Ấy là đợt khám - phẫu thuật lần thứ 11 của chương trình Hành trình Thiện Nhân vừa được bắt đầu vào sáng 24-6.
Các bác sĩ từ Ý, từ Mỹ nay đã trở về Việt Nam như về nhà, đã nhớ tên từng cộng sự như người thân, đã gặp lại và hỏi thăm những bệnh nhi như gặp con cháu mình.
Chẳng thể giải thích được sự nhiệt tình, cống hiến trí tuệ, tâm huyết, sức lực, thời gian ấy ngoài tình yêu thương con người.
Những người thực hiện chương trình cũng không có cách nào đền đáp ngoài việc nhân tình yêu ấy lên, đẩy ra ngoài mọi giới hạn về thủ tục, quy trình.
“Bất kỳ bệnh nhi nào có khiếm khuyết thuộc phạm vi chuyên môn của chương trình, chúng tôi đều sẽ tạo điều kiện” - những người điều hành nói vậy.
Và bệnh nhi đã không chỉ đến từ Việt Nam, mà có cả những em được đưa đến từ tận Campuchia, được đón tiếp, chăm sóc, được ôm vào lòng như chính đứa con trong gia đình. Sophean đã bập bẹ nói chuyện “anh - em” với Thiện Nhân như thế.
Ấy là những buổi tối gây quỹ, những buổi bán sách đang được tổ chức liên tiếp ở Paris, Cali, những lá thư kêu gọi được chuyển tiếp, nhân bản truyền đi trên mạng để ủng hộ vụ kiện đòi công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam của bà Trần Tố Nga.
76 tuổi, vừa trải qua ca mổ cắt khối u ung thư, chuẩn bị vào phòng xạ trị, bà Trần Tố Nga vẫn miệt mài tìm mọi cách để quyên góp chi phí cho vụ kiện.
Không chỉ bà Trần Tố Nga, đó còn là những người bạn Pháp đã từng cùng bà rong ruổi Điện Biên, Sơn La, Hà Nội.
Đó là những người Việt xa quê luôn đau đáu với mọi điều mang tên Việt Nam. Đó là những bạn trẻ sinh ra ở Pháp, ở Mỹ, chỉ biết mình có màu tóc, màu mắt đen mà chưa nói được tiếng Việt.
Xem hình ảnh và nghe câu chuyện về những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, theo dõi vụ kiện của bà Nga, họ đã hợp lại, khảo sát chi phí dịch thuật, chi phí xét nghiệm của những trung tâm được tòa án công nhận, thông báo khoản tiền cần thiết cho từng giai đoạn và bàn bạc hình thức tổ chức quyên góp.
“Đừng để Trần Tố Nga một mình. Đây là cơ hội cuối của các nạn nhân chất độc da cam”, ấy là lá thư đang được truyền từ Pháp sang Mỹ, sang Thụy Điển, Nga, những nơi có người Việt sinh sống.
Thế còn ở Việt Nam? Những người bạn tuổi thất thập của bà Nga ở lớp 8A Trường học sinh miền Nam, ở báo Giải Phóng, ở Sài Gòn, Hà Nội, Sóc Trăng cũng gom góp những đồng lương hưu.
Những hội, đoàn cũng đưa ra những con số hứa sẽ đóng góp cho đợt tranh tụng kế tiếp. Không ồn ào, không sôi động, sự chung sức lặng lẽ như những cái siết tay.
Lòng người mênh mông. Giữa những tranh luận ồn ào, tôi thấy những mẹ, những chị lặng lẽ đến đóng góp cho cậu học sinh mất mẹ trước cửa phòng thi.
Tôi đọc được những tin nhắn chuyển khoản phía sau những trái tim được thả trên trang Thiện Nhân & Friends, tôi đọc được những lá thư tha thiết:
“Đừng để Trần Tố Nga một mình” đang lan đi khắp thế giới. Bên dưới bọt biển, dòng chảy ngầm ấy mới lấp đi những khoảng trống, mới nâng lên được những cánh buồm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận