23/03/2022 09:22 GMT+7

Du học liên kết còn 'đất sống'?

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Đến cuối tháng 3, hầu hết các thị trường giáo dục lớn đều đã mở cửa biên giới đón sinh viên quốc tế. Khi con đường xuất ngoại đã rộng mở, liệu những chương trình du học liên kết có còn sức hút?

Du học liên kết còn đất sống? - Ảnh 1.

Sinh viên Việt Nam học tại Vietnam Study Hub của Đại học Auckland (New Zealand) ở TP.HCM - Ảnh: CTV

Trong 2 năm thế giới chịu ảnh hưởng vì dịch COVID-19, hình thức du học liên kết lên ngôi. Sinh viên sẽ học trước 1 - 2 năm ở Việt Nam rồi chuyển tiếp ra nước ngoài hoàn tất phần còn lại. Nói cách khác, sinh viên không đứt gãy chuyện du học dù chưa thể ra nước ngoài.

Cuối năm 2021, hầu hết các điểm đến "hot" với du học sinh Việt Nam như Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức... đều đã mở cửa. Đến tháng 1-2022, Úc chính thức đón sinh viên quốc tế sau hơn 20 tháng. Đến tháng 3-2022, hai thị trường du học lớn khác là Nhật và New Zealand cũng bắt đầu nới lỏng các quy định về thị thực cho du học sinh.

Giảm nhẹ nhưng không đáng kể

Ông Đặng Trần Duy Quân, quản lý khu vực Đông Nam Á, Đại học Auckland (New Zealand), nhận định trong thời gian ngắn tới đây, việc các thị trường du học mở cửa sẽ có tác động ít nhiều đến số lượng các bạn theo chương trình liên kết. Các chương trình thường theo mô hình 1+2 (tức 1 năm ở Việt Nam, 2 năm ở nước ngoài), 1,5+1,5 hoặc 2+1, nhưng nhiều bạn vẫn thích 3 năm trọn vẹn ở nước ngoài hơn.

Sinh viên nếu có đủ điều kiện về tài chính thường chọn hướng du học 100% để trải nghiệm quốc tế được nhiều nhất. Tuy nhiên theo ông Quân, các chương trình liên kết vẫn sẽ thu hút được số lượng nhất định các bạn có nhu cầu. Phần đông sẽ là các bạn gia đình không dư dả tài chính hoặc chưa sẵn sàng ra nước ngoài ngay khi tốt nghiệp THPT.

Bà Nguyễn Lam Giang, giám đốc khu vực Đông Nam Á, Đại học Waikato (New Zealand), cho biết thời gian gần đây bà nhận được thắc mắc chung từ nhiều người: Liệu các nước đã mở cửa, du học liên kết còn có lợi thế không? 

Bà Giang khẳng định số lượng theo học bằng hình thức này có thể giảm nhưng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều. Hai năm qua, phụ huynh, học sinh đã có cái nhìn tích cực với du học bán phần. Nhiều bạn trẻ nhận ra lợi thế vì có một giai đoạn chuyển tiếp ở Việt Nam để chuẩn bị tốt nhất trước khi xuất cảnh. Các bạn lại được ở gần nhà khi dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc hoàn toàn.

ThS Trần Nam, trưởng phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), chia sẻ gần đây số học sinh, phụ huynh tìm hiểu về các chương trình liên kết quốc tế vẫn không ít. Một số bạn cho rằng thời gian chuyển tiếp 1 - 2 năm trong chương trình cũng tương đương với học thạc sĩ, vẫn đủ cho nhiều trải nghiệm.

Linh hoạt

Theo bà Nguyễn Lam Giang, du học liên kết trong thời gian tới sẽ được triển khai theo hướng linh hoạt. Chẳng hạn, nhiều đại học, trong đó có Đại học Waikato, sẽ mở mô hình du học "4+0" hay "3,5+0", được giảng dạy hoàn toàn tại Việt Nam nhưng chương trình, văn bằng do đại học nước ngoài cấp. Sinh viên vẫn có thể chuyển tiếp hoặc thực hiện những học kỳ trao đổi bất cứ khi nào có nhu cầu.

Ông Lâm Minh Khoa, đại diện tuyển sinh Đại học Newcastle (Úc), cho biết với nhiều đại học lớn, mở các chương trình liên kết tại Việt Nam sẽ có ý nghĩa dài hạn. Không hẳn phải đạt số lượng tuyển sinh nhất thời mới là thành công, chương trình liên kết thường được xem như một cách làm thương hiệu. Nhiều đại học lớn dùng du học liên kết như một cách tăng cường hình ảnh của mình khi đặt chân vào một quốc gia mới, từ đó sẽ có lợi cho rất nhiều chương trình khác.

Ông Andy Phạm, quản lý quan hệ đối tác cấp cao khu vực Mekong của Đại học Quốc gia Úc, cho rằng với các đại học uy tín trên thế giới, xây dựng các chương trình liên kết thường lâu và phức tạp. 

Đối tác Việt Nam phải đáp ứng nhiều tiêu chí từ các đại học nước ngoài như tên tuổi, chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất... bởi nếu không sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng của họ. "Một chương trình liên kết chất lượng thường được xây dựng từ 2 - 3 năm hoặc hơn. Sau đó để tuyển sinh được còn cần thêm rất nhiều thời gian" - ông Andy Phạm nói.

Ông cho rằng hiện tại, các chương trình liên kết tại Việt Nam, đặc biệt các chương trình "4+0", thường được triển khai với các ngành thuộc khối xã hội nhân văn hay kinh tế. Riêng những ngành công nghệ, kỹ thuật hiện chưa nhiều vì khó có sự đồng đều về cơ sở vật chất, trang thiết bị giữa đại học trong và ngoài nước. Bài toán này nếu giải được sẽ là một bước ngoặt mới cho các chương trình du học liên kết tại Việt Nam.

Tìm kiểu kỹ thông tin

Ông Andy Phạm chia sẻ khi ngày càng nhiều những chương trình du học liên kết ở Việt Nam, sinh viên có ý định theo học sẽ càng phải tìm hiểu kỹ lưỡng. Trước hết, cần tra cứu về các trường đối tác xem họ được đánh giá thế nào, ngành bạn định theo học ở trường có chất lượng ra sao trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Cần hỏi thật kỹ về các quy định chuyển đổi tín chỉ, để biết các môn học ở Việt Nam sẽ được đại học đối tác công nhận thế nào. Cuối cùng, cần tìm hiểu các chính sách ở lại làm việc. Nếu học chương trình liên kết được dạy hoàn toàn tại Việt Nam, bạn rất có thể sẽ không được một số quốc gia cho phép ở lại tìm việc sau tốt nghiệp.

Du học từ Việt Nam: Nở rộ chương trình liên kết quốc tế Du học từ Việt Nam: Nở rộ chương trình liên kết quốc tế

TTO - Trong gần 2 năm dịch COVID-19, nhiều trường đại học trong nước đẩy mạnh các chương trình liên kết quốc tế nhằm đáp ứng mong muốn du học của học sinh.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên