Trong đó, những cây ăn trái có lợi thế xuất khẩu cho thu nhập cả tỉ đồng/ha đều có diện tích lớn thuộc tốp đầu cả nước.
Cụ thể, tổng diện tích cây chuối cấy mô trên địa bàn tỉnh đạt gần 16,7 ngàn ha, sản lượng hơn 186,7 ngàn tấn; diện tích sầu riêng hơn 12,6 ngàn ha, sản lượng 53,2 ngàn tấn; chôm chôm hơn 9 ngàn ha, sản lượng gần 153 ngàn tấn; xoài hơn 11,5 ngàn ha, sản lượng gần 63 ngàn tấn...
Ngành nông nghiệp tỉnh rất quan tâm hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách nhằm nhân rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng theo chuẩn thị trường xuất khẩu chính ngạch, tăng lợi thế cạnh tranh cho cây ăn trái chủ lực.
Các địa phương tập trung đầu tư và xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái gắn với các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu.
Nhờ đó, xuất khẩu trái cây trên địa bàn tỉnh mang lại giá trị kinh tế cao. Năm 2023, tổng sản lượng chuối xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt gần 121 ngàn tấn, giá trị gần 1,5 ngàn tỉ đồng; xuất khẩu 20 ngàn tấn sầu riêng, mang lại 50 triệu USD...
Năm 2024, tỉnh đã nhân rộng được 74 mô hình sản xuất nông nghiệp, thêm hơn 3,1 ngàn ha với các mô hình thâm canh cây trồng, sản xuất theo VietGAP, ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm...
Tiêu biểu như mô hình nâng cao năng suất chất lượng vườn sầu riêng phường Xuân Lập (TP Long Khánh) với mục đích xây dựng vùng sản xuất sầu riêng theo hướng sản xuất bền vững, cho năng suất cao, ổn định, chất lượng tốt, mẫu mã trái đồng đều.
Đến nay, năng suất bình quân cây sầu riêng tại đây đạt 20 tấn/ha, cá biệt có những hộ đạt 30 tấn/ha, cao hơn nhiều so với trước khi thực hiện mô hình.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 39 vùng trồng nội địa, quy mô 410 ha, 189 mã số vùng trồng xuất khẩu với quy mô gần 28 ngàn ha. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 93 cơ sở đóng gói được cấp mã số để phục vụ xuất khẩu đi các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Úc, New Zealand...
Định hướng trong thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục xây dựng vùng trồng cây ăn trái tập trung, phát triển bền vững theo hướng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu, gia tăng giá trị bằng các giải pháp như phát triển vùng sản xuất gắn với quy hoạch hạ tầng để giảm chi phí logistics. Đầu tư sâu hơn về giống có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu bệnh.
Nâng cao chất lượng trái cây tươi xuất khẩu thông qua thúc đẩy áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất tiên tiến, mở rộng cơ giới hóa.
Các khu sơ chế, đóng gói và bảo quản được chuẩn hóa, nâng cấp. An toàn vệ sinh thực phẩm được đảm bảo từ vận hành hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và công tác kiểm dịch thực vật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận