16/02/2019 17:21 GMT+7

Du lịch miền Trung-Tây Nguyên: Viên ngọc thô chưa có thợ mài dũa xứng đáng

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von tiềm năng du lịch của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên như vậy tại Hội nghị phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên tại TP Huế sáng 16-2.

Du lịch miền Trung-Tây Nguyên: Viên ngọc thô chưa có thợ mài dũa xứng đáng - Ảnh 1.

Hội nghị phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên diễn ra tại TP Huế sáng 16-2 - Ảnh: NHẬT LINH

Tài nguyên du lịch nhìn chung vẫn như viên ngọc thô chưa được mài dũa hoặc chưa tìm được người thợ mài dũa xứng đáng. Cần phải làm cho viên ngọc này sáng lên

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Hội nghị có sự tham dự của nhiều lãnh đạo bộ, ngành, các chuyên gia và đại diện 19 tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên để bàn luận, đưa ra giải pháp tháo gỡ các vấn đề còn tồn tại của du lịch vùng.

Khai thác theo kiểu "có gì dùng nấy"

Tại hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ - chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế - cho biết thế mạnh của du lịch miền Trung - Tây Nguyên là tiềm năng du lịch sinh thái biển, đảo, núi rừng với nhiều bãi biển đẳng cấp quốc tế và nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn.

Bên cạnh đó là thế mạnh về du lịch văn hóa với 14 di sản thế giới và 40 di tích quốc gia đặc biệt.

Trong năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến khu vực miền Trung và Tây Nguyên đạt 58 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế 9,5 triệu lượt), tổng doanh thu từ du lịch là 120.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên theo ông Thọ, dù đạt được những kết quả trên, nhưng du lịch miền Trung và Tây Nguyên thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng thông qua khai thác thô tài nguyên du lịch, sự phát triển của du lịch còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của khu vực.

Du lịch miền Trung-Tây Nguyên: Viên ngọc thô chưa có thợ mài dũa xứng đáng - Ảnh 3.

Tiềm năng du lịch miền Trung và Tây Nguyên như viên ngọc thô chưa được mài dũa - Ảnh: NHẬT LINH

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, thành viên của Tổ tư vấn Phát triển Vùng Duyên hải miền Trung - cho rằng nguyên nhân chính của thực trạng phát triển không tương xứng với tiềm năng - thực lực của du lịch Việt Nam là do sự lạc hậu của quy hoạch và chính sách đầu tư, phát triển ngành du lịch.

"Tài nguyên du lịch tự nhiên đang được khai thác theo cách 'tận khai' nhưng được coi là 'phát huy tốt nhất tiềm năng'. Thực chất của phương thức này là 'ăn sẵn', 'có gì dùng nấy'" - ông Thiên nói.

Theo ông Thiên, Chính phủ cần phải có thể chế và giao quyền cho Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm nhằm tạo sự liên kết, phát triển chung về du lịch. Như vậy mới tránh được tình trạng "mỗi tỉnh phát triển một kiểu, mạnh ai nấy chạy" như hiện nay.

Tài nguyên du lịch tự nhiên đang được khai thác theo cách "tận khai" nhưng được coi là "phát huy tốt nhất tiềm năng'" Thực chất của phương thức này là "ăn sẵn", "có gì dùng nấy"

PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN

Cần người thợ xứng tầm

Đồng ý với ý kiến trên, TS Trần Du Lịch - trưởng nhóm tư vấn liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung - đề nghị Tổng cục Du lịch chủ trì cùng các địa phương xây dựng cơ chế liên kết để hình thành các sản phẩm du lịch theo vùng.

Cụ thể, ở miền Trung là vùng phía bắc và phía nam. Theo ông Lịch, vùng du lịch phía bắc của miền Trung gồm có Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Phía Nam tính từ Bình Định đến Bình Thuận gắn liền với Tây Nguyên.

"Chính phủ không nên phân bố ngân sách đầu tư cho các địa phương theo kiểu 'mỗi nơi mỗi chút' mà nên phân bố cho vùng du lịch. Sử dụng ngân sách này như 'vốn mồi' để thu hút đầu tư tư nhân theo các dự án ưu tiên cho toàn vùng" - ông Lịch nói.

Du lịch miền Trung-Tây Nguyên: Viên ngọc thô chưa có thợ mài dũa xứng đáng - Ảnh 5.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: NHẬT LINH

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng con số trên 8,4 triệu lượt khách quốc tế đến và đi lại các địa phương trong vùng là con số rất ấn tượng, chiếm hơn một nửa so với cả nước.

Theo Thủ tướng, tiềm năng du lịch ở miền Trung và Tây Nguyên lớn nhất cả nước với nhiều bãi biển đẹp, nhiều di sản văn hóa... , tuy nhiên việc khai thác tiềm năng đó hiện vẫn chưa xứng tầm.

"Tài nguyên du lịch nhìn chung vẫn như viên ngọc thô chưa được mài dũa hoặc chưa tìm được người thợ mài dũa xứng đáng. Cần phải làm cho viên ngọc này sáng lên" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, tài nguyên dẫu có nhiều thế nào nhưng nếu không được khai thác đúng mực vẫn sẽ cạn kiệt. Trong khi các ý tưởng, sự sáng tạo là vô tận.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh miền Trung cần phát triển du lịch theo nguyên lý lấy cụm ngành du lịch làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm. Phải xử lý, không để nạn chặt chém, lừa đảo, chèo kéo du khách… làm mất hình ảnh con người và đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Thủ tướng chỉ đạo các ngành du lịch cần phải tập trung hơn nữa trong công tác đào tạo nhân lực, kêu gọi người tài, đặc biệt chú trọng ngoại ngữ và kỹ năng thực tế. Cần đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm du lịch, tạo sự đổi mới trong nội dung lẫn hình thức, níu chân du khách.

Hàng không thúc đẩy tăng trưởng du lịch vùng

Lắng nghe Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ những con số ấn tượng về việc mở các đường bay mới tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp hàng không trong việc phát triển du lịch ở khu vực này.

Thủ tướng cho rằng để phát triển du lịch cần phải mở cửa bầu trời, nâng cấp sân bay nhằm đón các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn nữa.

Đồng thời hi vọng lãnh đạo các địa phương nhanh chóng giải quyết những đề xuất của các chuyên gia và doanh nghiệp để thu hút đầu tư, quảng bá, làm đẹp hình ảnh du lịch của đất nước.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên