11/04/2019 09:09 GMT+7

Đột quỵ khác đột tử

BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG (BV Nguyễn Tri Phương)
BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG (BV Nguyễn Tri Phương)

TTO - Đột tử là hiện tượng một người 'nghĩ là đang khỏe mạnh làm việc bình thường' tự nhiên tử vong mà không cứu được.

Đột tử khác đột quỵ ra sao?

Đột tử có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân thường gặp nhất là lên cơn ngưng tim, nhất là những người ở lứa tuổi trung niên, tức là trên 40 tuổi.

Cơn ngưng tim này xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau như: rối loạn nhịp tim trầm trọng (ví dụ như cơn nhịp nhanh thất, rung thất) hoặc là tắc nghẽn mạch máu tim (mạch vành), hoặc do có bệnh lý tim trước đó như bệnh cơ tim sẵn có mà không biết (cơ tim bị phì đại hoặc giãn to).

Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não): do nghẽn mạch máu trong não, có liên quan đến bệnh tim mạch và mỡ máu cao hoặc do vỡ mạch máu trong não, có liên quan đến cao huyết áp không được điều trị hoặc điều trị không đầy đủ.

Có hai dạng đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não. Đột quỵ thiếu máu não xảy ra khi có cục máu đông do mảng xơ vữa tại mạch máu não hoặc từ nơi khác theo dòng máu di chuyển đến não gây tắc nghẽn mạch máu.

Tế bào não thiếu oxy và dưỡng chất nên bị tổn thương, nếu để lâu tế bào sẽ chết. Trong khi đó, đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu bị vỡ.

5 cách tránh đột tử

1. Có thể phòng tránh được đột tử hay không?

Có thể phòng tránh được nếu chúng ta đi khám bệnh thường xuyên, có chế độ tập luyện phòng ngừa cũng như dùng thuốc.

Ngoài ra, chúng ta phải bỏ thuốc lá, bớt uống rượu bia, tập thể dục đều đặn, không để thừa cân béo phì. Điều trị tốt các bệnh mãn tính kèm theo như: đái tháo đường, cao huyết áp, mỡ máu, các loại u bướu...

2. Người khỏe mạnh có nguy cơ bị đột tử không?

Vẫn có, tuy nhiên nguy cơ đột tử của người khỏe mạnh và trẻ tuổi dưới 40 khá thấp trừ một số trường hợp có bất thường về di truyền làm rối loạn nhịp tim hoặc làm dị dạng mạch máu não.

Những trường hợp này kiểm tra sức khỏe thông thường đôi khi không phát hiện được. Tuy nhiên, nếu kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ như thế vẫn tốt.

3. Những ai nên hạn chế vận động mạnh để hạn chế nguy cơ đột tử khi đang luyện tập thể dục, thể thao?

Về lý thuyết, nếu chỉ luyện tập thể dục thông thường với lứa tuổi U30 thì chưa cần kiểm tra sức khỏe gì đặc biệt. Còn nếu U30, đặc biệt là U40 thì nên kiểm tra sức khỏe rồi mới luyện tập thể dục.

Đối với việc chơi thể thao thì không kể lứa tuổi nào, tất cả đều phải kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch.

4. Để đề phòng đột tử, cần chú ý điều chỉnh những gì?

Hãy hài lòng với những gì mình đang có, đừng bắt cơ thể phải, phải, phải, phải, phải... quá nhiều. Đó là một trong những cách giảm stress hiệu quả. Tránh xa rượu bia và thuốc lá. Ăn nhiều rau xanh và trái cây, tránh táo bón, tốt cho sức khỏe.

Dành ra 15 phút mỗi ngày để tập thể dục. Không thức quá khuya, hạn chế làm việc ca kíp. Ngủ đủ giấc (ít nhất 6 giờ/ngày). Nên có một lần khám kiểm tra sức khỏe tổng quát nếu đã U40. Sau đó, định kỳ kiểm tra 1-2 năm một lần.

Đặc biệt, người ngủ ngáy nên được xem là người có bệnh, nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt.

5. Bỏ những thói quen xấu?

Bỏ những thói quen không tốt như: đi tắm hoặc xông hơi ngay sau khi uống rượu, sau khi ăn no. Ngâm mình trong nước quá lâu làm mất thân nhiệt.

Những người bị bệnh mạch vành tim, những người bị cao huyết áp thì hạn chế tắm đêm, nhất là tắm với nước lạnh, vì: khi tắm với nước lạnh có thể gây co thắt mạch đột ngột gây nên những cơn đột quỵ não hay cơn co thắt mạch vành tim.

Thời điểm tốt nhất để tắm là sau khi ngủ dậy, cơ thể đã khỏe mạnh hoàn toàn với một vài động tác khởi động nhẹ nhàng chứ không cần thiết phải ra mồ hôi. Không tự ý dùng thuốc linh tinh.

Nên tuân thủ điều trị của bác sĩ, nhất là những bệnh mãn tính như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu và tái khám đúng định kỳ.

Những dấu hiệu đột tử

- Do cục máu đông bít tắc trong mạch máu phổi đột ngột gây ngưng thở và đột tử. Tình trạng này thường gặp ở người nữ, trung niên, có liên quan đột biến về bộ gen di truyền hoặc do ngồi lâu một chỗ không vận động hoặc những người từng được phẫu thuật vùng bụng, vùng sinh dục, hậu môn hay chi dưới, hoặc do các bệnh mãn tính hoặc do hút thuốc lá nhiều, hoặc do dùng thuốc nội tiết tố không đúng cách.

- Vỡ phình động mạch chủ ở bụng: khi động mạch chính ở bụng vỡ sẽ dẫn đến mất máu đột ngột lên não và tim, và bệnh nhân tử vong rất nhanh nếu không được phẫu thuật. Bệnh này có liên quan đến hút thuốc lá và cao huyết áp, cùng với đái tháo đường, hay các bệnh mãn tính khác...

- Chứng ngưng thở khi ngủ: người ngưng thở khi ngủ luôn bị thiếu oxy máu và người ngưng thở khi ngủ có khả năng bị đột tử, tức là ngưng thở luôn trong lúc ngủ, nhất là những người đã có chứng này rồi mà lại còn lạm dụng thêm thuốc an thần.

Ngủ ngáy là một trong những biểu hiện của chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là một tình trạng bệnh lý chứ không phải khỏe mạnh như "ngáy vang như sấm rền". Y học đã chứng minh chứng ngưng thở khi ngủ làm tăng tỉ lệ béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành tim... Vì vậy, nếu có người nhà ngáy nhiều, chúng ta nên đi khám bệnh để xác định xem có bị chứng ngưng thở khi ngủ hay không.

Phòng nguy cơ đột tử Phòng nguy cơ đột tử

Đột tử là tình trạng tử vong đột ngột ngay lập tức, tuổi càng cao nguy cơ đột tử càng tăng. Nam giới bị đột tử cao gấp hai lần phụ nữ.

BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG (BV Nguyễn Tri Phương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên