01/11/2017 17:33 GMT+7

Đồng ý bội chi 3,5% GDP nhưng có điều kiện nghiêm ngặt

L.THANH
L.THANH

TTO - Mức bội chi hàng năm 3,5% GDP là phù hợp nhưng Chính phủ cần thực hiện kèm theo một loạt điều kiện nghiêm ngặt, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy kiến nghị tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 1-11.

Đồng ý bội chi 3,5% GDP nhưng có điều kiện nghiêm ngặt - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) - Ảnh: VTV

Vị đại biểu của Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng thông qua chính sách tạo nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là trong nông nghiệp và phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm dần sản phẩm gia công có giá trị gia tăng thấp.

"Tăng GDP quan trọng nhưng quan trọng hơn là chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam", đại biểu của Đà Nẵng nhấn mạnh.

Phải có chiến lược nợ rõ ràng

Theo bà Thúy, trong nhiều năm nữa, nước ta vẫn phải thực hiện chính sách chủ động bội chi bằng con đường vay nợ để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật. Mức bội chi hàng năm là 3,5% GDP là phù hợp nhưng Chính phủ cần thực hiện kèm theo một loạt điều kiện nghiêm ngặt.

"Phải có chiến lược nợ của Chính phủ và nợ của quốc gia rõ ràng; Xây dựng trụ sở của Chính phủ là chi tiêu dùng, chứ không phải là chi đầu tư; Cơ chế giám sát nguồn vốn đầu tư phải chặt chẽ chứ như tiếp tục đầu tư như cách làm mấy năm qua, hệ lụy không chỉ tăng rủi ro cho hệ thống tài chính, mất an toàn nợ công mà còn góp phần gây bất ổn vĩ mô", bà Kim Thúy nói.

Đặc biệt, bà Thúy đề nghị triển khai đồng bộ và khả thi việc xử lý nợ xấu, tiếp tục sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng yếu kém, đặt tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của nhân viên ngân hàng thương mại làm yêu cầu hàng đầu, xử lý nghiêm mối liên kết ngầm giữa thị trường tín dụng với thị trường bất động sản và tạo cơ chế liên thông minh bạch giữa hai thị trường này bằng các công cụ thị trường.

Đại biểu Đà Nẵng nhấn mạnh: "Tuân thủ pháp luật phải được xem là nền tảng của hoạt động ngân hàng. Mục tiêu tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng càng chậm thì càng tiềm ẩn nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô và chậm khai thông điểm nghẽn về vốn cho nền kinh tế. Bởi hiện nay hệ thống ngân hàng thương mại cung cấp 75% nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế".

Đồng ý bội chi 3,5% GDP nhưng có điều kiện nghiêm ngặt - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) - Ảnh: Quochoi.vn

Thận trọng khi nới lỏng chính sách

Trước đó, sáng nay, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) thì đề nghị Chính phủ thận trọng khi thực hiện các động thái nới lỏng chính sách.

"Việc hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục để nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có thể làm gia tăng rủi ro trong lĩnh vực tài chính, nhất là khi khối lượng lớn các khoản nợ xấu vẫn còn tồn đọng. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhưng lại làm gia tăng lạm phát", ông Xuân phân tích.

Theo ông, cần cắt giảm các khoản chi tiêu công không cần thiết, ví dụ không để chi phí hành chính lấn át chi phát triển kết cấu hạ tầng những năm gần đây. 

"Cần chặn đà tăng chi thường xuyên bằng cách tính toán phù hợp các khoản chi cho an sinh xã hội, chi cho con người và xem lại cơ chế, phương thức phân cấp đảm bảo nguồn lực tập trung cho đầu tư phát triển, không chạy theo phải đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP bằng mọi giá vì đạt 6,7% GDP theo chỉ tiêu Quốc hội giao, nhưng chất lượng tăng trưởng thật sự không đảm bảo tính bền vững", ông Xuân nhấn mạnh.

Đồng ý bội chi 3,5% GDP nhưng có điều kiện nghiêm ngặt - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cũng kiến nghị Chính phủ chủ động xây dựng phương án cơ cấu lại thu chi ngân sách phù hợp.

"Hạn chế tối đa việc sử dụng nguồn dự phòng, đầu tư công trung hạn khi nguồn thu ngân sách chưa đảm bảo theo kế hoạch, khẩn trương đánh giá tổng thể chính sách thuế, tác động giảm thu do quá trình hội nhập quốc tế, sớm sửa đổi căn cơ các chính sách thuế", ông Toàn nói.

Đại biểu Lai Châu cũng lưu ý việc đàm phán ký kết các hiệp định vay ODA, vốn ưu đãi nước ngoài thời gian qua chưa thật chặt chẽ, chưa đánh giá đầy đủ các chỉ tiêu an toàn nợ công, chưa gắn kết đồng bộ giữa việc vay vốn với cân đối, bố trí, sử dụng vốn trong kế hoạch đầu tư công.

"Vốn ký kết đã vượt rất nhiều, khoảng 100.000 tỉ đồng so với kế hoạch vốn vay nước ngoài dành cho vốn đầu tư công. Đặt ra tình thế nếu không bố trí bổ sung kế hoạch đầu tư công sẽ không giải ngân được, trong khi chúng ta vẫn phải trả phí cam kết, triển khai các dự án chậm sẽ lãng phí lớn, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam với nhà tài trợ", ông Toàn nói.

Đại biểu tranh luận với bộ trưởng về số liệu tăng trưởng GDP Đại biểu tranh luận với bộ trưởng về số liệu tăng trưởng GDP Sau cơn địa chấn FDI là nỗi lo âm ỉ Sau cơn địa chấn FDI là nỗi lo âm ỉ Tăng trưởng "thật kỳ lạ": Thấp cao đều đột ngột Tăng trưởng 'thật kỳ lạ': Thấp cao đều đột ngột
L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên