Bệnh nặng sẽ gây tử vong, nếu nhẹ vượt qua được sẽ bị tàn tật, còn nhẹ hơn nữa thì đi lại yếu, nói năng không bình thường và khó có thể làm lại công việc cũ. Do vậy, việc phòng ngừa đột quỵ là vấn đề then chốt rất quan trọng với người bệnh.
Gánh nặng cho gia đình
Đột quỵ thường khởi phát đột ngột. Bệnh nhân đang lao động, sinh hoạt bình thường đột nhiên xuất hiện các triệu chứng tổn thương thần kinh: nói khó, liệt mặt, liệt tay chân... Bệnh thường gặp nhiều ở người trung niên và cao tuổi (từ 50 tuổi trở lên). Người càng nhiều tuổi thì nguy cơ đột quỵ não càng cao và hậu quả để lại càng nguy hiểm như: liệt nửa thân, tứ chi, mất thăng bằng, khó nói, không giao tiếp được...
Bệnh nhân phải trải qua đợt điều trị kéo dài tại cơ sở y tế, cần sự chăm sóc của người thân, làm mất ngày công lao động, suy giảm kinh tế gia đình và trở thành gánh nặng cho gia đình. Đặc biệt, mọi bệnh nhân đột quỵ đều có thể bị tái phát trong những năm đầu tiên hoặc nhiều năm tiếp theo.
Loại bỏ nguy cơ đột quỵ
Đột quỵ liên quan mật thiết với các bệnh như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường... Đột quỵ phân thành đột quỵ thiếu máu não cục bộ (nhồi máu não) và đột quỵ chảy máu não (xuất huyết não).
Muốn tránh được nguy cơ đột quỵ, người bệnh nên phát hiện sớm và theo dõi điều trị các căn bệnh tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường. Bởi bệnh tăng huyết áp tạo mảng xơ vữa thường gây xuất huyết não nhiều hơn nhồi máu não. Việc phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp để dùng thuốc huyết áp kịp thời và liên tục góp phần quan trọng làm giảm khả năng đột quỵ. Bệnh nhân không sử dụng thuốc huyết áp thường xuyên dễ gây nên cơn tăng huyết áp nhảy vọt, dễ dẫn đến bệnh đột quỵ. Còn bệnh đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Việc tái khám định kỳ, dùng thuốc để kiểm soát đường huyết tốt góp phần hạn chế biến chứng của bệnh đái tháo đường như đột quỵ, suy thận...
Đặc biệt, đối với người từng bị đột quỵ và được cứu sống, khả năng bị đột quỵ lại rất cao nên càng phải thực hiện nghiêm ngặt chế độ ăn uống. Nên sử dụng thức ăn nhiều chất xơ, nguồn thực phẩm chứa protein đậu tương được chấp nhận dùng thay cho các thực phẩm chứa chất mỡ động vật. Bệnh nhân từng bị đột quỵ có bệnh huyết áp cao thì cần phải ăn nhạt (bớt muối trong khẩu phần ăn). Kiêng đường, giảm tinh bột, tăng cường rau xanh đối với người từng đột quỵ có bệnh tiểu đường. Hút thuốc lá chủ động hay thụ động, lạm dụng rượu cũng là những nguyên nhân quan trọng hàng đầu gây xơ vữa động mạch.
Bên cạnh đó, cần tăng cường vận động, đi lại, nên vận động ít nhất 1 tuần 2 lần, thiếu vận động sẽ gây ra nhiều hậu quả có hại, nhất là người trung niên và cao tuổi. Tránh các chấn động thần kinh, lo âu, cần có chế độ vui chơi và giải trí thích hợp, điều độ. Thay đổi chế độ dinh dưỡng, tăng cường hoạt động thể lực là các cách điều trị làm thay đổi lối sống quan trọng đối với tất cả bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận