Đạo diễn 32 tuổi người Singapore Boo Junfeng (bìa phải) cùng các thành viên đoàn làm phim Apprentice ra mắt tại LHP Cannes ngày 16-5. |
Một bộ phim Philippines được chọn tranh giải Cành cọ vàng (Ma Rosa của đạo diễn tên tuổi Brillante Mendoza) và hai bộ phim khác của Singapore tranh giải ở hai hạng mục quan trọng khác.
Dịp này, nhà báo Patrick Brzeski trong một bài viết trên tờ The Hollywood Reporter nhận định Đông Nam Á là thị trường đầy tiềm năng với những tài năng mới và tương lai của ngành công nghiệp điện ảnh khu vực này tươi sáng hơn bao giờ hết.
Những đề tài mang tính địa phương, sẽ giúp điện ảnh Singapore mở rộng sức ảnh hưởng ra bên ngoài, như cách Anthony Chen từng thành công với bộ phim mang dấu ấn cá nhân Ilo Ilo, kể về những hồi ức niên thiếu trong thời khủng hoảng kinh tế tại Singapore. "Thay vì cố gắng để thu hút khán giả nước ngoài, chúng ta nên bắt đầu với những câu chuyện địa phương để thu hút khán giả nội địa trước. Tính xác thực của những câu chuyện này sẽ thu hút được sự chú ý của quốc tế" |
ANTHONY CHEN |
Cụm thị trường trẻ đầy năng động
Với dân số lên tới 620 triệu người, gần gấp đôi dân số Mỹ, số người trẻ chiếm tỉ lệ cao và đặc biệt là sự tăng trưởng ngoạn mục của kinh tế khiến tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh chóng, Đông Nam Á là thị trường màu mỡ cho sự phát triển điện ảnh.
Quả là vậy, khi các nền điện ảnh lớn ở châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã bắt đầu bão hòa và tất nhiên phải chịu sự kiểm soát về số lượng phim ngoại nhập, Hollywood hướng sự quan tâm của mình tới Đông Nam Á, một cụm thị trường vừa đa dạng vừa dễ thở hơn nhiều.
Nhiều bộ phim của Hollywood chọn các nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan hoặc Philippines để ra mắt ở khu vực và thậm chí nhiều phim bom tấn gần đây như Captain America: Civil war và X-men: Apocalypse ra mắt ở các nước Đông Nam Á trước cả thị trường Bắc Mỹ một tuần.
Hai diễn viên Andi Eigenmann và Jaclyn Jose trong phim tranh giải Ma Rosa của Brillante Mendoza -Ảnh: AFP |
Rance Pow, người sáng lập và chủ tịch của Artisan Gateway - một công ty tư vấn chuyên về điện ảnh châu Á, nhận định “nhìn chung khu vực Đông Nam Á được tin tưởng là khu vực tăng trưởng lớn toàn cầu tiếp theo của nền công nghiệp điện ảnh thế giới”.
Ông cũng cho rằng dù mức độ phát triển khác nhau phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng điện ảnh, thói quen và thị hiếu xem phim của người dân khác nhau, nhưng đồng thời nó cũng làm cho cụm thị trường này trở nên đa dạng và khác biệt.
Như Singapore, quốc gia có số người đến rạp xem phim cao hàng đầu thế giới tính theo đầu người với 4,2 lần cho mỗi người một năm, với khoảng 5 triệu dân, tổng doanh thu phòng vé năm ngoái đạt 161 triệu USD (gần gấp đôi so với 85 triệu USD doanh thu phòng vé của Việt Nam trong năm 2015).
Không chỉ có sự tăng trưởng doanh thu vượt bậc từ các phòng vé, những tín hiệu về nghệ thuật cũng khiến thế giới quan tâm đến khu vực này. Thái Lan đoạt Cành cọ vàng tại Cannes; Philippines đoạt giải Đạo diễn xuất sắc tại Cannes và năm nay tiếp tục có phim tranh giải Cành cọ vàng.
Đặc biệt, Singapore năm nay có tới hai phim lọt vào hai hạng mục tranh giải uy tín cho những tên tuổi mới hoặc những bộ phim giàu tính thể nghiệm. Cách đây vài năm, Singapore cũng có phim từng đoạt giải Camera vàng cho phim đầu tay tại Cannes (bộ phim Ilo Ilo của đạo diễn Anthony Chen, 32 tuổi).
Không chỉ thế, với phong cảnh tuyệt đẹp và một số nước có lịch sử, văn hóa lâu đời, giàu bản sắc đã thu hút các nhà làm phim Hollywood đến để quay các bộ phim bom tấn.
Đầu năm nay, Hãng Legendary Entertainment chọn một số điểm tại các tỉnh miền Trung và Bắc Việt Nam để quay bộ phim bom tấn Kong: Skull island có kinh phí lên đến 190 triệu USD.
Trong khi đó, Angelina Jolie cũng chọn Campuchia để quay bộ phim thứ 3 do cô đạo diễn có tên First they killed my father, một bộ phim có chủ đề về Khmer Đỏ.
Chompoo Araya - nữ diễn viên Thái Lan trên thảm đỏ LHP Cannes 2016. |
Những ngôi sao nổi bật
Với dân số hơn 60 triệu người, Thái Lan có nền điện ảnh phát triển đáng chú ý trong nhiều năm qua, ở cả hai dòng phim thương mại và nghệ thuật. Với dòng phim nghệ thuật, Apichatpong Weerasethakul đã trở thành một tên tuổi của điện ảnh thế giới khi đoạt giải Cành cọ vàng tại Cannes với phim Uncle Boonmee who can recall his past lives vào năm 2010.
Năm ngoái, anh tiếp tục gây ấn tượng tại Cannes với bộ phim Cemetery of splendor nhưng không được trình chiếu tại Thái Lan do vấn đề kiểm duyệt vì chế độ quân đội lên nắm quyền nước này từ năm 2014.
Ở dòng phim thương mại, nhiều người còn nhớ đến bộ phim hài kinh dị Pee Mak (Tình người duyên ma) với doanh thu lên đến 33 triệu USD năm 2013 (doanh thu phim cao nhất thị trường Việt Nam là Em là bà nội của anh mới đạt mốc 5 triệu USD cho thị trường 90 triệu dân).
Dòng phim thương mại Thái Lan rất đa dạng về thể loại và đôi lúc những phim thành công lớn lại đến từ các bộ phim độc lập. Một thành công gần đây khiến giới điện ảnh Thái phải bàn tán là bộ phim Freelance (chiếu ở Việt Nam với nhan đề Đánh cắp trái tim) của đạo diễn Nawapol Thamrongrattanarit.
Đây là một bộ phim rom-com (lãng mạn hài) có kịch bản rất sáng tạo và phá bỏ mọi công thức của dòng phim này. Phim thu được 2,3 triệu USD chỉ sau 10 ngày ra mắt vào cuối tháng 9 năm ngoái và sau đó giành một cơn mưa giải thưởng với 8 hạng mục khác nhau, bao gồm Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất tại giải thưởng Hiệp hội Điện ảnh quốc gia.
Nawapol Thamrongrattanarit năm nay mới 32 tuổi nhưng có 5 bộ phim, trong đó bộ phim thứ 2 Mary is happy được chọn trình chiếu tại Liên hoan phim Venice. Sau thành công vang dội của Freelance, Nawapol đang khởi quay bộ phim thứ 6 của mình có tên Die tomorrow, là một trong ba dự án được chọn giới thiệu trong sự kiện thường niên “Thai Pitch” tại Liên hoan phim Cannes năm nay.
Với Singapore, một trong hai ngôi sao nổi bật nhất của điện ảnh khu vực, thì 2016 là một năm đột phá của nền điện ảnh nước này: có tới hai bộ phim của hai đạo diễn trẻ tranh giải ở Cannes. Đạo diễn Boo Junfeng có phim Apprentice lọt vào hạng mục tranh giải Un Certain Regard (Một góc nhìn khác), còn K. Rajagopal có phim A yellow bird tranh giải tại International Critics’ Week (Tuần phê bình quốc tế).
Cả hai bộ phim của Singapore tại Cannes năm nay đều có những đề tài khá gai góc và táo bạo: phim của Boo đề cập câu chuyện nhạy cảm về hệ thống hình phạt tử hình của Singapore, còn phim của Rajagopal lại là câu chuyện của một cựu tù nhân làm lại cuộc đời sau khi ra tù.
Cần phải giới thiệu thêm một chút, Boo Junfeng, năm nay 32 tuổi, thực hiện bộ phim đầu tay vào năm 2010 (lúc anh mới 26 tuổi), cũng từng được chọn tranh giải tại Tuần phê bình quốc tế với bộ phim Sandcastle (cùng năm với Phan Đăng Di đoạt hai giải với Bi, đừng sợ tại hạng mục này).
Ra mắt ngày 16-5 tại Cannes, Apprentice của Boo tiếp tục nhận được những phản hồi tích cực. Cũng trên tờ The Hollywood Reporter, một cây bút cho rằng không thể phủ nhận Boo Junfeng là một tài năng đáng gờm của điện ảnh nước này.
Tín hiệu mới từ Campuchia Ngoài đạo diễn Rithy Panh, một tên tuổi nổi bật từng có phim tranh giải Cành cọ vàng và lọt vào tốp 5 phim tranh giải Oscar phim nước ngoài xuất sắc nhất (The missing picture - 2013), đó là Davy Chou - đạo diễn được nhắc đến gần đây của Campuchia, không chỉ vì tài năng của mình mà còn sự tâm huyết với điện ảnh nội địa và ủng hộ các gương mặt mới. Anh mở các khóa dạy làm phim tại 4 trường đại học ở Phnom Penh và thành lập hiệp hội các nhà làm phim trẻ. Bộ phim tài liệu của Chou, Golden slumbers, kể về lịch sử điện ảnh Campuchia trong những năm 1960 đã được lựa chọn giới thiệu tại Liên hoan phim Berlin và tham dự Liên hoan phim Busan. Tại Cannes năm nay, Chou cũng mang đến bộ phim truyện dài đầu tay Diamond island, một câu chuyện về sự trưởng thành đặt trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của Campuchia gần đây. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận