28/09/2017 10:41 GMT+7

Đóng cửa rừng, giá gỗ cao su tăng kỷ lục

BÙI LIÊM
BÙI LIÊM

TTO - Nhiều chủ vườn cao su tại Bình Phước hiện đang đua nhau thanh lý vườn cây cao su già cỗi, thậm chí cả vườn cao su đang khai thác mủ, để bán gỗ do giá tăng mạnh và được thương lái lùng mua.

Đóng cửa rừng, giá gỗ cao su tăng kỷ lục - Ảnh 1.

Nhiều vườn cao su già ở tỉnh Bình Phước đã được thanh lý để bán gỗ - Ảnh: BÙI LIÊM

Theo nhiều thương lái mua bán cây cao su, nhu cầu gỗ cao su tăng cao sau khi Thủ tướng quyết định đóng cửa rừng, giá cây cao su cũng tăng mạnh. 

Giá gỗ cao su tăng kỷ lục

Ông Nguyễn Văn Thành, ở phường Long Phước, thị xã Phước Long, vừa thanh lý hơn 10ha cao su già cỗi thu về 7 tỉ đồng, cho biết những năm trước, giá cây cao su thanh lý ở mức 600.000 -700.000 đồng/cây, còn hiện nay trung bình 1 triệu đồng/cây, cá biệt có những vườn cao su già thân cây to có giá lên đến hơn 1,5 triệu đồng/cây. 

So với cùng kỳ năm trước thì giá tăng hơn 300.000 đồng/cây, đây là mức giá tăng đột biến và chưa từng có đối với cây cao su thanh lý từ trước đến nay. 

Do đó, chỉ cần có 1ha cao su thanh lý (trung bình 1ha khoảng 500 cây), nhà vườn có thể thu về 600-700 triệu đồng. 

"Số tiền thu về tôi vừa có được lợi nhuận cao vừa có tiền để tiếp tục đầu tư xuống giống và chăm sóc lứa cao su tiếp theo", ông Thành nói. 

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hường, ở xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, cũng vừa cắt bán hơn 1,5ha cao su 20 năm tuổi thu về hơn 700 triệu đồng.

"Giá cây cao su già thanh lý mọi năm chỉ từ 600.000 - 700.000 đồng/cây. Nhưng vừa qua vườn của tôi mặc dù thân cây cũng vừa vừa mà vẫn bán được hơn 1 triệu đồng/cây", ông Hường cho biết. 

Theo ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, do giá cây cao su thanh lý tăng đột biến đã khiến nhiều nhà vườn có cao su già cỗi đổ xô thanh lý cây để được giá trong thời điểm này. 

Đây thực sự là điểm đột phá giữa lúc thị trường cao su chưa ổn định trở lại đồng thời khiến những nhà vườn gắn bó với cây cao su trên địa bàn tỉnh có thêm điểm tựa với loại cây trồng chủ lực này. 

Bên cạnh đó, việc tăng giá cây cao su thanh lý cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy thị trường cao su sôi động trở lại và mang lại những tác động tích cực hơn đối với giá mủ cao su.

"Với mức giá hiện nay thì rõ ràng người nông dân đang rất có lợi khi thanh lý vườn cao su. Tuy nhiên, nông dân chỉ nên thanh lý đối với diện tích già cỗi, hết hạn khai thác. Không nên vì lợi nhuận trước mắt mà chặt bỏ cao su bán gỗ bằng mọi giá", ông Lộc khuyến cáo.

Trong khi đó, theo các thương lái mua bán cây cao su thanh lý, việc đóng cửa rừng đã khiến cho nhu cầu gỗ cao su nguyên liệu tăng lên nhanh chóng kéo theo giá cây cao su cũng tăng cao.

"Gỗ cao su hiện đang được sử dụng rất nhiều trong sản xuất đồ gia dụng, không chỉ cho thị trường trong nước mà còn phục vụ cho xuất khẩu. Dự báo, nhu cầu của thị trường sẽ vẫn tiếp tục nóng trong thời gian tới và mang lại nhiều lợi nhuận cho người trồng cao su", một thương lái nói.

Giá cây cao su tăng đột biến đã kéo theo giá đất cao su cũng tăng lên và bắt đầu có dấu hiệu sốt trở lại sau thời gian ảm đạm do mủ cao su xuống giá. 

Theo các hộ nông dân trồng cao su, giá đất cao su hiện vào khoảng 800 triệu đồng, đến hơn 1 tỷ đồng/1ha trong khi năm trước chỉ khoảng 600 triệu đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Bình Phước, tỉnh này hiện có hơn 230.000ha cao su, trong đó hơn 60% diện tích thuộc các công ty Nhà nước, còn lại thuộc các hộ cá thể.

Do giá mủ giảm sâu, những năm gần đây có hàng chục ngàn hecta cao su già cỗi, kể cả cây cao su đang cho khai thác, đã bị thanh lý để chuyển sang trồng các loại cây khác hoặc trồng lại cây cao su.

BÙI LIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên