Người dân Lâm Đồng chờ làm xét nghiệm tại Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: M.VINH
Quy định này khiến người dân và du khách phản ứng, vì trái với nghị quyết 128 về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" của Chính phủ, cũng như văn bản trước đó do UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành. Không chỉ phản ứng, người dân còn bối rối không biết phải tuân thủ theo quy định nào cho đúng luật.
Theo nghị quyết 128, người dân không phải xét nghiệm, trừ người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3. Những người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh chỉ phải thực hiện xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; người thuộc diện cách ly y tế hoặc theo dõi y tế; người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
Nhiều du khách phản ảnh đã xét nghiệm khi khai báo tạm trú tại khách sạn, nhưng khi qua phường khác làm việc vẫn bị bắt xét nghiệm tiếp - Ảnh: M.VINH
Thực tế tại Lâm Đồng, bất kỳ ai qua các cửa ngõ để vào địa phương đều buộc phải có chứng nhận xét nghiệm COVID-19 có hiệu lực trong vòng 72 giờ kể từ ngày 20-11. Chị Nguyễn Hà Thanh, một du khách từ TP.HCM lên Đà Lạt nghỉ dưỡng, cho biết gia đình hết sức bất ngờ khi có người thân báo phải đi xét nghiệm mới vào được địa phận Lâm Đồng.
Chị Thanh cho biết: "Gia đình mình đều đã tiêm đủ 2 mũi, đang ở TP.HCM, tức vùng vàng. Như vậy mình mặc nhiên được đến Đà Lạt sau khi làm các thủ tục khai báo y tế. Sau khi nhận được thông báo, mình phải đưa gia đình mình đi xét nghiệm để có giấy "thông hành". Nếu không phải đã trả tiền khách sạn trước, chắc chắn mình sẽ hủy chuyến đi, vì quá nhiêu khê".
Chị Hà Thanh còn may mắn vì không bị khách sạn yêu cầu đi xét nghiệm tại y tế phường. Tuổi Trẻ nhận được nhiều phản ảnh dù đã thủ sẵn giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 do bệnh viện tại TP.HCM cấp, nhưng khi đến khách sạn tại TP Bảo Lộc, Đà Lạt thì bị y tế phường yêu cầu test lần nữa và phải trả tiền.
Tại TP Bảo Lộc, kể cả người di chuyển trong tỉnh Lâm Đồng khi liên lạc với khách sạn để lưu trú vẫn bị yêu cầu phải đi làm xét nghiệm trước khi làm thủ tục nhận phòng.
Có du khách liên hệ với Tuổi Trẻ Online phản ảnh, khách lưu trú ở phường 4 (TP Đà Lạt) và đã làm xét nghiệm tại y tế phường này nhưng khi tham gia lớp học ngoại khóa tổ chức tại phường 2 thì phường 2 lại đòi cung cấp giấy xét nghiệm mới được vào lớp.
Trạm y tế phường 4 không có chức năng cấp giấy chứng nhận xét nghiệm, cả lớp học phải bỏ thêm gần 9 triệu đồng để xét nghiệm cho hơn 20 người.
"Chúng tôi không hiểu tại sao Lâm Đồng lại thực hiện nhiều xét nghiệm đến vậy, thậm chí từ phường này qua phường khác, du khách, người đến từ các tỉnh như chúng tôi phải liên tục làm xét nghiệm", một thành viên của khóa học phản ảnh.
Từ cuối tháng 10, du khách từ TP.HCM đến Đà Lạt mỗi ngày đạt khoảng 5.000 người. Khi xét nghiệm sàng lọc, cơ quan chức năng phát hiện nhiều ca dương tính - Ảnh: PHÚC KHÁNH
UBND TP Đà Lạt cho biết sẽ thống nhất về quy trình xét nghiệm và hướng dẫn liên thông dữ liệu xét nghiệm để tránh làm phiền du khách. Thực tế, Đà Lạt đã xét nghiệm miễn phí đối với du khách lưu trú từ khi tỉnh nới lỏng giãn cách và cho đón du khách, tuy nhiên do kinh phí xét nghiệm quá lớn, từ ngày 20-11 Đà Lạt yêu cầu du khách tự chi trả. Đối với các trường hợp khó khăn, Đà Lạt vẫn hỗ trợ.
Ông Nguyễn Đức Thuận, giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, nói: "Trên địa bàn tỉnh thời gian ngắn vừa qua diễn biến dịch hết sức phức tạp, theo thống kê hơn 40,3% người đã tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19 dương tính trong cộng đồng, là cực kỳ nguy hiểm. Người ngoài tỉnh vào Lâm Đồng, không xét nghiệm, không cách ly y tế thì nguy cơ lây nhiễm bệnh cao là điều không tránh khỏi".
Tuy nhiên, ông Thuận nhấn mạnh, việc xét nghiệm vẫn thực hiện theo nghị quyết 128 của Chính phủ và quyết định 4800 của Bộ Y tế. Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể để các ngành y tế các huyện thực hiện đúng, tránh lạm dụng xét nghiệm, làm khó người dân.
Về việc yêu cầu xét nghiệm 3 ngày/lần, ông Thuận cho rằng có sự nhầm lẫn trong tiếp nhận thông tin. Quy định này chỉ áp dụng với cơ quan nhà nước nhằm tăng cường giám sát dịch ở các cơ quan đơn vị hành chính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận