Tổng giá trị mua bán cổ phiếu đang ở mức thấp nhưng khối tự doanh của công ty chứng khoán vẫn mua ròng - Ảnh: BÔNG MAI
Đối mặt với phiên giảm mạnh vào đầu tuần khi tin đồn một lãnh đạo doanh nghiệp lớn bị cấm xuất cảnh lan truyền khắp các diễn đàn, thị trường chứng khoán đã hồi phục nhẹ sau đó khi Bộ Công an nhanh chóng bác bỏ vụ việc nêu trên và xử phạt người tung tin.
Kết thúc tuần giao dịch, riêng chỉ số VN-Index đã tăng gần 8 điểm (+0,7%) lên hơn 1.179 điểm. Giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM (HSX) cũng tăng hơn 3% so với tuần trước đó với hơn 57.600 tỉ đồng. Diễn biến hồi phục cũng diễn ra ở sàn chứng khoán Hà Nội (HNX).
Giá trị thanh khoản cải thiện nhưng so với mức trung bình vẫn còn thấp, cho thấy tâm lý thị trường vẫn chưa cải thiện.
Đáng chú ý, trong bối cảnh thanh khoản còn yếu, khối tự doanh của công ty chứng khoán vẫn mua ròng hơn 580 tỉ đồng tuần qua, tập trung vào các mã: QNS (Đường Quảng Ngãi), BSR (Lọc hóa dầu Bình Sơn), PVS (Kỹ thuật dầu khí Việt Nam), IDC (Idico), QTP (Nhiệt điện Quảng Ninh), TVD (Than Vàng Danh), PMC (Dược phẩm dược liệu Pharmedic)...
Dữ liệu giao dịch tuần cho thấy nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất nhờ lực kéo từ các cổ phiếu thuộc ngành con thép như HPG (Hòa Phát, +3%), NKG (Thép Nam Kim, +5%)... và cả từ ngành con hóa chất như DPM (Đạm Phú Mỹ, +9%), Đạm Cà Mau (DCM, +4%)...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu công nghiệp, tiện ích cộng đồng, dầu khí, dược phẩm và y tế, tài chính.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng giảm mạnh nhất (-3,2%) do sự sụt giảm của các cổ phiếu thuộc ngành con bán lẻ như MWG (Thế giới di động, - 5%), FRT (Bán lẻ kỹ thuật số FPT, -7%), PNJ (Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, -2%), DGW (Thế giới số, -8%)...
Một điểm không thuận lợi trong tuần là nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1.200 tỉ đồng trên hai sàn chứng khoán chính, tương ứng bán ròng gần 40 triệu cổ phiếu. Trong đó chủ yếu bán chứng chỉ quỹ FUEVFVND, tiếp đến là cổ phiếu DXG (Tập đoàn Đất Xanh), SSI (Chứng khoán SSI). Ở chiều ngược lại, STB (Sacombank) là mã được mua ròng nhiều nhất.
Nhận định về thị trường, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) cho rằng hiện tại chỉ VN-Index tương tự bối cảnh của chỉ số này 4 năm trước, thời điểm giữa tháng 7-2018 khi tạo đáy quanh ngưỡng 880 điểm. Diễn biến sau đó là hồi phục và giằng co đi ngang kéo dài cho đến hết năm 2018 và cả năm 2019.
Diễn biến thị trường trong giai đoạn hiện tại có thể giống như lịch sử trước đó và VN-Index có thể tiếp tục hồi phục trong tuần tiếp theo để hướng đến mục tiêu của chỉ số này quanh ngưỡng tâm lý 1.200 điểm.
Với quan điểm dài hạn, chuyên gia của SHS cho biết ở vùng giá hiện tại, định giá thị trường vẫn đang ở mức thấp so với trung bình nhiều năm, P/E (thị giá trên thu nhập của một cổ phiếu) thị trường đang ở mức 12,8. Chưa kể P/B (tỉ lệ giá trên sổ sách) trung bình toàn thị trường trong khoảng 1,4 trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế vẫn được duy trì (GDP quý 2-2022 tăng 7,72%, cao nhất trong thập kỷ qua và quý 3-2022 có thể tăng trên 9%).
Vì vậy, nhà đầu tư có thể xem xét chọn lọc giải ngân, tích lũy đối với cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng khi giá đang giảm về vùng hấp dẫn.
Ở tuần mới, chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt dự báo chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục được hỗ trợ khi lùi về vùng 1.175 điểm và hồi phục. Nhà đầu tư vẫn có thể kỳ vọng nhịp tăng của thị trường sau nhịp chỉnh hiện tại, đồng thời có thể tiếp tục mua tích lũy tại các cổ phiếu ở vùng hỗ trợ mạnh và đang tín hiệu khởi sắc.
Cho rằng xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính, trên quan điểm thận trọng, Chứng khoán Yuanta đưa quan điểm nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận