Những ụ rác dọc bờ biển Lý Sơn dần được dọn sạch từ đôi tay của du khách - Ảnh: T.Mai |
Những vị khách du lịch đi dọc các điểm du lịch nổi tiếng ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) như Hang Câu, Cổng Tò Vò, chùa Đục, chùa Hang... dọn rác khiến người dân đảo Lý Sơn lấy làm lạ. Nhiều ánh mắt khó hiểu khi nhìn đoàn khách xắn tay áo lao vào những đống rác ngổn ngang tích tụ từ năm này sang năm khác, hì hục quật lên và dồn vào bao chuyển lên xe đưa đến nơi xử lý.
Điều tôi hi vọng nhất sau tour du lịch kết hợp dọn rác này là một cách hành xử văn minh với môi trường, tạo được ý thức chung cho toàn cộng đồng cùng chung tay làm sạch Lý Sơn |
Ông NGUYỄN ĐĂNG VŨ (giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi) |
Lý Sơn đẹp nhưng nhiều rác quá!
Dù Lý Sơn là điểm đến đang được nhiều du khách lựa chọn, thế nhưng tình trạng rác ùn ứ khắp quanh đảo đang khiến nhiều du khách ái ngại. Theo thống kê của huyện đảo Lý Sơn, mỗi ngày 22.000 người dân trên đảo và du khách thải ra khoảng 30 tấn rác. Việc tiêu hủy rác thải chủ yếu là thu gom và đốt. Bộ TN-MT thấy tình trạng rác ngập ngụa ở Lý Sơn đã đầu tư một nhà máy xử lý chất thải rắn với công suất thiết kế mỗi ngày “tiêu thụ” được khoảng 12 tấn rác.
Thiết kế là thế nhưng sau bốn tháng đưa vào vận hành mỗi ngày cũng chỉ tiêu thụ được nhiều lắm là 2 tấn. Một lão nông đang dọn đất chuẩn bị vụ tỏi gần nhà máy rác nói vui: “Nhà máy rác đang bị rác đè rồi. Xe đi thu gom không xuể nên dân cứ đổ ra biển chờ sóng biển cuốn đi, nhưng rác nhiều quá cuốn không hết”.
Những cảnh đẹp do quá trình phun trào của núi lửa hàng chục triệu năm về trước đã ưu ái tạo nên một Lý Sơn với vô số cảnh đẹp tự nhiên độc đáo. Vậy mà nhiều du khách chỉ ghé ngang rồi vội vã rời đi, không phải vì thời gian eo hẹp hay cảnh đẹp không đủ giữ chân du khách mà rác thải ùn ứ khắp lối đi ngay dưới chân du khách.
Chị Tôn Nữ Khánh Ngọc cùng với đồng nghiệp và bạn bè từ TP.HCM ghé thăm đảo đã phải thốt lên: “Lý Sơn quá đẹp nhưng rác nhiều quá, đi đâu cũng gặp rác. Thấy biển muốn xuống tắm mà nhìn rác dập dềnh chẳng ai dám”.
Dọc theo tuyến kè quanh đảo dài khoảng 7km từ thôn Tây (xã An Vĩnh) đến thôn Đông (xã An Hải), rác từ trên bờ ùa xuống dưới biển, những ngày này sóng lớn, rác theo sóng dạt vào với đủ thứ túi nilông, lon, chai nhựa và cây cối các loại. Trông bờ biển cứ như một “vành đai” rác. Người dân cũng đã quen với mùi hôi bốc ra từ những đống rác do sự thiếu ý thức của chính mình và du khách tạo nên.
Vì vậy, họ bất ngờ khi thấy đoàn khách mặc áo đồng phục màu xanh với dòng chữ Công ty lữ hành quốc tế Oxalis do Công ty du lịch Viet Mark tổ chức tour du lịch đến Lý Sơn không chỉ đi thăm thú cảnh đẹp quanh đảo mà lại xuống bờ biển “quật” những đống rác hôi thối lâu ngày lên (những ngày đầu tháng 10-2015).
Chị Dương Thị Tịnh (xã An Vĩnh) cùng nhiều phụ nữ đang bóc tách hành tỏi trên đường tò mò nhìn về phía bãi biển, những đôi mắt khó hiểu vì họ chưa từng thấy nhóm du khách nào đến đảo để thu gom rác. “Lúc đầu tôi thấy mọi người đứng tụm lại nói chuyện rồi chỉ tay về phía bờ biển, cứ nghĩ họ đang tính chụp hình gì đó, ai có biết đi dọn rác” - chị Tịnh nói.
Sau giây phút bất ngờ, một vài người dân cũng xuống cào rác dồn lại cùng với đoàn du khách của Công ty lữ hành quốc tế Oxalis, số khác mang thau, thùng ra cho đoàn gom rác đổ vào khi thấy hàng trăm túi nilông dùng để đựng rác hết sạch trong khi công việc vẫn đang tiếp tục.
Chú Mười, sống gần Cồn Vĩnh (cạnh điểm du lịch Cổng Tò Vò), xuống cào rác cho biết: “Lâu nay dân mình chỉ đổ rác xuống biển chứ chưa có chuyện dọn rác, nay thấy mấy cháu không sống ở đảo mà đến dọn rác giùm tụi tui nên mình xuống làm cho vui. Định tới hỏi sao ra đây không đi chơi mà lại dọn rác nhưng ngại quá nên tui im luôn”.
Bao rác quá nặng, phải cần ba thanh niên mới chuyển lên được tới bờ - Ảnh: T.Mai |
“Chung tay vì một Lý Sơn xanh sạch”
Câu khẩu hiệu được treo lên ngay lối đi ra chùa Đục khiến nhiều du khách đến đảo tò mò. Họ đứng lại xem những chiếc áo xanh bới hết lớp rác này đến lớp khác bỏ vào bao cùng nhau bê lên bờ bỏ vào xe rác. Thấy công việc của những người là du khách như mình, trước khi rời khỏi điểm du lịch nhiều du khách dọn sạch rác mang đi đã tạo thêm động lực cho các “du khách dọn rác”. Những nụ cười tươi hiện lên trên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi.
Anh Nguyễn Châu Mỹ, phó giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Oxalis, cho biết lúc đầu ý định của công ty là cho nhân viên đi Lào du lịch, nghỉ ngơi trước khi trở về làm việc. Khi nghe phía Công ty Viet Mark đưa ra chương trình du lịch Lý Sơn kết hợp nhổ cỏ hành tỏi cùng người dân và dọn rác ở đảo đã “hút” đoàn.
“Chính vì thế thay vì đi Lào như dự tính ban đầu, chúng tôi quyết định đi Lý Sơn. Chúng tôi muốn tạo cho nhân viên trong công ty mình trách nhiệm với nơi mình đến du lịch. Không chỉ đến tham quan rồi ra về mà phải giữ lại cho nơi mình đến một môi trường sạch đẹp cho những du khách tới sau” - anh Mỹ chia sẻ.
Phần lớn đoàn khách mà Công ty Viet Mark dẫn ra Lý Sơn lần này có tuổi đời dưới 30, trước chuyến đi kết hợp du lịch và dọn rác ở Lý Sơn họ đã tự lên mạng Internet tìm hiểu về đảo Lý Sơn và tình hình rác thải tại quê hương Hải đội Hoàng Sa.
Anh Nguyễn Thành Đạt (23 tuổi, là nhân viên Công ty lữ hành quốc tế Oxalis) cho biết mình nhiều lần đưa du khách đi thám hiểm hang động Tú Làn, Sơn Đoòng..., trước khi đưa du khách trở về luôn dọn sạch rác. Vì vậy, khi tới Lý Sơn anh ngỡ ngàng: “Tôi không tin được một điểm du lịch nổi tiếng như Lý Sơn lại nhiều rác đến vậy. Vì vậy, tôi nghĩ từ người dân ở đây cho đến du khách, tất cả nên ý thức tự giác bảo vệ môi trường để giúp hòn đảo ngày một sạch đẹp hơn”.
Sau khi dọn rác, nhiều bạn trẻ đã đăng lên Facebook và nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn bè, đồng nghiệp với việc làm ý nghĩa này. Ai cũng muốn một lần được trải nghiệm “du lịch dọn rác”. Thậm chí có người đã liên hệ Công ty du lịch Viet Mark với mong muốn được tham gia tour tương tự mà công ty tổ chức, không chỉ với Lý Sơn mà còn nhiều hòn đảo khác trên cả nước.
Ông Đỗ Tuấn Anh, giám đốc Công ty du lịch Viet Mark, cho biết khi đưa ra ý tưởng thực hiện tour du lịch lạ này chỉ với mong muốn du khách và các công ty du lịch lữ hành chung tay làm sạch môi trường ở nơi mình đưa khách đến, người dân ý thức hơn với môi trường mình đang sống. Nếu tất cả cùng hành động một việc nhỏ là tự dọn lấy rác mình thải ra thì sẽ giúp các điểm đến ở khắp đất nước thu hút được nhiều du khách hơn.
“Làm du lịch không chỉ đưa khách đến tham quan mà còn chung tay bảo vệ môi trường ở các điểm đến. Có như thế du khách mới trở lại thêm ít nhất một lần nữa” - ông Tuấn Anh khẳng định. Sau tour du lịch độc đáo này, Công ty du lịch Viet Mark đang dự tính mở thêm nhiều tour tương tự.
Những ụ rác dọc bờ biển Lý Sơn dần được dọn sạch từ đôi tay của du khách - Ảnh: Trần Mai |
Giúp nâng cao ý thức người dân địa phương Bà Phạm Thị Hương, phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cảm thấy rất vui và bất ngờ khi có một nhóm du khách đến đảo không chỉ tham quan mà còn dọn dẹp môi trường quanh đảo. Việc làm này hi vọng sẽ nâng cao ý thức của người dân lẫn du khách cùng chung tay giữ gìn một Lý Sơn sạch đẹp. Cùng chung quan điểm ấy, ông Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở VH-TT&DL, cho rằng một đoàn du khách dọn rác mà nhiều đoàn khác và người dân cùng xả ra thì không thể làm cho Lý Sơn sạch đẹp được. Nhưng tour du lịch kết hợp dọn rác mà đoàn du khách Oxalis vừa làm sẽ nâng cao ý thức của người dân ở đảo, du khách đến tham quan. |
* Ông NGUYỄN QUỐC KỲ (tổng giám đốc Vietravel): Cần khuyến khích loại hình du lịch dọn rác Chúng tôi từng tổ chức các hình thức du lịch kết hợp cho du khách dọn dẹp môi trường tại địa phương. Vừa rồi công ty tổ chức chương trình teambuilding cho cán bộ nhân viên của các văn phòng toàn quốc tại Nha Trang kết hợp dọn dẹp môi trường bờ biển. Ngay cả bãi biển Nha Trang, nơi có đội dọn dẹp rác bãi biển, nhưng chúng tôi vẫn thu dọn được mấy bao tải rác thải, điều này chứng tỏ rác tồn tại mọi nơi, đặc biệt là các điểm du lịch. Cần khuyến khích loại hình du lịch này để phát huy sự quan tâm đến bảo vệ môi trường của không chỉ du khách mà còn là nhận thức của người dân địa phương. Môi trường sạch sẽ thì chẳng những người dân địa phương hưởng lợi về mặt vệ sinh môi trường mà còn gián tiếp tạo ra công ăn việc làm, thu nhập khi du khách đến ngày càng đông. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận