Du khách nước ngoài tham quan chợ đêm Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hiện hầu hết các tour trong nước sẽ tăng chuyến để phục vụ nhu cầu du khách đăng ký cho dịp 30-4 và 1-5 cũng như tour hè, hứa hẹn du lịch nội địa có thể hồi phục bằng về mức trước dịch COVID-19.
Tuy vậy, các hãng lữ hành vẫn chờ... khách quốc tế.
Khách nội đã sẵn sàng
Tại Lữ hành Saigontourist, bà Đoàn Thị Thanh Trà, giám đốc tiếp thị, truyền thông, cho biết khối lượng công việc của các bộ phận trực tiếp và gián tiếp tăng lên rất nhiều để đáp ứng nhu cầu của du khách trong những ngày qua.
Bà Trần Thị Bảo Thu, giám đốc tiếp thị, truyền thông Lữ hành Fiditour - Vietlux, cũng cho biết sau mỗi đợt cao điểm dịch COVID-19 nhu cầu của du khách tăng trở lại, trước tiên với thị trường tour nhóm từ 2 đến dưới 10 khách với các nhu cầu đa dạng từ tour trọn gói đến F&E, tour tự chọn hoặc các dịch vụ đặt phòng khách sạn, vé máy bay, thuê ôtô...
Thị trường khách MICE cũng "nóng" hơn với các hợp đồng khách đoàn lớn, doanh số từ 1 tỉ đồng/đoàn khá nhiều.
Vừa trở về từ sự kiện ở Phú Quốc với đoàn khách hơn 400 người, ông Nguyễn Minh Mẫn - giám đốc tiếp thị, truyền thông Công ty TST tourist - cho biết so với cùng kỳ năm 2020, lượng khách có sự tăng trưởng tốt.
Tổng số khách đặt tour tại hãng trong tháng 4 đạt gần 3.000 khách, tháng 5 đã nhận gần 1.000 khách. Đa số khách hàng trong thời điểm hiện nay là đoàn khách doanh nghiệp tổ chức chương trình tour nghỉ dưỡng kết hợp hội nghị, team building, gala dinner; số lượng còn lại là khách lẻ và nhóm gia đình đăng ký tour trọn gói và các dịch vụ chiếm tỉ lệ 30%.
Theo các doanh nghiệp, nhu cầu và xu hướng chọn điểm đến của du khách luôn có sự thay đổi sau mỗi đợt dịch vụ. Các tour được thiết kế hướng đến tính hợp lý về thời gian đi tour dành cho du khách trung bình từ 5 ngày trở lại, chất lượng dịch vụ từ 4 sao, sự hấp dẫn, mới lạ của điểm đến.
So với thời điểm trước dịch, giá dịch vụ hiện tại rất tốt, khách có xu hướng đặt tour từng phần nếu tính không kỹ thì có thể phát sinh nhiều chi phí hơn, do đó các doanh nghiệp vẫn khuyến khích khách cần lên kế hoạch cụ thể trước ngày khởi hành.
Ông Trần Trọng Kiên, chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch, cho biết đang có sự phục hồi về nhu cầu du lịch nội địa khi người Việt sẵn sàng đi du lịch trở lại. Khảo sát mới nhất của hội đồng này cho thấy có đến hơn 83% số người trả lời sẵn sàng đi du lịch ngay trong vòng 7 tháng tới, nhất là vào mùa hè 2021. Trong đó, hơn 72% lựa chọn đi du lịch bằng máy bay.
"Ngoài ưu tiên an toàn dịch bệnh và an ninh thì yếu tố khả năng tài chính có tác động lớn đến kế hoạch đi du lịch", ông Kiên nhận định.
Du khách đi cáp treo Hòn Thơm, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đông khách nội vẫn ngóng khách ngoại
Mặc dù thị trường nội địa đang khá sôi động, nhưng báo cáo "Đổi mới ngành du lịch: Việt Nam có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi như thế nào" vừa được Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company đưa ra cho thấy việc du khách nước ngoài không thể đến Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu ngành du lịch và nền kinh tế bởi nhóm này chi mạnh tay hơn hẳn so với du khách trong nước.
Năm 2019, ngành du lịch chiếm 12% GDP cả nước, lượng du khách quốc tế chỉ chiếm 17% nhưng lại chi hơn quá nửa: trung bình mỗi du khách nước ngoài chi 673 USD, trong khi du khách trong nước chỉ chi 61 USD.
Dù đã tạo được những "luồng gió mát" nhờ du lịch trong nước, Việt Nam vẫn sẽ phải phụ thuộc vào các thị trường quốc tế với tổng mức chi tiêu lên đến 12 tỉ USD.
Đại diện Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho rằng mở cửa một số thị trường khách quốc tế là điều cần thiết để khởi động lại thị trường khách du lịch quốc tế, tận dụng cơ hội điểm đến an toàn mà Việt Nam đã xây dựng thành công.
"Việc mở cửa cho khách quốc tế theo hình thức "hộ chiếu vắcxin" đảm bảo an toàn sức khỏe, tuân thủ các yêu cầu về tiêm chủng, kết quả xét nghiệm âm tính... sẽ tạo bước đệm cho du lịch hồi sinh" - đại diện Hiệp hội Du lịch TP.HCM bày tỏ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng đề xuất việc mở cửa chỉ nên tổ chức thí điểm, chọn những nơi dễ kiểm soát, xa trung tâm chứ không nên mở cửa dồn dập. Có thể thí điểm bằng các chuyến bay charter đưa khách đến khu nghỉ dưỡng và khách tận hưởng kỳ nghỉ ở đó, hạn chế đi lại nhiều điểm, nhân viên phục vụ được ưu tiên tiêm vắcxin...
Các chuyên gia của McKinsey & Company cho rằng ngành du lịch Việt Nam có thể phục hồi vào năm 2024 nếu áp dụng nguyên tắc "không ca nhiễm" và đóng góp của du lịch quốc tế.
Về lộ trình mở cửa, McKinsey & Company cho rằng phần lớn du khách quốc tế đến Việt Nam từ các nước châu Á, trong đó khách Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan chiếm khoảng 80% tổng chi tiêu của du khách quốc tế. Do đó, hợp tác kinh tế chặt chẽ với các nước này sẽ giúp Việt Nam phục hồi du lịch nhanh hơn so với các nước châu Âu và Bắc Mỹ.
Trong cuộc họp gần đây về triển khai du lịch an toàn, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, phó tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, cho biết Chính phủ đang có những nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng đảm bảo mở cửa an toàn cho cả du khách lẫn người dân nơi đón khách. Trong lúc này, Việt Nam cũng cần đưa thông điệp cho bạn bè thế giới biết về một điểm đến an toàn đang sẵn sàng chào đón khách như thế nào.
"Trong thời điểm dịch tạm lắng, cơ quan xúc tiến du lịch các nước gần Việt Nam đã liên lạc với doanh nghiệp đưa thông điệp rất rõ ràng. Việt Nam cần phải nhanh hơn nữa trong chuyển tải thông điệp ra thế giới" - bà Hoàng nói, đồng thời cho rằng với "hộ chiếu vắcxin", du lịch Việt Nam có thể tham gia trao đổi khách hai chiều với quốc gia có khả năng về an toàn chống dịch.
"Hộ chiếu vắcxin" - hướng đến du lịch an toàn
Có thể nói câu chuyện "hộ chiếu vắcxin" hiện đang là chủ đề "nóng" hơn bao giờ hết tại các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các địa phương, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng "hộ chiếu vắcxin" và giao thương có sự kiểm soát.
Với mong muốn tiếp nhận thông tin đa chiều về việc áp dụng "hộ chiếu vắcxin", đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch an toàn, phát triển kinh tế, báo Tuổi Trẻ tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Hộ chiếu vắcxin - Giải pháp hướng đến du lịch an toàn" vào hôm nay 25-3 tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Tổng cục Du lịch, TP Phú Quốc, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cùng các doanh nghiệp ngành hàng không, du lịch, dịch vụ, lữ hành...
A.Đ. - T.Trí
Đảo Phuket sẽ miễn cách ly cho du khách
Đảo Phuket sẽ đệ trình kế hoạch tái mở cửa cho du lịch lên Trung tâm Quản lý tình hình kinh tế (CESA) Thái Lan vào ngày 26-3. Theo đó, Phuket muốn miễn cách ly cho du khách đã được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 vào tháng 7 năm nay.
Cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan Yuthasak Supasorn cho biết kế hoạch của Phuket sẽ phụ thuộc phần lớn vào tiến độ tiêm vắcxin, vì cần phải đạt miễn dịch cộng đồng bằng cách tiêm vắcxin cho 70% dân số trước khi cho phép du khách nước ngoài tới tham quan. Theo Bangkok Post, Phuket cần tiêm chủng cho ít nhất 466.587 người, cần 933.174 liều vắcxin. Để đạt được mục tiêu miễn dịch vào tháng 7, Phuket sẽ bắt đầu đợt tiêm chủng đầu tiên vào ngày 15-4 và đợt thứ 2 là từ ngày 15-5.
Du khách tới Phuket khi đó phải xuất trình "hộ chiếu vắcxin" (hoặc dùng ứng dụng Travel Pass của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế - IATA). Tuy nhiên, du khách vẫn phải xét nghiệm PCR ở sân bay và kích hoạt ứng dụng truy vết ThailandPlus khi ở Phuket. Theo ông Bhummikitti Raktaengamm, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phuket, kế hoạch nói trên có thể mang lại 84,3 tỉ baht (hơn 6.000 tỉ đồng) cho hòn đảo.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Hàng không Thái Lan (AAT) cho biết cần phải tiêm vắcxin COVID-19 cho nhân viên hàng không trong 2 tháng tới nhằm đáp ứng kế hoạch hoạt động trở lại vào tháng 7 của Phuket. AAT cũng đang xem xét thử nghiệm ứng dụng "hộ chiếu vắcxin" của IATA.
MINH KHÔI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận