25/05/2010 08:55 GMT+7

Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM: Yêu cầu Chính phủ báo cáo đầy đủ hơn

KHIẾT HƯNG ghi
KHIẾT HƯNG ghi

TT - Tại phiên thảo luận tổ ngày 24-5, bên lề phiên họp Quốc hội (QH), Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định với báo chí rằng Chính phủ cần lắng nghe nhiều chiều, nghe ý kiến nhân dân, ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, bởi dự án lớn như vậy phải phân tích và giải trình sâu hơn nữa. Ông nói:

QVuYb9S8.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Đức Kiên trả lời báo chí bên lề Quốc hội sáng 24-5 - Ảnh: Việt Dũng

- Qua thảo luận, còn nhiều ý kiến trái ngược nhau nên tôi đã yêu cầu Chính phủ căn cứ vào tổng hợp ý kiến của các đại biểu thảo luận ở tổ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường để lọc ra một số vấn đề nổi cộm.

Chính phủ cần chuẩn bị một báo cáo giải trình đầy đủ hơn và tùy theo độ dài của báo cáo, hoặc gửi cho đại biểu QH nghiên cứu, hoặc trình bày trực tiếp tại hội trường vào hôm thảo luận về dự án này (dự kiến diễn ra vào ngày 8-6). Tôi cũng lưu ý báo cáo phải thể hiện được sự liên kết lợi ích giữa các ngành, các lĩnh vực để từ đó thực hiện chủ trương xã hội hóa về vốn. Muốn như thế trong dự án lớn này phải có các dự án thành phần và mỗi dự án thành phần đó phải nói rõ nguồn vốn từ đâu, lúc đó mới xem xét, có ý kiến xác đáng.

* Thưa ông, các dự án thành phần đó là những dự án gì?

- Ít nhất phải có bốn dự án thành phần: một là đường; hai là tàu; ba là đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; bốn là các nhà ga. Rất có thể đường Nhà nước đầu tư, tàu do tư nhân đầu tư. Đền bù, tái định cư thì gắn với việc hình thành các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và các nhà đầu tư về khu đô thị, khu công nghiệp lấy vốn của mình giải quyết vấn đề này, Nhà nước chỉ góp một phần. Nhà ga thì không chỉ là ga cho người lên xuống đơn thuần mà phải là trung tâm thương mại, trung tâm dịch vụ, có thể là trung tâm các khu công nghiệp và chính người đầu tư các khu đó bỏ tiền ra, Nhà nước bỏ vốn “mồi”. Phải chia ra thành các dự án thành phần và nói thật rõ, lúc đó mới có sức thuyết phục.

* QH có yêu cầu đánh giá tác động môi trường của dự án không, bởi giống như dự án đường Hồ Chí Minh, dự án này sẽ đi qua nhiều khu bảo tồn quốc gia?

- Chúng ta đã đi một chặng đường đầu của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đã rút kinh nghiệm của một số nước đi trước. Giờ cũng phải nhìn lại để quán triệt được tinh thần ba trụ cột phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường. Cho nên, những bài học gì từ đường Hồ Chí Minh cũng sẽ nghiên cứu để xử lý những vấn đề lớn khác của đất nước.

* Có một số ý kiến đề nghị lùi việc thông qua dự án này tới kỳ họp sau?

- QH chưa quyết định gì nhưng như tôi được biết, từ khi có chủ trương chuẩn bị điều kiện để bắt đầu triển khai và có sự khởi động đưa dự án bước đầu vào sử dụng thì phải trong giới hạn trên dưới tám năm chứ không phải ngày một ngày hai. Nhà máy điện hạt nhân cũng phải có thời gian chuẩn bị từ 6-8 năm vì còn liên quan đến năng lực quản lý, văn hóa của người tham gia và khả năng chịu đựng của nền kinh tế.

* Thưa ông, cũng có ý kiến nói QH nhiệm kỳ này đã quyết định nhiều vấn đề lớn của đất nước như mở rộng địa giới thủ đô, dự án nhà máy điện hạt nhân, nên nếu tới đây thông qua dự án đường sắt cao tốc sẽ để lại dấu ấn rất lớn, trong đó có việc để lại khoản nợ quốc gia lớn cho con cháu sau này?

- QH không quyết định mọi thứ dễ dàng mà đều cân nhắc kỹ lưỡng, phải tiếp cận cả bề rộng, cả chiều dài. Bề rộng là mối quan hệ lợi ích giữa các ngành, các lĩnh vực, các địa phương khác nhau; chiều dài là khả năng chịu đựng của nền kinh tế, thực chất là sự chịu đựng của Nhà nước không chỉ trước mắt mà cả lâu dài. Cho nên chọn phương án nào QH đều chú ý bàn kỹ để quyết định.

* Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Vay nếu làm có hiệu quả, trả được nợ

tOI3Kk1V.jpgPhóng to
Ông Vũ Văn Ninh - Ảnh: V.D.

Việc chúng ta đi vay để đầu tư, nếu làm có hiệu quả, trả được nợ thì cần thiết vay để đầu tư phát triển vì hạ tầng của chúng ta hiện nay rất bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội, làm cản trở sự phát triển. Trong khi đó, quy mô nền kinh tế, tích lũy nội bộ của nền kinh tế, thu ngân sách của chúng ta còn nhỏ mà lại phải giải quyết đồng thời hai nhiệm vụ là vừa phát triển kinh tế, vừa giải quyết an sinh xã hội nên việc dành vốn cho đầu tư không được lớn.

Do đó cần phải đi vay. Nhưng quan trọng vẫn là vay mà sử dụng hiệu quả, trả được nợ thì an ninh tài chính quốc gia không có vấn đề gì, còn nếu không hiệu quả thì không nên vay. Hiện nay chúng ta không có một khoản nợ nào quá hạn, không có khoản nợ nào đến hạn mà không trả được, đấy là cái lành mạnh của nền tài chính quốc gia.

* Ông Phạm Sĩ Liêm (viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng): Nên dành 5 năm để chuẩn bị dự án

nnY3zzKC.jpgPhóng to

Ông Phạm Sĩ Liêm - Ảnh: Khiết Hưng

Có một điều cần lưu ý là chọn công nghệ nào cũng được nhưng phải tính toán để có thể chuyển đổi công nghệ khi cần thiết. Chúng ta chọn công nghệ tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản nhưng tĩnh không của toa tàu loại này lại nhỏ nhất so với tĩnh không của các loại tàu cao tốc trên thế giới như của Pháp, Đức...

Chúng ta có thể chọn Shinkansen nhưng tĩnh không cần phải dung nạp được tất cả các loại toa tàu theo công nghệ khác nữa. Bây giờ chỉ biết công nghệ hiện tại nhưng 20-30 năm nữa công nghệ lại phát triển theo hướng khác. Vì vậy cần phải tính toán để đừng buộc chặt vào một công nghệ cố định rồi sau này không xoay xở được thành ra lợi bất cập hại.

Vận tốc chạy tàu thiết kế 300 km/giờ với khoảng cách các ga dự tính cũng không có vấn đề gì bất cập. Có thể chuyến này bỏ một số ga, chuyến sau lại bù vào. Quy hoạch sẽ xây dựng cả tuyến đường sắt đồng nhất nhưng cần phải phân kỳ. Chúng tôi đề nghị nên dành năm năm để làm công tác chuẩn bị dự án chứ không nên vội vàng.

KHIẾT HƯNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên