31/08/2019 14:39 GMT+7

Du lịch công nghiệp: Bao giờ cho đến tháng 10?

NGUYỄN VĂN MỸ
NGUYỄN VĂN MỸ

TTO - Du lịch công nghiệp (industry travel) là loại hình khá phổ biến ở các nước từ 3-4 thập kỷ trước nhưng còn mới mẻ ở Việt Nam. Du lịch công nghiệp chưa được lưu tâm từ trong suy nghĩ của nhiều chủ doanh nghiệp lẫn quản lý ngành du lịch.

Du lịch công nghiệp: Bao giờ cho đến tháng 10? - Ảnh 1.

Du khách tham quan tìm hiểu dây chuyền sản xuất và sản phẩm gốm sứ Minh Long - Ảnh: N.V.M.

Cần phân biệt khái niệm công nghiệp du lịch khi nói về sự chuyên nghiệp và kỹ nghệ kinh doanh của ngành du lịch và du lịch công nghiệp (industry travel) - một loại hình du lịch.

Tập trung cho hướng phát triển du lịch công nghiệp. Chậm còn hơn không. Biết đâu ta vẫn còn có thể “đi sau về trước” thiên hạ!

Vẫn bị xem nhẹ

Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam chưa có công nghiệp du lịch, chủ yếu là dịch vụ du lịch. Các loại hình du lịch văn hóa, thể thao, sinh thái, tâm linh và gần đây là nông nghiệp đang thi đua nở rộ thì du lịch công nghiệp vẫn chơi trò trốn tìm.

Thực tế một số nơi đã vận dụng tự tổ chức du lịch công nghiệp. Để kinh doanh và tuyên truyền như các thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Yaly (Kon Tum), để tiếp thị và bán sản phẩm như Trà Cầu Đất Farm (Lâm Đồng), Gốm sứ Minh Long (Bình Dương), Lâu đài rượu vang Sea Link (Bình Thuận)... Tương đối bài bản là Eco Farm Nam Hội An (Quảng Nam) và các Eco Farm của Vingroup.

Tuy vậy, trong báo cáo tổng kết của ngành du lịch, từ trung ương đến địa phương không hề có loại hình du lịch công nghiệp. Nội dung này trước nay cũng chưa được đưa vào chương trình đào tạo du lịch từ trung cấp đến đại học. 

Điều này cho thấy loại hình du lịch công nghiệp vẫn còn bị xem nhẹ. Ngày 25-12-2018, Bộ Khoa học - công nghệ có quyết định số 3956/BKHCN giao cho Trường đại học Văn hóa TP.HCM biên soạn bộ quy chuẩn "Du lịch công nghiệp và các dịch vụ liên quan" trong 2 năm 2019-2020 sẽ làm nền tảng để loại hình này định hình và phát triển bền vững.

Tiềm năng và trở ngại

Cách đây hơn 10 năm, trong một lần tham dự farmtrip do Tổng cục Du lịch Thái Lan tổ chức, tôi được đến tham quan trại nuôi bò sữa. 

Khách được xem phim, tham quan dây chuyền công nghệ vắt bò sữa, trải nghiệm lao động, dùng thử và mua sản phẩm. Ai cũng thích thú. 

Lần đó, những người bạn đồng hành của tôi đã nói: "So với Bò sữa Long Thành ở Việt Nam, nông trại này chẳng là gì cả, nhỏ bé mấy lần về mọi mặt". 

Buồn là đến nay người ta vẫn chỉ biết đến "Bò sữa Long Thành" là trạm dừng để bán sản phẩm cho khách nội địa. Tiềm lực du lịch vẫn ngủ yên, ngủ quá lâu!

Trong khi du khách đi Đài Loan, đoàn nào cũng ghé lò bánh dứa nướng, đặc sản địa phương, hiểu biết và trầm trồ về bánh làm theo công nghệ ở nước bạn. 

Khách được xem phim, hướng dẫn làm bánh và tự nướng, tham quan dây chuyền làm và nướng bánh trong lúc chờ bánh chín, ăn thử và mua sản phẩm. Ai cũng vui vẻ móc túi mua hàng khệ nệ kèm mấy chiếc bánh tự làm được gói trang trọng. 

Một cách tiếp thị giản đơn mà hiệu quả. Tôi liên tưởng đến một hãng bánh pía lớn ở Sóc Trăng, to và hiện đại hơn nhiều lần cơ sở làm bánh xứ Đài cũng chỉ bằng lòng với trạm dừng, cho khách nội địa ăn thử và bán bánh.

Gần chục năm trước, dù chưa làm du lịch, dược sĩ Nguyễn Văn Bé (Ba Phèn) khi xây dựng nhà máy dược liệu sạch Mộc Hoa Tràm đã dùng kính cường lực làm vách ngăn. 

Tầm nhìn của ông đã phát huy hiệu quả khi khu du lịch Cánh đồng bất tận với các dịch vụ tắm rừng dược liệu, tham quan nhà máy trở thành đặc sản của du lịch Long An hiện nay. 

Mô hình của Cầu Đất Farm, Gốm sứ Minh Long, Lâu đài rượu vang Sea Link... rất cần được hoàn thiện thêm và nhân rộng.

Các nhà máy sản xuất như Vinamilk, Vissan, rau củ và trái cây xuất khẩu, sản xuất ôtô và phụ tùng, lắp ráp tivi - điện thoại - máy tính, sản xuất linh kiện điện tử, vật dụng tiêu dùng; các nhà máy ở khu công nghệ cao... là những tài nguyên cực kỳ phong phú cho du lịch công nghiệp. Có đến hàng ngàn nhà máy, xí nghiệp quanh các đô thị, tha hồ cho du khách chọn lựa.

Ngoài lợi ích to lớn về kinh tế, du lịch công nghiệp dành cho học sinh, sinh viên còn là những đợt hoạt động ngoại khóa kỳ thú và hướng nghiệp thiết thực. 

Đây cũng là cơ hội quảng bá và bán hàng hiệu quả và ít tốn tiền tiếp thị nhất, không chỉ cho khách nội địa mà cả khách nước ngoài.

Vẫn thiếu liên kết

Liên kết vốn là thuộc tính của công nghiệp du lịch. Đây luôn là một trong những khâu yếu nhất của du lịch Việt Nam. 

Đây là chuyện về tầm nhìn và tư duy làm du lịch. Nếu có thêm nhiều chủ doanh nghiệp có tầm nhìn như ông Ba Phèn thì du lịch công nghiệp Việt Nam đã có diện mạo khởi sắc.

Đã đến lúc phải thay đổi tư duy kinh doanh dịch vụ du lịch, đây là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành khác. 

Do vậy đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ và phối hợp nhịp nhàng, từ việc tạo ra sản phẩm, tiếp thị, bán và không ngừng hoàn thiện sản phẩm. Tự thân ngành du lịch không thể phát triển loại hình này một mình riêng lẻ được.

Tổng cục Du lịch cần khẳng định và khuyến khích các địa phương phát triển loại hình du lịch này. 

Du lịch công nghiệp phải được bổ sung ngay vào chương trình đào tạo của các trường du lịch. Chủ các doanh nghiệp có điều kiện, khi xây dựng nhà máy cần tính toán việc tham gia loại hình du lịch công nghiệp như một kênh tiếp thị, quảng bá sản phẩm. 

Bắt đầu từ việc làm phim tư liệu, phòng chiếu phim, thiết kế ốp kính phòng sản xuất, không gian trải nghiệm, phòng trưng bày và bán sản phẩm...

Các công ty lữ hành cần chủ động liên kết xây dựng sản phẩm, bổ sung điểm đến thuộc loại hình du lịch công nghiệp, làm giàu thêm ngân hàng tour mới cùng với việc tổ chức tọa đàm, diễn đàn để trao đổi và hợp tác.

Du lịch sẽ là ngành công nghiệp lớn nhất thế giới Du lịch sẽ là ngành công nghiệp lớn nhất thế giới

TTO - Theo các chuyên gia kinh tế thế giới, ngành du lịch sẽ vượt qua ngành dầu khí và sản xuất ôtô để trở thành ngành công nghiệp lớn nhất thế giới khi chiếm trung bình 9,4% GDP của thế giới trong năm 2011.

NGUYỄN VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên