16/04/2022 20:11 GMT+7

'Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo': Coi tiền nhân đi phượt từ 80 năm trước

TRẦN MẶC
TRẦN MẶC

TTO - 'Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo' tập hợp 25 bài viết được chọn lọc từ Nam Kỳ tuần báo, ghi chép và phản ánh được phần nào cách sống, sinh hoạt và du lịch của tiền nhân... cách đây 80 năm.

Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo: Coi tiền nhân đi phượt từ 80 năm trước - Ảnh 1.

Tác giả Võ Văn Thành (trái) trò chuyện với độc giả về giá trị của du lịch - Ảnh: TRẦN MẶC

Tôi nghĩ cách du lịch tốt nhất hiện nay nên là du lịch chậm, nghĩa là đi chậm lại, có thời gian ngắm nhìn, thẩm thấu văn hóa địa phương nhiều hơn. Tôi thấy nhiều bạn trẻ đi du lịch rất nhanh, chụp hình rồi chụp hình, cuối cùng là chúng ta không hiểu được những địa danh, những đặc sắc văn hóa ở nơi mà ta từng đến. Như thế rất đáng tiếc. Chỉ cần chậm hơn một chút, chúng ta đã có thể am hiểu hơn.

Tác giả Võ Văn Thành

Buổi ra mắt sách diễn ra tại thư quán công viên Văn Lang (quận 5, TP.HCM) với sự tham dự của tác giả Võ Văn Thành và nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến.

Khi cha ông ta "đi phượt"

Nói về cơ duyên hình thành nên quyển sách, tác giả Võ Văn Thành chia sẻ: "Tôi cùng với Trần Thành Trung là đồng tác giả. Gốc của tôi là từ du lịch, sau khi biết ở Nam Kỳ có tờ tạp chí gọi là Nam Kỳ tuần báo thì đã tìm đọc. Chúng tôi thấy rất nhiều bài viết về du khảo, du lịch và một số bút ký - những tài liệu chúng tôi cho là rất quý.

Thích thú và tâm đắc với những tác giả của các bài báo đã xuất bản từ lâu nhưng lại không được nhiều người biết đến, thế là chúng tôi quyết định nhân đợt dịch bệnh mình sẽ cố gắng làm gì đó cho khán giả biết đến du lịch, du khảo của tiền nhân trước đây".

Võ Văn Thành và Trần Thành Trung bắt tay thực hiện quyển sách từ tháng 9-2020, nhưng vì lý do dịch bệnh mà quyển sách đến với độc giả chậm hơn một năm.

Trong quá trình sưu tầm và chú giải, hai tác giả cố gắng giữ nguyên giọng văn, từ ngữ, cách diễn đạt đương thời để truyền đạt đúng cảm xúc người viết.

Đến với buổi ra mắt, nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến dành nhiều lời khen ngợi quyển sách: "Quả thật đây là một quyển sách rất thú vị. Không thể ngờ được chúng ta có thể đồng hành, đi với người xưa cách đây 80 năm để đi chơi khắp lục tỉnh Nam Kỳ, rồi ra Trung, ra Bắc, qua Lào, Campuchia, cả nước Pháp nữa.

Tôi nghĩ tựa quyển sách còn hiền lành lắm, nếu đúng ra phải gọi là ‘Cùng đi chơi Việt Nam và thế giới cách đây 80 năm’.

Một điều lý thú ta thấy là, người xưa họ đi chơi, thưởng ngoạn không có tour gì hết cả. Ngày đó đâu có công ty du lịch đưa họ đi, họ tự đi bằng xe đạp, xe lôi, xe ngựa. Tinh thần đó giống như bạn trẻ ngày nay gọi là đi phượt.

Chỉ riêng phần Việt Nam thôi, đọc lại, so sánh với ngày nay, chúng ta cũng chưa biết nhiều, chưa tận hưởng nhiều, không chỉ thiên nhiên, mà còn là gia tài văn hóa lịch sử để lại".

Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo: Coi tiền nhân đi phượt từ 80 năm trước - Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến đánh giá cao những giá trị có trong quyển sách - Ảnh: TRẦN MẶC

Du lịch tốt nhất là du lịch chậm

Đọc Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo, độc giả được đọc những trải nghiệm về các chứng tích, địa chỉ lịch sử - văn hóa một thời; khám phá những phong tục, lễ hội dân gian của thế hệ trước.

Trong đó, không thể không kể đến những tác phẩm như: Những ngày dừng bước bên làng Tiên Điền - nơi thi hào Nguyễn Du gởi nắm xương tàn ngàn kiếp, do Vương Quý Lê viết; hay Chuyện lạ xứ Lào của Khuông Việt; Chuyện xứ Chàm vì nước quên mình của Nguyễn Thị Tố Lan…

Tuy nhiên, nếu chỉ đọc để thấy một giai đoạn thì sẽ thật tiếc cho những cố gắng của các tác giả. Bởi họ dày công sưu tầm và chú giải quyển sách này còn vì mục đích cho người đời sau hiểu được giá trị thực sự của du lịch.

Xét về lịch sử, Nam Kỳ tuần báo ra đời khá muộn (năm 1942) do Hồ Văn Trung, tức nhà văn Hồ Biểu Chánh, làm giám đốc, đặt dưới sự bảo trợ của người Pháp.

Tờ báo chỉ in được 85 số rồi đình bản, nhưng đã giới thiệu đến độc giả không ít bài viết có giá trị về du lịch, du khảo của các tác giả đương thời.

Nam Kỳ tuần báo còn cho ra đời hàng loạt những bài viết chất lượng về các nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông…

Ngày hội cho người đọc và người làm sách Ngày hội cho người đọc và người làm sách

TTO - Phố đi bộ Nguyễn Huệ và Đường sách TP.HCM là hai không gian chính tại TP.HCM chào mừng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần I, theo tinh thần quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 11-2021.

TRẦN MẶC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên