Du khách đi bè tre ở suối Xia, Mai Hịch, Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) - Ảnh: NVM
Dù khoa học kỹ thuật công nghệ phát triển tới đâu và cuộc sống hiện đại cách mấy, trong sâu thẳm mỗi con người thì thiên nhiên vẫn là cội nguồn, máu thịt.
Các đô thị thế giới đều có nhiều nét tương đồng về kiến trúc, nhịp sống. Nông thôn khác biệt và hấp dẫn vì đời sống nông thôn tạo nên bản sắc văn hóa rõ nét nhất của từng dân tộc. Đa số tài nguyên du lịch hiện ở nông thôn và gắn với nông nghiệp - từ rừng, núi, sông, hồ cho đến sản xuất và các làng nghề, kể cả nhiều đền đài, di tích cổ.
Dân phố thị thiếu không gian, khát cây xanh và nhiều thứ tự nhiên khác, chỉ nông thôn mới đáp ứng được. Người Việt ở quê nơi nào cũng chân tình, cởi mở, hiếu khách với nụ cười đôn hậu, sẵn sàng mời khách vào nhà nghỉ chân, uống nước với cây nhà lá vườn. Đây là nguồn tài nguyên nhân văn du lịch vô giá cần được giữ gìn, không để mai một. Tiếc là lâu nay du lịch Việt Nam cứ quẩn quanh các đô thị, nhất là đô thị ven biển.
Du lịch nông thôn - nông nghiệp vì vậy "tài" nhiều nhưng còn "nguyên".
Các tỉnh thành Việt Nam không thiếu tài nguyên du lịch, tiếc là nhiều địa phương chưa nhìn ra. Phổ biến là chưa biết cách khai thác, tận dụng. Một phần do thiếu toàn tâm toàn ý vì tư duy ngắn hạn, theo phong trào, thậm chí theo nhiệm kỳ. Có cả tự tin quá lố và cả tự ti thái quá.
Đại dịch COVID-19 càng khẳng định xu thế tất yếu của loại hình du lịch nông thôn. Đáng mừng. Các địa phương đang rất quan tâm nhưng lúng túng, mỗi nơi hiểu một cách, có nơi nôn nóng làm kiểu phong trào.
Hiện có ba hình thái của du lịch nông thôn. Thứ nhất, doanh nghiệp đầu tư du lịch ở nông thôn với các khu nghỉ dưỡng, lưu trú từ trung đến cao cấp với kiến trúc và không gian phù hợp, khác biệt với du lịch đô thị. Các hộ dân có thể cùng doanh nghiệp tham gia đầu tư các dịch vụ vệ tinh, làm du lịch cộng đồng.
Thứ hai, hộ nông dân làm du lịch với các homestay được gắn mác "du lịch cộng đồng" và hoạt động riêng lẻ, cá thể.
Thứ ba là kiểu bản, làng làm du lịch. Đây mới là du lịch cộng đồng đích thực. Tính cộng đồng được thể hiện qua liên kết các hộ gia đình, lập hợp tác xã; cả bản, làng cùng tham gia, cùng chia sẻ lợi nhuận, không tập trung vào hộ gia đình nào.
Hình thái nào cũng góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới, nhất là các bản làng du lịch. Kiến trúc du lịch nông thôn cần có bản sắc vùng miền, dân tộc, tuyệt đối tránh bê tông hóa và cấm các khối nhà tầng.
Trong Bộ TCVN 13250 về du lịch cộng đồng, do Bộ Khoa học Công nghệ ban hành ngày 31-12-2020, chỉ định nghĩa vắn tắt thuật ngữ du lịch cộng đồng chứ không nói gì tới du lịch nông thôn với các hình thái đầu tư và loại hình lưu trú. Việc này cần được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng ngồi lại để thống nhất bằng văn bản theo luật định.
Du lịch nông thôn chưa hề được quan tâm trong đào tạo, từ giáo viên, giáo trình đến chuyên đề, ngoại khóa. Cần có những quy chuẩn cho từng loại hình để doanh nghiệp và người dân lựa chọn.
Quan trọng và cấp bách hơn là có chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân tham gia. Thay việc tặng vật dụng, tiền trực tiếp để mua sắm hay xây dựng như lâu nay bằng hỗ trợ vay ưu đãi để đầu tư và tặng gói tư vấn miễn phí.
Bạn làm được, mình tại sao không?
Việc đầu tiên là thay đổi tư duy du lịch, từ lãnh đạo đến người dân. Không thể ăn xổi hoặc "thấy người ta ăn khoai là vác mai đi đào". Làm gì cũng phải học từ thực tiễn. Du lịch kiểu nào cũng là làm kinh tế nên việc thu hồi vốn và có lời, theo luật định.
Việc tham quan, học tập các mô hình là bắt buộc vì "trăm nghe không bằng một thấy". Gặp gỡ trao đổi với các chủ nhân những mô hình hiệu quả để tạo niềm tin, truyền cảm hứng, vận dụng sáng tạo. Cũng cần tìm hiểu các mô hình thất bại để tránh vết xe đổ.
"Vạn sự khởi đầu nan", nhưng nhiều người khó khăn hơn đã làm được. Nước bạn, tỉnh bạn làm được thì mình tại sao không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận