn.

MAI VINH

* Nghệ sĩ nhiếp ảnh MPK:

Đâu rồi bình yên và tĩnh lặng?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh MPK

Nếu chỉ có vài con đường hoa, vài hội chợ mà đặt tên là lễ hội hoa Đà Lạt là không đúng. Festival hoa hay cái gì khác phải đi theo con đường đã vẽ ra khi Đà Lạt khai sinh, mang đến cho người đến Đà Lạt sự yên bình, tĩnh lặng và sức sống.

Người ta nghĩ về xứ này như một mảnh đất của văn hóa, văn nghệ và hoa. Những điều này đều gắn với sự tao nhã, sang trọng. Bao nhiêu lần rồi, festival thiếu vắng âm nhạc thính phòng.

Những người bạn tôi từng kể về những dàn nhạc giao hưởng dưới tán thông, trong những công trình cổ và mở ra miễn phí cho du khách tới thưởng lãm.

Mới đây, một không gian nhạc thính phòng được mở ra, nhiều người dân Đà Lạt đã say mê. Đủ thấy, festival cần những điều ấy. Bao nhiêu năm chờ đợi, năm nay không gian nhạc có quay về nhưng ít quá, phải nhiều hơn nữa và ở những nơi gần gũi và Dalat hơn nữa.

Ngày xưa làm gì có festival đâu nhưng hương lãng mạn có mặt ở khắp nơi. Khách đến rồi say mê.

Với họ Đà Lạt thương, đẹp, yêu kiều chứ không phải Đà Lạt có nơi này đẹp, có chỗ kia đẹp. Ngày ấy, Đà Lạt với họ toàn bích, bước chân đến Đà Lạt là lòng rộn rã như lễ hội rồi.

MAI VINH - CHÍNH THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên