Phóng to |
Tuy nhiên, cũng có nơi còn nhận cả học viên với trình độ ngoại ngữ… sơ cấp nhưng “mục tiêu đạt TOEFL 550 hay IELTS 6.0” quả là khó tưởng. Đầu ra như thế nào chưa rõ nhưng đã vào thì phải… đóng tiền – hàng chục triệu đồng trở lên…
Không dành cho SV ít... tiền!
Gian nan lắm T.A mới có tên được trong tốp SV khóa đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin của chương trình đào tạo liên kết giữa ĐH Tasmina của Úc với ĐH Bách khoa TPHCM. Chương trình này bao gồm 2 năm học đại cương tại ĐH Bách khoa và 2 năm du học tại Úc .
Thế nhưng, với vốn tiếng Anh yếu, cộng với cách học tài tử, T.A đã học tới 3 năm đại cương vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để chuyển lên giai đoạn 2 tại Úc. Chán nản, việc bỏ ngang giữa chừng con đường “Tây học” của T.A là lẽ đương nhiên. Trở về với Việt Nam, T.A lạc lõng bởi việc thi lại ĐH trở thành không tưởng. Và giờ T.A đang nghĩ tới việc “du” ngay tức thì đến một ĐH vừa sức với cậu hơn ở New Zealand. Ngày mai với T.A còn mù mịt…
Hiện nay, các ĐH công lập lớn tại Việt Nam đều có chương trình liên kết đào tạo với các ĐH nước ngoài. Song, do mức học phí không ít - 2.000USD/năm học tại VN và học phí, ăn ở 20.000USD/năm ở nước ngoài - nên học viên phải thuộc gia đình khá giả mới theo học nổi. Đối với chương trình du học tại chỗ của ĐH RMIT, tiêu chuẩn đầu vào khá cao – trình độ ngoại ngữ phải đạt IELTS 6.5 hoặc TOEFL 580 điểm – và giá học phí từ 12.000 đến 16.000 USD (khoảng 7 học kỳ) nhưng số lượng sinh viên VN đã lên đến con số hơn 1.000.
Còn Trường đào tạo Việt Mỹ (VATC) thì liên kết với ĐH Cambridge theo hình thức “giáo trình ngoại, giảng viên nội”, học phí chỉ từ 3.000 - 3.500 USD/khóa, phù hợp với nhiều người nhưng bằng cấp chỉ tương đương cao đẳng. Một hướng mở khác của VATC là liên kết với ĐHSP Quảng Tây (Trung Quốc) để đào tạo cử nhân song ngữ “Hoa – Anh 2+2” với giá học phí khá “mềm”: 3.500 USD (2 năm trong nước) và 2.600 USD (2 năm ở Trung Quốc, chưa kể phí ăn ở). Không chỉ liên kết ở bậc ĐH, nhiều trường còn liên kết đào tạo bậc sau ĐH như giữa ĐH Bách khoa TPHCM với ĐH Mastrich (Hà Lan), ĐH KHXH-NV với ĐH La Trobe, ĐHQG TPHCM với ĐH Houston Lake (Mỹ)…
Ở cấp trung học chuyên nghiệp, cao đẳng cũng có nhiều trường liên kết đào tạo với nước ngoài, như Trường CĐ Công nghiệp 4 liên kết với ĐH Úc, Trường Trung học công nghiệp TPHCM liên kết với Trường La Martinièr Terreaux… Hiệu quả của liên kết đào tạo hay du học tại chỗ như thế nào chưa rõ nhưng có một thực tế: tại một số trường, khi lên đường du học giai đoạn 2 thì chỉ có khoảng 30% SV đủ điều kiện để cầm tấm vé máy bay.
Trăm hoa đua nở !
Bên cạnh những trung tâm ngoại ngữ “thứ thiệt”, nhiều trung tâm Anh ngữ đã gắn thêm cái đuôi quốc tế vào tên trường như để làm sang hầu thu hút học viên. Báo hại, nhiều người cứ lẫn lộn giữa “quốc tế” này với “quốc tế” kia.
Với khẩu hiệu “chương trình hợp tác và phát triển giáo dục”, cô nhân viên một trường Anh ngữ thao thao rằng “trường được sự đầu tư của ĐH Melbourne, nhưng trường do người Việt đứng tên (!). Nếu cho cháu học ở đây, con của chị sẽ được giáo viên Melbourne trực tiếp giảng dạy nghe và nói”. Với học phí 60USD/2 tháng mà mời được giáo viên ĐH Melbourne bay qua Việt Nam dạy, quả là “quá hời”!
Một nhân viên của một trường “quốc tế”, nay đã “chuyển ngành”, tâm sự: Nói thầy ngoại, nhưng một vài trường không có giáo viên cơ hữu mà phần lớn là… thầy chạy sô vì giá thuê thầy ngoại “chính gốc” của các trường ĐH nước ngoài thì quá mắc. Rõ ràng, “quốc tế” cỡ nào chưa có cơ quan nào kiểm định chất lượng.
Nhiều học viên học tại một trung tâm mang tên “ngoại”, học thầy “ngoại” rành rành, đến khi biết chuyện thì đành “ngậm trái đắng”, đi kiếm trường khác học. Thiếu thông tin, học viên đành “may thầy phước chủ”, thật thì được nhờ, còn giả thì coi như mua kinh nghiệm bằng một khóa học!
Công ty H… quảng cáo “đào tạo quản trị mạng doanh nghiệp với bằng cấp quốc tế do Microsoft cấp”. “Liên kết như thế nào hả cô?” chúng tôi hỏi, cô nhân viên đáp: “Dạ, liên kết dưới hình thức luyện thi bằng MCSA++ và MCSE+ theo chương trình của Microsoft” (?!).
Chúng tôi hỏi tiếp: “Lỡ tin học không giỏi có theo học được không?”. Cô trả lời ngay: “Cứ đóng tiền học (2.500.000 – 3.000.000 đồng khóa luyện thi) sẽ có giáo viên kèm cặp cho hiểu!” Những nhà quản trị mạng tương lai với trình độ tin học sơ cấp và chỉ qua 4 tháng luyện thi, liệu có quyền hy vọng cầm được tấm bằng “quốc tế” chăng?
Cạnh những trường hợp quảng cáo chiêu dụ không rõ ràng, vẫn có những chương trình liên kết đào tạo lập trình viên tin học khá bài bản và uy tín tại TPHCM, chẳng hạn như chương trình liên kết của FPT với Ấn Độ…
Các lớp liên kết đào tạo ngắn hạn với các ĐH hoặc tổ chức quốc tế ngày càng nở rộ tại TPHCM. Thời gian các lớp này thường rất đa dạng, từ 1-2 ngày hoặc 1-2 tuần. Dĩ nhiên các lớp giảng dạy ngắn ngày kiểu này đều phải có phiên dịch, học viên đều là “nhà lãnh đạo” của doanh nghiệp, nên học phí cho các lớp học này thường thu tới bạc triệu cho dăm ngày học.
Hơn bao giờ hết , nhu cầu học tập đa dạng của người dân cùng nhu cầu tiếp thu kiến thức quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa đã đưa tới tình trạng “trường trường, nhà nhà” cùng đi tìm đối tác nước ngoài để liên kết đưa tri thức đa dạng về cho người học.
Chúng ta ghi nhận nỗ lực của các đơn vị giáo dục. Song, mọi chương trình nội dung giảng dạy đều dựa vào các trường nước ngoài, còn phía ngành GD-ĐT thiếu hẳn một bộ phận chuyên trách kiểm định chất lượng trường cũng như chương trình giảng dạy cho người học. Nơi nào cũng liên kết, nhắm vào giới trẻ và cán bộ các doanh nghiệp, song dường như chưa được sự quan tâm nhiều của các cơ quan chức năng!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận