12/11/2024 14:46 GMT+7

Du lịch Mũi Né 'nhức nhối' với mùi hôi, ruồi nhặng từ phơi cá cơm

“Xung đột” giữa nghề phơi cá cơm truyền thống của người dân với ngành du lịch kinh tế mũi nhọn đang là câu chuyện nan giải ở vùng biển Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Du lịch Mũi Né 'nhức nhối' với mùi hôi, ruồi nhặng từ phơi cá cơm - Ảnh 1.

Một lò hấp, phơi cá cơm cạnh một công trình du lịch đang xây dựng ở phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

Đặc thù vùng biển, du lịch ra sao?

Nhiều resort, cơ sở du lịch ở khu vực đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Mũi Né, TP Phan Thiết đang "đau đầu" vì nghề phơi cá cơm của người dân địa phương gây ra mùi hôi khó chịu và ruồi nhặng bủa vây.

Theo đại diện một resort 5 sao ở đường Nguyễn Hữu Thọ, tình trạng trên đã diễn ra từ lâu nhưng đến nay chưa giải quyết được, nhất là mùa vụ cá nam (kéo dài khoảng tháng 5 đến tháng 11 hằng năm - PV). Du khách đến nghỉ dưỡng, nhất là khách quốc tế, khó chịu với chuyện ruồi nhặng lúc ăn uống.

Để đối phó với tình trạng trên, nhiều cơ sở du lịch thường xuyên phun thuốc diệt ruồi nhưng không xuể. Họ chấp nhận tốn thêm chi phí đưa du khách vào bên trong nhà hàng, đóng kín cửa để dùng bữa.

"Nếu như mùi hôi của cá có thể chấp nhận được phần nào vì là đặc thù vùng biển, nhưng ruồi nhặng khiến du khách rất khó chịu khi ăn uống, làm mất hình ảnh du lịch địa phương rõ rệt", đại diện một resort ở Mũi Né cho biết.

Du lịch Mũi Né “nhức nhối” với mùi hôi, ruồi nhặng từ phơi cá cơm - Ảnh 2.

Người dân phơi cá ra đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Mũi Né, TP Phan Thiết, Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

Nghề phơi cá cơm có từ lâu đời

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Quốc Bảo - phó chủ tịch UBND phường Mũi Né, thừa nhận "xung đột" trên đang là câu chuyện nhức nhối.

Theo ông, nghề phơi cá cơm của ngư dân địa phương có từ lâu đời, trước khi có ngành du lịch và là nồi cơm manh áo của bao thế hệ. Còn nghề du lịch phát triển sau này nhưng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo ra giá trị lớn.

Nghề phơi cá cơm thường diễn ra nhiều nhất ở vụ cá nam, trùng với mùa du lịch hè, nhất là ở bãi sau Mũi Né.

"Mùi của nước làm cá, nhất là để qua ngày hôi nồng nặc. Từ đó sinh ra ruồi nhặng. Chúng tôi đã nhiều lần xử phạt các cơ sở phơi cá cơm vì xả nước thải ra môi trường chưa qua xử lý", ông Bảo cho biết.

Ông cũng thừa nhận các cơ sở phơi cá cơm rất khó để đảm bảo được các tiêu chí môi trường như hiện nay. Theo ông, giải pháp duy nhất là Nhà nước quy hoạch nghề phơi cá cơm một khu vực riêng biệt, tránh xa khu dân cư và có hệ thống xử lý nước thải.

"Nhưng hiện giờ chưa có quy hoạch đất đai nào đáp ứng được việc đó. Người dân địa phương tiếp tục nghề truyền thống tại chỗ", ông Bảo nói tiếp.

Cũng theo ông, nghề phơi cá cơm cũng có một phần kích cầu du lịch khi tạo ra sản phẩm mới, tò mò cho du khách, nhất là khách quốc tế. Ngược lại, khi du lịch phát triển thì các sản phẩm của ngư dân địa phương tăng giá trị, đời sống nâng lên.

Tuy nhiên, để giải quyết được mùi hôi và ruồi nhặng từ nghề phơi cá cơm đang là bài toán khó. Trong khi đó, du lịch được tỉnh Bình Thuận xác định là 1 trong 3 trụ cột kinh tế mũi nhọn của địa phương. Trong đó, phường Mũi Né nằm trong lõi Khu du lịch quốc gia Mũi Né.

Du lịch Mũi Né “nhức nhối” với mùi hôi, ruồi nhặng từ phơi cá cơm - Ảnh 3.Mũi Né dẹp lều bạt hàng rong sau phản ánh của du khách

Liên quan clip du khách quay phản ánh người bán hàng rong xả rác xuống biển, các lực lượng chức năng phường Mũi Né đã dẹp các lều bạt của những người bán hàng rong.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên