Tác giả trước thủy điện Xayaburi - Ảnh: C.L. |
Loạt bài “Ngược dòng Mekong đang hấp hối” đã đạt giải nhất Giải báo chí TP.HCM 2016 thể loại phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh
Cuối tháng 3-2016, nhóm bốn phóng viên Tuổi Trẻ ngược dòng Mekong để tìm hiểu thực tế sông đang bị bức tử thế nào. Rời đồng bằng sông Cửu Long đang oằn mình trong hạn, mặn, chúng tôi lên đường sang Lào.
Người Lào cũng bần thần
Những người bạn Việt kiều rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi thực hiện hành trình khó khăn với tổng đoạn đường gần 2.000km ngược suốt từ Nam lên Bắc Lào. Người nhà của họ cũng đang khốn khổ vì khô hạn ở VN, nên họ rất đồng cảm với công việc của chúng tôi.
Những ngày ở Lào, chúng tôi nhận ra nguyên nhân khiến Lào yên tâm đắp đập, ngăn sông, làm thủy điện khắp nơi.
Trong cơ cấu kinh tế quốc gia này, thủy điện được xác định sẽ đem lại nguồn thu hàng đầu khi xuất khẩu điện. Dấu ấn nhà thầu Trung Quốc có mặt khắp nơi tại những công trình này.
Giữa hành trình, tôi cố gắng tiếp cận thủy điện Xayaburi. Đây là thủy điện rất lớn đang được xây dựng. Trước đây, nhiều nông dân, ngư dân Thái Lan biểu tình, rồi gửi đơn kiện vì thủy điện này cướp mất nồi cơm ngàn đời của họ.
Một số người còn tìm cách tiếp cận Xayaburi để phản đối nhưng bất thành trước nhiều vòng bảo vệ cẩn mật. Và cảm giác thật sự choáng váng với những khối bêtông xám xịt, lạnh lẽo đang chặn nguồn nước của hàng triệu người dân dưới hạ lưu.
Dòng nước thượng nguồn đổ xuống bị chặn lại ở đây đang cuộn sôi ùng ục, tung bọt trắng xóa như tiếng gào thét giận dữ lẫn nước mắt của một nguồn sống đang bị bức tử.
Ngay cả người bạn Lào đứng trước cảnh này cũng bần thần, nghẹn giọng. Ngay lúc đó chúng tôi chợt nhớ đến những nông dân khốn khổ, những đứa trẻ phải thất học, ly hương vì ruộng đồng xác xơ ở quê hương mình.
“Nói cho cả người Lào”
Thủy điện Don Sanhong nằm trong vùng rừng núi hiểm trở. Hành trang của chúng tôi đến đây là 3 không: không biết đường sá, không biết tiếng địa phương và cũng không có một người quen nào.
Trước đó, nhiều mối quen biết ở Phnom Penh cũng đã lắc đầu khi nghe hành trình đầy thách thức này.
Nhưng nhờ các mối quen biết cũ, chúng tôi được “cấp” cho một người biết 4 thứ tiếng Anh, Lào, Việt Nam, Campuchia, lại là dân bản địa Champasak. Chúng tôi đánh xe vội vàng từ vùng bình nguyên bắc Campuchia thẳng về biên giới Nam Lào.
Người đàn ông sương gió, tên M.Vihan, tự giới thiệu: “Năm bảy mươi tôi chạy giặc sang Hà Nội. Sau Hà Nội bị đánh bom, tôi chạy sang Trung Quốc rồi về Lào. Sau này mới xuống Campuchia làm nghề gỗ. Tôi còn mang nợ VN...”.
Có phải vì chữ “nợ” ấy mà khi gặp người VN, ông lại sốt sắng đến khác thường? Khác với vẻ thụt thò của người đột nhập, người đàn ông cứ lái xe xông thẳng vào các lán trại của người Trung Quốc vốn cấm người lạ. Vihan nói ông hiểu công việc của chúng tôi làm.
“Các anh không chỉ nói cho người VN, mà nói cho cả người Lào sắp khổ vì Mekong bị chặn làm thủy điện... Tôi ủng hộ các anh. Anh đi đâu cứ nói tôi đưa đi. Tôi không sợ nguy hiểm gì cả”.
Trong suốt hành trình từ Campuchia sang Lào, từ Lào về Campuchia, M.Vihan lại nói lời cảm ơn vì những gì mà chúng tôi và các đồng nghiệp Tuổi Trẻ đang cố gắng tìm hiểu và công bố sự thật.
Tìm đến đập Cảnh Hồng Cùng với những đồng nghiệp đang tác chiến trực tiếp ở các nước Lào, Campuchia và Thái Lan, tôi được phân công đến đập Cảnh Hồng. Chúng tôi chọn cách đi đường bộ theo tuyến đường Hà Nội - Lào Cai - Hà Khẩu - Cảnh Hồng. Trên quãng đường dài 800km từ Hà Khẩu đến Cảnh Hồng, rất nhiều lần cảnh sát và quân đội Trung Quốc ra hiệu dừng xe lên kiểm tra giấy tờ của những người “đi tìm hiểu hàng hóa” - thân phận mà chúng tôi tự nghĩ ra. Khi đến Cảnh Hồng, cảnh sát chặn lại trước cửa đập với lời đe dọa: “Đây là những công trình quốc gia, nghiêm cấm người lạ mặt”. Hầu hết những người dân Trung Quốc chúng tôi tiếp xúc đều khá thân thiện nhưng khi hỏi về con đập thì họ nói không quan tâm vì dòng sông Mekong không phải nguồn sống chính của họ. Qua sự chỉ dẫn của một người địa phương, chúng tôi gặp ông La, trưởng nhóm khí tượng thủy văn của trạm thủy văn Cảnh Hồng. Chúng tôi nói với ông La nhóm đang nghiên cứu về dòng sông Lan Thương, ông La liên tục từ chối nhưng sau nhiều giờ thuyết phục, cuối cùng ông La cũng đồng ý cung cấp thông tin... Đưa được những thông tin chân thực, sống động về những vấn đề bạn đọc cả nước quan tâm, như câu chuyện xả nước của đập Cảnh Hồng, là niềm hạnh phúc to lớn, giúp chúng tôi vượt qua những thách thức, rủi ro nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận