Tập thể dục là một trong các biện pháp hiệu quả để giữ sức khỏe sau khi mắc COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Bí kíp" những điều cần làm sau đại dịch đã được chia sẻ tại hội thảo Chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19, phát huy nội lực của người dân và doanh nghiệp, vừa diễn ra tại TP.HCM.
Có mặt tại chương trình, ThS Nguyễn Hữu Tú (phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam) không khỏi xúc động cho rằng khó thể tin nơi đây khoảng một tháng trước vẫn đang giãn cách diện rộng vì sự bùng phát của COVID-19.
Hiện tại tuy TP.HCM đã bớt căng thẳng, nhưng COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trong và ngoài nước, hàng ngàn y bác sĩ cả nước vẫn miệt mài "chiến đấu" ngày đêm để gìn giữ sức khỏe cho người dân.
"Chúng ta xác định sẽ phải sống chung với dịch. Cuộc sống trong giai đoạn bình thường mới đòi hỏi từng tổ chức, mỗi cá nhân phải linh hoạt ứng phó, luôn tăng cường nâng cao sức khỏe để đảm bảo sinh hoạt và lao động, an toàn cho bản thân và xã hội", anh Hữu Tú chia sẻ.
TS.BS Phan Minh Hoàng (phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp) cho biết một số vấn đề cần lưu ý khi lập một kế hoạch phục hồi chức năng cho bệnh nhân khỏi COVID-19 gồm: bệnh tật đi kèm, tổn thương phổi trực tiếp và tổn thương các cơ quan, hệ thống khác do COVID-19 gây ra.
"Do các bệnh nhân được điều trị trong thời gian dài, một số bị ảnh hưởng nặng nên không thể cử động trong thời gian điều trị, từ đó ảnh hưởng đến thể chất lẫn tinh thần, chẳng hạn ngoài khiếm khuyết về thể chất thì bệnh nhân còn bị suy giảm nhận thức, mắc các vấn đề về tâm lý... Mọi thứ sẽ trở nên tệ hơn nếu không có sự hỗ trợ kịp thời sau khi khỏi bệnh", ông Hoàng nhấn mạnh.
Một số bài tập thể dục đơn giản mà bất kỳ ai cũng có thể làm là đạp xe đạp có kháng lực, đi bộ, lên xuống cầu thang, tập thăng bằng tĩnh - động, tập mạnh cơ... Nếu có điều kiện, các cá nhân có thể đi kiểm tra, đánh giá độ giãn nở của lồng ngực, đánh giá sự gắng sức.
Còn PGS.TS Nguyễn Thị Bay (ĐH Y dược TP.HCM) chia sẻ một số triệu chứng dai dẳng của các bệnh nhân khỏi COVID-19 là ho, nặng ngực, khó thở, mất mùi, rối loạn tâm thần, mất ngủ, đau... Theo bà, y học cổ truyền là một trong những giải pháp hiệu quả và không quá tốn kém để điều trị các vấn đề trên.
"Chẳng hạn gừng giúp giảm ho, thư giãn cơ trơn đường hô hấp, kháng viêm, chống oxy hóa. Tía tô giúp kháng khuẩn, kháng viêm, chống dị ứng. Sả giúp kháng viêm, chống oxy hóa. Đối với chứng mất mùi thì có thể áp dụng châm cứu. Mọi thứ sẽ đạt hiệu quả nhất nếu chúng ta áp dụng kết hợp giữa Đông y và Tây y", bà nói.
Tại chương trình, mọi người cũng có cơ hội thực hành bài tập "Vượt qua nỗi sợ COVID" giúp nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng.
ThS Trương Văn Đạt (ủy viên BCH Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM) cho biết hội thảo trên là một trong những hoạt động đầu tiên của thành phố ở lĩnh vực y tế trong "bình thường mới".
"Chương trình do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp cùng Tập đoàn đầu tư tài chính Green+ tổ chức. Chúng tôi hy vọng chương trình sẽ góp phần giúp mọi người nhận thức rõ hơn về các vấn đề của hậu đại dịch, từ đó biết cách bảo vệ bền vững bản thân cũng như xã hội", ông bộc bạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận