Mục tiêu của đề án là thu hút các mô hình nông nghiệp đô thị (NNĐT), nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nông nghiệp..., góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, giá trị sản xuất bình quân/ha đất nông nghiệp trong vùng đạt 290 - 300 triệu đồng/ha, GRDP bình quân đầu người trong vùng đạt 200 - 210 triệu đồng/người/năm.
Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các vùng đô thị trên địa bàn Đồng Nai là phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Mục tiêu là đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của các đô thị theo hướng đa dạng các loại hình sản xuất NNĐT kết hợp nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp chế biến...
Ngoài ra, các vùng NNĐT đang thu hút đa dạng các loại hình kinh tế tham gia liên kết sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ, hình thành các chuỗi cung ứng, tiêu thụ. Trong đó, các mô hình nông nghiệp sử dụng ít đất, không đất; sử dụng ít lao động, tận dụng lao động nhàn rỗi, lao động ngoài độ tuổi và đặc biệt ít có nguy cơ ô nhiễm môi trường được khuyến khích nhân rộng.
Với mục tiêu phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, các vùng NNĐT trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai đồng bộ các chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm thu hút nhà đầu tư, góp phần từng bước hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Tùy vào lợi thế, đặc thù mà các địa phương có mô hình, hướng đi khác nhau, tạo nên sự đa dạng, nhiều màu sắc cho NNĐT của tỉnh. Với định hướng xây dựng đô thị sân bay, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Trần Văn Thân cho biết do quỹ đất dành cho đất nông nghiệp của huyện ngày càng thu hẹp, địa phương định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ có lợi thế cạnh tranh cao.
Trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp được quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện xây dựng kế hoạch hỗ trợ hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu cần thiết về điện, nước, đường giao thông..., tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đến đầu tư.
Đơn cử, huyện Nhơn Trạch có lợi thế phát triển nuôi thủy sản nước lợ với gần 1.800ha, trong đó có 333ha nuôi thâm canh. Địa phương rất quan tâm đầu tư hạ tầng; hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thâm canh.
Đến nay, toàn huyện có 171ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với mô hình nuôi ao đất truyền thống. Hay TP Long Khánh có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái vườn. Với mô hình này, thu nhập của các nhà vườn làm du lịch tăng lên gấp 2-3 lần so với làm nông nghiệp thuần túy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận