
Ông Lê Minh Hoan - phó chủ tịch Quốc hội (thứ ba từ bên trái) cùng các tổ chức trong nước, quốc tế đặt tên cho 6 sếu đầu đỏ đã đưa về Vườn quốc gia Tràm Chim - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Phát biểu khai mạc, ông Lê Quốc Phong - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - cho biết để có được kết quả như hôm nay có sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, bên cạnh đó đề án còn có sự đồng hành của Hội Sếu quốc tế, Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan, Vườn thú Korat, các cơ quan chức năng của Thái Lan đã chia sẻ với Đồng Tháp để sớm đưa sếu về Tràm Chim.
Ngoài ra đề án còn có sự đồng hành của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ về vật chất, tinh thần nhằm lan tỏa ý nghĩa đến nhiều tầng lớp trong xã hội.

Ông Lê Quốc Phong - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - phát biểu tại lễ tiếp nhận - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Người dân Tràm Chim từ những ngày đầu triển khai đề án đã hết sức ủng hộ và thay đổi tập quán canh tác nông nghiệp, hướng tới mục tiêu bền vững cho cộng đồng, xem đây là tình cảm, trách nhiệm của người dân chung sống với tự nhiên một cách bền vững.
"Hôm nay sếu về Đồng Tháp trong những ngày tháng tư lịch sử, cùng với đó Đồng Tháp chuẩn bị có không gian phát triển mới, tôi nghĩ đây là điềm lành, là tín hiệu để chúng ta có thể tiếp tục tin tưởng, kỳ vọng cho sự thành công của đề án trong tương lai.
Bằng sự thành công của đề án bảo tồn sếu sẽ đảm bảo thành công trong việc bảo tồn môi trường của Vườn quốc gia Tràm Chim, có những kinh nghiệm quý để thực hiện các dự án bảo tồn khác, và nhận được tình cảm yêu quý của bà con gần xa khi đến với Đồng Tháp cũng như Tràm Chim, Tam Nông", ông Phong nói.

Ông Nguyễn Văn Lâm - giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim (bên trái) - tiếp nhận sếu từ ông Thanachon Kensingh - giám đốc Vườn thú Korat - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Tiến sĩ Jade Donavanik - chủ tịch hội đồng Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan - bày tỏ niềm vinh dự và vui mừng tại sự kiện tiếp nhận sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim - một minh chứng điển hình cho sự hợp tác quốc tế trong công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường bền vững.
"Sếu là một loài chim có tầm quan trọng sinh thái cao và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng.
Những nỗ lực chung của chúng ta không chỉ có ý nghĩa đối với Vườn quốc gia Tràm Chim hay tỉnh Đồng Tháp, mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trên phạm vi toàn cầu", tiến sĩ Jade nói.

Ông Lê Quốc Phong - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (giữa) - trao tặng biểu tượng sếu cho đội tuyên truyền (thanh niên, người dân, học sinh) bảo vệ sếu đầu đỏ và động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Tràm Chim, và nhận lại bó hoa kết từ sen - lúa - năn kim - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Ông Trần Trí Quang - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - trao bằng khen cho đại diện các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế có đóng góp tích cực cho đề án bảo tồn sếu đầu đỏ - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Trước đó, ngày 19-4, 6 con sếu đầu đỏ đã được chuyển từ Thảo cầm viên Sài Gòn về Vườn quốc gia Tràm Chim sau 10 ngày cách ly, kiểm dịch theo quy trình. 6 con sếu lần lượt được đặt tên là: Tha Vi, Ti Ci, LoTus, Bạn Mít, Phúc Viên, Tân Nguyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận