06/10/2017 16:27 GMT+7

Đột quỵ - bệnh lý nguy hiểm và có khả năng tái phát

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là một bệnh lý tổn thương một phần não xảy ra đột ngột do sự cung cấp máu lên não bị ngừng trệ.

Đột quỵ - bệnh lý nguy hiểm và có khả năng tái phát - Ảnh 1.

Nguyên nhân gây thiếu máu nuôi não có thể là tắc mạch máu não hoặc vỡ mạch máu não.

Sự nguy hiểm của đột quỵ

Sự phục hồi ở bệnh nhân đột quỵ có thể một phần hoặc hoàn toàn. Điều này tuỳ thuộc vào mạch máu não bị tắc, thời gian bệnh nhân được đưa đi cấp cứu, xử trí cấp cứu và chăm sóc sau đột quỵ.

Trong trường hợp nặng thì bệnh nhân có thể tử vong hoặc bị di chứng nặng nề và ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của bệnh nhân.

Các trường hợp nặng là những bệnh nhân bị nhồi máu não hoặc xuất huyết não với kích thước quá lớn hoặc xảy ra ở các vị trí quan trọng.

Đột quỵ có khả năng tái phát và phòng ngừa tái phát

Đột quỵ là một bệnh lý có khả năng gây tái phát. Bệnh nhân đã từng bị đột quỵ một lần sẽ có nguy bị đột quỵ lần nữa. Do vậy, việc điều trị phòng ngừa là rất quan trọng trong suốt quãng đời còn lại của bệnh nhân.

Việc điều trị phòng ngừa cho bệnh nhân chủ yếu cần:

- Thay đổi lối sống: tránh lối sống tĩnh tại, ít vận động. Nên tăng cường tập thể dục, vận động vừa sức, đều đặn, phù hợp với tình hình sức khỏe và bệnh tật đang có. Tốt nhất là nên theo lời khuyên của bác sĩ. Bỏ thuốc lá, ngưng rượu bia.

- Chế độ ăn: không ăn nhiều mỡ, không ăn nhiều chất ngọt, chất đường, bột. Ăn giảm muối, ăn nhiều rau, củ, trái cây.

- Điều trị các bệnh lý đi kèm: bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, các bệnh lý tim mạch khác như rung nhĩ, bệnh van tim…

- Sử dụng thuốc: ở những bệnh nhân đột quỵ do tắc mạch não (nhồi máu não) cần được điều trị thêm với những thuốc ngăn ngừa hình thành cục máu đông như thuốc kháng kết tập tiểu cầu (như aspirin, clopidogrel) hay những thuốc kháng đông (như warfarin, dabigatran hoặc rivaroxaban).

Những suy nghĩ không đúng và thói quen gây hại cho bệnh nhân đột quỵ

Đột quỵ không phải do té ngã gây ra. Triệu chứng của đột quỵ là liệt tay chân đột ngột làm cho bệnh nhân không đứng vững, té ngã khi đang đi, đứng, lái xe…

Đột quỵ không phải do trái gió trở trời, không phải do ma ám, quỷ nhập. Do đó cúng vái, đi thầy, giác hơi, cắt lễ, cạo gió… không có tác dụng điều trị đột quỵ mà thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân do trì hoãn thời gian cấp cứu.

Ngoài bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp thì rung nhĩ cũng là nguy cơ gây nên đột quỵ

Rung nhĩ là một bệnh lý rối loạn nhịp tim phổ biến nhất. Ước tính trong 4 người trên 40 tuổi thì có 1 người bị rung nhĩ.

Đột quỵ là biến chứng hàng đầu của rung nhĩ. Bệnh nhân rung nhĩ khi bị đột quỵ sẽ có tiên lượng nặng nề hơn, tỉ lệ di chứng và tử vong cao hơn.

Hầu hết các trường hợp đột quỵ do rung nhĩ có thể điều trị phòng ngừa một cách hiệu quả.

Hiện tại thuốc kháng đông là một trong những nhóm thuốc điều trị phòng ngừa đột quỵ hiệu quả ở các bệnh nhân rung nhĩ.


Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên