
Trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) - Ảnh: AN ANH
Theo phương án được Trung ương Đảng thông qua, dự kiến hợp nhất hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa, lấy tên là tỉnh Khánh Hòa, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay.
Nếu sáp nhập, nhiều cán bộ đang sinh sống ở tỉnh Ninh Thuận phải di chuyển đến tỉnh Khánh Hòa để làm việc.
Lên phương án chỗ ở, phương tiện đi lại cho cán bộ
Ông Trương Xuân Thìn - nguyên bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận - cho rằng việc sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp là cần thiết và đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay.
Ông nói nếu sáp nhập Ninh Thuận và Khánh Hòa sẽ mở ra nhiều thuận lợi và tiềm năng phát triển sẽ ngày càng lớn, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.

Tuyến đường ven biển nối Khánh Hòa và Ninh Thuận - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Hiện nay du lịch Khánh Hòa thuộc top đầu cả nước với các dịch vụ du lịch độc đáo, hấp dẫn. Trong khi đó, Ninh Thuận vẫn còn nhiều tiềm năng ở lĩnh vực này nhưng chưa được khai thác xứng tầm.
Do đó theo nguyên bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, nếu sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa chung sẽ thực hiện được việc phát triển du lịch và dịch vụ hiệu quả hơn trên địa bàn Ninh Thuận bây giờ, chắc chắn sẽ hình thành các tour, tuyến du lịch mới mang tính đặc thù, đặc trưng.
Cũng theo ông Thìn, việp sáp nhập 2 tỉnh cũng sẽ là cơ hội rất lớn để Ninh Thuận bứt phá phát triển kinh tế.
"Sau sáp nhập thì hệ thống cơ sở hạ tầng cũng sẽ đồng bộ hơn với các tuyến đường liên tỉnh sẵn có, đặc biệt là có sân bay, cảng biển để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao trong bối cảnh khởi động dự án điện hạt nhân và nhiều dự án năng lượng tái táo khác" - ông Thìn nói.
Liên quan đến việc sáp nhập Ninh Thuận và Khánh Hòa, ông Phạm Văn Hậu - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận - cho biết lãnh đạo 2 tỉnh đã có buổi làm việc chính thức liên quan đến việc chuẩn bị sáp nhập tỉnh.
Hiện Ninh Thuận đang khẩn trương thực hiện thành lập ban chỉ đạo và phối hợp tỉnh Khánh Hòa xây dựng đề án, đề ra các mốc thời gian cụ thể cho việc sáp nhập.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Tuân - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết UBND tỉnh đang lên phương án thống kê, sắp xếp, bố trí chỗ ở, phương tiện đi lại cho cán bộ sau sáp nhập.
Theo ông Tuân, đây là yêu cầu cấp thiết nhằm nhanh chóng ổn định bộ máy hoạt động, để cán bộ yên tâm làm việc. Quãng đường từ TP Phan Rang - Tháp Chàm đến TP Nha Trang khoảng 100km, việc di chuyển có rất nhiều lựa chọn như tuyến cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 1, tuyến đường ven biển...
Cán bộ mong học tập lẫn nhau để phát triển
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, đa số cán bộ làm việc ở Khánh Hòa, Ninh Thuận đều tin tưởng và kỳ vọng việc sáp nhập sẽ tạo đột phá phát triển. Một cán bộ đang công tác ở đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng nếu sáp nhập Khánh Hòa và Ninh Thuận thì cán bộ ở hai tỉnh có thể học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
"Không phải chuyên môn gì mình cũng nắm hết được, chắc chắn những đồng nghiệp ở nơi khác họ sẽ có những cách làm hay, sáng tạo, vì vậy đây là dịp rất tốt để cùng nhau phát triển" - người này nói.
Một cán bộ viên chức đang công tác trong đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy Ninh Thuận cho biết khi thực hiện chủ trương sáp nhập sẽ tạo ra những thay đổi lớn với từng người, nhất là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước.
"Sáp nhập tinh gọn bộ máy là cơ hội và cũng là thách thức đối với mỗi cá nhân. Do đó chúng tôi mong được tạo mọi điều kiện trong việc đi lại và có vị trí việc làm phù hợp, ổn định để tiếp tục phát huy năng lực chuyên môn, cống hiến vì sự phát triển chung", viên chức này cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận