15/08/2017 16:20 GMT+7

​Làm gì khi người thân bị đột quỵ?

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Mạch máu não chiếm 15% trường hợp đột quỵ do xuất huyết, mạch máu não bị tắc chiếm 85% trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ

- Đột ngột yếu, tê mặt, tay, chân.

- Đột ngột nhìn mờ đi hoặc mất thị lực.

- Đột ngột khó nói hoặc không hiểu lời nói.

- Đau đầu dữ dội mà không biết nguyên nhân.

- Chóng mặt, loạng choạng, té, không giải thích được lý do.

Đặc điểm xuất hiện và tiến triển của các triệu chứng

- Các triệu chứng nói trên xuất hiện đột ngột (trong vòng vài giây tới vài chục phút). Đây là đặc điểm rất quan trọng của đột quỵ não.

- Các triệu chứng có thể nặng tối đa ngay từ đầu và không tiến triển nặng nề thêm (thường là biểu hiện của đột quỵ não chảy máu).

- Hoặc các triệu chứng đã xuất hiện sẽ nặng dần lên trong các phút, các giờ tiếp theo và có các triệu chứng mới xuất hiện thêm (thường là biểu hiện của đột quỵ thiếu máu não).

Làm gì khi bệnh nhân đột quỵ

Khi người nhà phát hiện thấy bệnh nhân có biểu hiện của các triệu chứng với các đặc điểm và hoàn cảnh xuất hiện như trên, người nhà bệnh nhân xử trí như sau:

Nên:

- Bất động, theo dõi bệnh nhân, sơ cứu duy trì nhịp tim và nhịp thở khi cần thiết.

- Đối với người bị tai biến mạch máu não, thời gian là vàng. Xử lý hay nhất là gọi xe cấp cứu hoặc taxi đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Việc thăm khám và điều trị cần hết sức khẩn trương, đặc biệt trong khoảng 3 giờ đầu.

- Khi di chuyển bệnh nhân nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang một bên, nới bớt quần áo cho thoáng.

- Chuẩn bị tâm lý cho mọi người trong gia đình, chủ động đón nhận thời kỳ chăm sóc, điều trị bệnh nhân lâu dài, vất vả.

Không nên:

- Cạo gió, uống nước chanh… khi bệnh nhân có các triệu chứng đột quỵ (tưởng lầm bệnh nhân bị trúng gió). Do khi bị liệt vùng hầu họng, bệnh nhân uống nước sẽ gây sặc vào đường thở, làm suy hô hấp cấp hoặc gây tăng huyết áp và làm chậm thời gian đưa đến bệnh viện.

- Đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy vì có trường hợp bệnh nhân bị liệt một bên, không thể gác chân lên xe và làm chân bên liệt bị chấn thương.

- Để bệnh nhân tại nhà chờ đợi sự thuyên giảm tự nhiên của bệnh hoặc cho rằng bệnh nhân tuổi đã cao không cần đưa đi bệnh viện cứu chữa.

- Trì hoãn để đưa bệnh nhân đi khám trong hoàn cảnh tiện lợi (khám theo tuyến, chờ cho đầy đủ các thành viên gia đình, chờ cho trời sáng mới đưa bệnh nhân đi bệnh viện…).

- Tự sử dụng các loại thuốc cấp cứu điều trị mà không có đơn của bác sĩ.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: đột quỵ