09/01/2017 11:00 GMT+7

Chọn cách 'chơi tết' giữa bao thay đổi mạnh hiện nay

PHẠM VŨ - NHƯ BÌNH thực hiện
PHẠM VŨ - NHƯ BÌNH thực hiện

TTO - Đang có những thay đổi khá mạnh mẽ trong cách chuẩn bị tết để ăn tết, nghỉ tết, chơi tết, thể hiện ở những giỏ hàng được lựa chọn trong siêu thị hay kế hoạch sử dụng những ngày nghỉ tết, lựa chọn điểm du xuân...

Khách tìm hiểu tour du xuân trong dịp tết 2017 tại một công ty du lịch ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Khách tìm hiểu tour du xuân trong dịp tết 2017 tại một công ty du lịch ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Những giá trị tết nào đang được giữ gìn trong sự dịch chuyển ấy? Tuổi Trẻ đã trò chuyện với những người tham gia tổ chức việc ăn tết, nghỉ tết, chơi tết về vấn đề này.

Giỏ quà tết ấm hơn

Ông Nguyễn Anh Đức (phó tổng giám đốc Saigon Co.op) - Ảnh: NVCC
Ông Nguyễn Anh Đức (phó tổng giám đốc Saigon Co.op) - Ảnh: NVCC

* Những ngày này chắc hẳn việc mua sắm, chuẩn bị tết đã bắt đầu rộn rịp. Trong lĩnh vực của mình, các thông tin thu thập từ khách hàng có gì mới so với năm trước?

- Xu hướng mua sắm tết đúng là đang có nhiều dịch chuyển. Nhu cầu mua sắm tết vẫn gia tăng qua mỗi năm vì quan niệm ngày đầu năm mới phải được đầy đủ, sung túc trong tâm thức người Việt, tuy nhiên tâm lý tích trữ những mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, đường, muối, gạo đã giảm đi rất nhiều. Ngay từ đầu tháng chạp, nhiều người đã bắt đầu mua sắm hàng tết chứ không chờ đến hai tuần cuối cùng như trước. Cũng vì thế, các siêu thị bán lẻ của chúng tôi chỉ nghỉ đúng một ngày đầu năm, sau đó mở bán lại ngay.

* Mấy ngày gần đây dư luận nhắc nhiều đến chuyện quà biếu tết. Đo lường về nhóm hàng này tại siêu thị ra sao?

- Vẫn là nhóm hàng sôi động nhất, nhưng đã có nhiều biến đổi. Với chủ trương không nhận quà tết của Chính phủ, lượng đặt hàng giỏ quà tặng cho cơ quan, chính quyền đã giảm ngay lập tức, thay vào đó là các yêu cầu thiết kế giỏ quà tết tặng người thân, gia đình... Rất nhiều đơn hàng giỏ quà tết được khách đặt từ TP.HCM gửi về biếu tặng người thân ở các tỉnh. Các món quà được lựa chọn không còn là các món xa xỉ mà là các mặt hàng thiết thực, giá trị không cao lắm nhưng thực tế, đầm ấm, chân tình.

* Đến một số siêu thị, chúng tôi nhận thấy đang có nhiều người chọn mua những mặt hàng thiết yếu với số lượng rất nhiều để phục vụ công tác xã hội, từ thiện...

- Chúng tôi cũng nhận thấy điều khá thú vị này. Trước đây những đơn đặt hàng số lượng lớn để gửi tặng các tổ chức xã hội thường đến từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhưng năm nay người mua là cá nhân, nhóm riêng lẻ nhiều hơn. Chúng tôi nhận ra vì khách hàng không yêu cầu xuất hóa đơn, lựa chọn rất kỹ từng món, chủng loại lựa chọn phong phú và số lượng không đều. Với khách hàng này, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ phí giao hàng, phí gói quà để khách có thể tăng thêm phần quà tặng, cũng là tăng thêm nhiều niềm vui.

* Đến siêu thị hiện giờ đã có thể “mua hẳn một cái tết”, từ bánh chưng, củ kiệu đến nồi thịt kho hột vịt... Nhiều người than phiền việc cái gì cũng làm sẵn này đã khiến không khí “ăn tết” mai một. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

- Chúng tôi ngày càng đưa nhiều món làm sẵn lên kệ hàng chính từ nhu cầu của bà nội trợ. Ngày xưa, thời gian chuẩn bị cho “ăn tết” quá nhiều, không khí tết quanh quẩn đậm đặc trong gian bếp. Nay đa số các bà nội trợ muốn ngày tết có thời gian nhiều hơn cho cha mẹ, con cái, hoạt động xã hội, và cả dành thời gian để chính mình vui chơi, giải trí, thư giãn.

Theo tôi, điều này không giảm giá trị truyền thống của tết mà là sự biến đổi để thích ứng với cuộc sống hiện đại, bận rộn hơn. Thay cho vào bếp, cả nhà có thể cùng nhau du xuân, cùng đến thăm những người kém may mắn. Thay cho việc xúm nhau thức đêm canh lửa nồi bánh chưng, cả xóm có thể cùng làm một bữa tiệc...

Giá trị tết vẫn còn cốt lõi của nó: hướng về gia đình và cội nguồn.

Ngày tết đi xa

Ông Nguyễn Quốc Kỳ (tổng giám đốc Vietravel) - Ảnh: V.Thảo
Ông Nguyễn Quốc Kỳ (tổng giám đốc Vietravel) - Ảnh: V.Thảo

* Nhu cầu du lịch dịp tết có còn mạnh mẽ không, qua đo lường trên khách hàng của Vietravel?

- Nhìn vào các tour đã được đặt, tết này người Việt Nam mình đi nhiều hơn và đi xa hơn, sự dịch chuyển vùng miền khá rõ nét. Người miền Bắc thích chọn tour đi biển miền Trung hoặc miền Nam như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc; ngược lại, người miền Nam lại có xu hướng chọn Phan Thiết, Quy Nhơn làm điểm du xuân.

Ở tour nước ngoài, tăng mạnh nhất là các tour thuộc dạng cao cấp như Dubai, Nhật, Hàn Quốc, càng xa tăng trưởng lượng khách càng mạnh như thị trường Mỹ, châu Âu, Úc... Những tuyến ngắn đi Singapore hay Hong Kong... vẫn duy trì được lượng khách ổn định.

Thời gian gần đây chúng tôi cũng bán được nhiều tour đi nước ngoài trước tết, hay còn gọi “tour trốn tết” mà khách hàng thường ở độ tuổi 28-35, độc thân, đặt đi cá nhân hoặc hai người. Theo cách đón tết này, đang có sự phân hóa mạnh trong cách đón tết của người Việt. Nhu cầu du lịch đang được người dân chấp nhận chi tiêu cao hơn, nhất là trong dịp tết, là một dấu hiệu đáng mừng của sự cởi mở, thay đổi cuộc sống theo hướng hiện đại.

* Nhu cầu về quê đón tết như vậy là không còn mạnh mẽ nữa?

- Có lẽ là không còn mạnh ở một số nhóm, tùy theo công việc, thu nhập. Ví dụ như các bạn trẻ làm văn phòng, có thu nhập tốt thì hiện có xu hướng chọn đi du lịch ngày tết hơn là về quê. Có thể họ đã có nhiều dịp về quê trong năm nhờ điều kiện đi lại thuận lợi.

Nếu như chúng ta có nhiều cách diễn đạt và lựa chọn như: ăn tết, nghỉ tết, chơi tết, hưởng tết thì theo tôi, “chơi tết” là hay hơn cả, vì trong “chơi tết” có bao gồm cả ăn, cả đi lại và cả cảm xúc hưởng tết

Ông Nguyễn Quốc Kỳ (tổng giám đốc Vietravel)

Ngày trước cách đón Tết Nguyên đán của người Việt mang tính co cụm, chơi tết có nghĩa là đi thăm và chúc tết bà con loanh quanh xóm, hay những người trong gia đình, huyết thống. Từ mấy năm nay đã khác, chơi tết là đi chơi, đi xa.

Sự điều chỉnh khá nhanh, mạnh và bền vững này từ chỉ là một cú hích sẽ dần tạo được nền tảng phát triển ngành dịch vụ một cách chuyên nghiệp hơn.

* Theo ông, vì sao lại có sự điều chỉnh “nhanh, mạnh và bền vững” như vậy?

- Đó là quá trình tất yếu của hội nhập, khi đời sống kinh tế của người dân được nâng cao, nhu cầu rộng mở ngoài việc ăn ngon mặc đẹp, và cũng có tác động bởi những chia sẻ về điểm đến mới trên mạng xã hội, thói quen lướt web, tìm kiếm thông tin của các bạn trẻ.

Nhóm khách hàng trẻ này phát triển nhanh, ngày càng đông và trải dài, rộng trên nhiều vùng chứ không còn tập trung ở những tỉnh thành trọng điểm có kinh tế phát triển hay nhóm trí thức, thu nhập cao, làm việc với nước ngoài nữa. Chúng tôi có rất nhiều đoàn khách là các gia đình đến ba thế hệ hoặc những nhóm gia đình trong cùng cơ quan, bạn bè cùng hẹn nhau đi chơi dịp tết.

* “Chơi tết” theo cách mới, hiện đại này sẽ làm những giá trị nào của tết thay đổi?

- Hằng năm, tiếp xúc với khách hàng, theo dõi sự đa dạng các cách “chơi tết” của người Việt mình thay đổi qua các thế hệ, và cả những người nước ngoài đón tết ở Việt Nam đem lại rất nhiều cảm xúc thú vị. Các bạn trẻ có cuộc sống độc lập đang có xu hướng ra ngoài chơi tết, đồng thời những người Việt ở nước ngoài chọn về Việt Nam đón tết ngày càng nhiều.

Điều đó khẳng định điều mà ai cũng biết là càng lớn tuổi, khát khao “lá rụng về cội”, trở về với nơi sinh ra, lớn lên, trở về nguyên bản của con người càng cao.

Giá trị gia đình, quê hương là chưa bao giờ thay đổi, chỉ có thể biến sắc đi mỗi lúc. Tuy nói vậy nhưng để nhận thức và nuôi dưỡng được những giá trị đó còn phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục thuở còn thơ, nền tảng văn hóa gia đình, truyền thống.

Vậy nên, tìm cách tổ chức một cái tết vừa hiện đại vừa truyền thống, hoặc “chơi tết” xen kẽ: năm đi du lịch, năm về quê, ở nhà... theo tôi là hợp lý.

May cái áo làm quà tết cho người nghèo

Ngày 8-1, chương trình “Lắng nghe và trao đổi” số đầu tiên năm 2017 đã diễn ra với chủ đề “Tết Đinh Dậu 2017: an toàn - tiết kiệm - hạnh phúc”. Chương trình do HĐND TP.HCM phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM tổ chức.

Tham gia chương trình, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết mong muốn của lãnh đạo TP là tất cả người nghèo đều có tết. Bên cạnh những chế độ, chính sách và phần chăm lo của TP, ông Tuyến đề nghị các địa phương, đoàn thể, ban ngành thay vì chỉ chăm lo bằng tiền thì hãy quan tâm để có những việc làm tình nghĩa mang ý nghĩa nhân văn.

“Chẳng hạn chúng ta có thể đến thăm, đóng cho người nghèo bàn thờ để cúng gia tiên. Chị em hội phụ nữ kho giúp nồi thịt, hầm nồi khổ qua để tặng cho hộ nghèo phải vất vả mưu sinh không kịp lo tết. Thay vì đem cho mấy trăm ngàn đồng, các bạn đoàn viên thanh niên có thể đến tận nhà lấy số đo để may cái áo mới, mua đôi giày mới cho trẻ em nghèo. Như vậy cái tết của người nghèo sẽ ấm áp, thấm đượm nghĩa tình hơn” - ông Tuyến gợi mở.

MAI HƯƠNG

* MC Xuân Hiếu (32 tuổi, mẹ của ba con nhỏ)Thích không khí tết bận rộn ở nhà 

Trong những ngày tết tôi thích tự mình trang hoàng nhà cửa, chăm sóc cây cảnh, hay làm một số món ăn, mứt truyền thống, trong đó mứt gừng là món tôi có thể tự tin làm nhất... Đó là cách để tận hưởng không khí tết rất thú vị.

Trong tâm thức, tôi luôn cho rằng tết là thời điểm sum họp gia đình và cố gắng chăm sóc tổ ấm của mình luôn ấm cúng, đầy đủ. Theo truyền thống gia đình, 30 tết chúng tôi sẽ cúng đón ông bà về ăn tết, mùng 1 tết cúng chay, mùng 2 cúng ông Thần Tài, sau khi cúng tiễn ông bà, cả gia đình mới yên tâm để về quê chúc tết hai họ.

Cuộc sống bây giờ cởi mở hơn, hiện đại hơn, nhiều gia đình trẻ, bạn bè xung quanh tôi chọn nhiều cách đón tết khác nhau. Đối với tôi, nhiều thế hệ cùng đi du lịch, đi chơi xa cũng là một cách đón tết sum vầy nhưng tôi vẫn thích một không khí bận rộn trong ba ngày tết ở nhà.

* Nguyễn Thị Đăng Khanh (33 tuổi, Mapletree Việt Nam): Cân bằng giữa truyền thống và hiện đại 

Hiện nay rất nhiều bạn bè, gia đình trẻ thích du lịch xa vào những ngày tết, có vẻ như họ muốn “trốn tết”. Đa số đồng nghiệp trẻ trong công ty tôi đều tranh thủ đặt vé máy bay từ sớm để tết có thể thỏa thích du ngoạn mua sắm, tránh xa những vất vả cực nhọc khi chuẩn bị tết truyền thống ở quê nhà.

Có thể nhận thấy những bạn có con nhỏ thì phần lớn muốn tranh thủ về thăm ông bà. Nếu quê xa thì họ tranh thủ về sớm. Cá nhân tôi luôn cố gắng cân bằng giữa truyền thống và hiện đại. Tôi vẫn thích đón không khí tết truyền thống, cùng các bé dọn dẹp nhà cửa, bày mâm bánh mứt, giúp con biết ý nghĩa của ngày tết. Cả gia đình đón giao thừa ở nhà, mùng 1 đi chùa, chúc tết ông bà. Mùng 2 tết trở đi sẽ dẫn các bé đi du lịch.

N.Bình ghi

PHẠM VŨ - NHƯ BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên